Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Hiển Long trong chuyến thăm chính thức Singapore tháng 2/2023. (Ảnh: QT) |
Xin Đại sứ chia sẻ kỳ vọng về chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào đúng các dịp kỷ niệm quan trọng của hai nước - 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược?
Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Lý Hiển Long và Phu nhân lần này là lần thứ 5 ông tới thăm Việt Nam trên cương vị Thủ tướng, thể hiện sự gần gũi, gắn kết giữa Singapore và Việt Nam và cá nhân Thủ tướng Lý Hiển Long với nước ta.
Chuyến thăm này đáp lễ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore tháng 2 vừa qua; đồng thời thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Singapore.
Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng. (Nguồn: TTXVN) |
Trong thời gian thăm Việt Nam, ngoài các hoạt động ngoại giao chính thức, Thủ tướng Lý Hiển Long còn dự các hoạt động quan trọng, biểu tượng cho hợp tác kinh tế giữa hai nước. Hợp tác sâu sắc và toàn diện hiện nay là nền tảng quan trọng đảm bảo cho mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa hai nước trong tương lai.
Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long, hai nước dự kiến sẽ ký các văn bản hợp tác quan trọng làm nền tảng củng cố, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước và hòa bình, ổn định chung trong khu vực và thế giới trong thời gian tới.
Nhớ lại chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đến Singapore năm 1991, khi đó ông Võ Văn Kiệt đã bày tỏ mong muốn nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu làm cố vấn kinh tế cấp cao cho Chính phủ Việt Nam. Đáp lại lời đề nghị, ông Lý Quang Diệu đã nhiều lần đến thăm Việt Nam, đưa ra lời khuyên về chiến lược kinh tế vĩ mô. Cũng từ đó, Singapore đã nhìn thấy ở Việt Nam là một đối tác tin cậy, một đối tác cần phát triển quan hệ song phương. Đại sứ nhận định như thế nào về nền tảng lòng tin đã đưa quan hệ song phương, đặc biệt là hợp tác kinh tế gặt hái được nhiều “trái ngọt” như hiện nay – điển hình như mô hình VSIP đã và đang được nhân rộng?
Lòng tin là yếu tố then chốt thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Singapore trong suốt 5 thập kỷ qua. Hai nước chia sẻ tầm nhìn tương đồng về nhiều vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và an ninh của mỗi nước cũng như trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Hợp tác giữa hai nước dựa trên nền tảng cùng có lợi, bảo đảm lợi ích quốc gia của nhau; song cũng mang đậm tình hữu nghị bạn bè.
Việc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu làm cố vấn kinh tế cấp cao và những trợ giúp của phía Singapore trong thời gian đầu đổi mới là một minh chứng sống động về lòng tin và tình cảm hữu nghị này.
Gần đây, trong thời gian đại dịch Covid-19, Việt Nam và Singapore đã hỗ trợ lẫn nhau cả về vật chất và tinh thần. Nhiều khu công nghiệp Việt Nam-Singapore đang được nhân rộng trên cả nước không chỉ là bài toán kinh tế mà còn cho thấy quyết tâm chính trị của cả doanh nghiệp Việt Nam và Singapore.
Trong vài năm gần đây, Singapore luôn là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Hai nước hiện tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác bình đẳng, thân thiện và tương trợ lẫn nhau trên nhiều lĩnh vực.
Tất cả những thành tựu đó đều bắt nguồn từ lòng tin và tinh thần hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Singapore.
Hai nước đầu năm nay đã thiết lập Quan hệ Đối tác Kinh tế xanh - Kinh tế số. Nỗ lực hợp tác này sẽ được triển khai như thế nào trong thời gian tới, thưa Đại sứ?
Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tới Singapore tháng 2 vừa qua, hai nước đã ký Bản ghi nhớ về việc thiết lập Quan hệ Đối tác Kinh tế xanh – Kinh tế số giữa Việt Nam và Singapore. Hiện nay hai nước đang tích cực triển khai thỏa thuận này.
Về song phương, hai nước đang tích cực trao đổi, đàm phán các nội dung hợp tác cụ thể để hiện thực hoá thoả thuận giữa hai nước, bao gồm hợp tác phát triển, kết nối chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó có chia sẻ, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia; phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng bền vững; hợp tác giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính…
Riêng phía Việt Nam, ngày 2/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 912/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác liên ngành triển khai Biên Bản ghi nhớ về quan hệ Đối tác Kinh tế xanh - Kinh tế số Việt Nam và Singapore. Quyết định này được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực mạnh mẽ cho việc triển khai Thoả thuận từ phía Việt Nam.
Đầu tư của Việt Nam sang Singapore hiện nay cũng khá tích vực với 150 dự án, Đại sứ có thể gợi mở những cơ hội hiện nay ở Singapore để doanh nghiệp Việt tự tin hơn khi đặt chân vào thị trường này?Singapore là thị trường quy mô nhỏ và “khó tính”, đòi hỏi các tiêu chuẩn chất lượng cao.
Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư sang Singapore ngoài việc tính tới thị trường ở đây còn tính đến thị trường quốc tế rộng lớn hơn và các lợi ích mà Singapore đem lại.
Cụ thể, các doanh nghiệp có thể tranh thủ các ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Singapore trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, đào tạo nhân lực… Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư sang Singapore có thể tận dụng thị trường vốn của nước này và các cơ hội kết nối bạn hàng thương mại, sản xuất và xuất khẩu sang nước thứ 3, ví dụ xuất khẩu các sản phảm theo tiêu chuẩn Halal.
Do có tiêu chuẩn cao, các công ty của Singapore thường có sự tin tưởng của đối tác để mở rộng thị trường. Một lĩnh vực đáng quan tâm là Công nghệ Thông tin và Công nghệ cao. Doanh nhiệp hoạt động trong các lĩnh vực này có thể sử dụng Singapore như một bàn đạp tiếp cận các thị trường nói tiếng Anh và tiếng Trung. Ngoài ra khi đầu tư sang Singapore, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi được kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp tiên tiến của bạn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý nghiêm túc thực hiện các quy định của phía Singapore, đặc biệt các vấn đề như luật pháp về thành lập doanh nghiệp, tuyển dụng lao động và các yêu cầu để nhận được ưu đãi và hỗ trợ từ chính phủ Singapore, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đơn cử như Chính phủ Singapore chỉ coi doanh nghiệp là của Singapore và được hưởng ưu đãi Chính phủ khi có ít nhất 30% cổ phần là của người bản địa.
Tôi tin rằng những dự án đầu tư ban đầu từ Việt Nam vào Singapore sẽ là nền tảng cho doanh nghiệp Việt Nam có thêm hiểu biết và quyết tâm đầu tư vào đây trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!