📞

Thủ tướng Thái Lan: Làn gió mới ở xứ Chùa Vàng

TS. Tôn Sinh Thành 06:03 | 31/08/2024
Bà Paetongtarn Shinawatra 37 tuổi đã lập kỷ lục trong cuộc đua trở thành Thủ tướng trẻ nhất Thái Lan và Đông Nam Á, vượt qua Thủ tướng Campuchia Hun Manet 45 tuổi và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong 51 tuổi.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra.

Tuy nhiên, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra có lập được kỷ lục hay không trong việc vượt qua những thách thức lớn của một nền chính trị nội bộ mong manh, vực dậy nền kinh tế đang có có dấu hiệu chững lại và nâng cao vị thế của Thái Lan trong một môi trường quốc tế và khu vực nhiều biến động, vẫn chờ câu trả lời phía trước.

Kế thừa trong bối cảnh mới

Trong cuộc họp báo đầu tiên hôm 18/8, nữ Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục các chính sách của người tiền nhiệm Srettha Thavisin, bao gồm các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn và cải cách, giải quyết vấn nạn ma túy, cải thiện hệ thống y tế và thúc đẩy sự đa dạng giới tính.

Tuy nhiên, bà chưa công bố một chính sách đối ngoại cụ thể nào. Có thể đối với bà, chính sách trong nước là trọng tâm hiện tại. Một chính phủ mới sẽ là cơ hội cho Thái Lan định hướng lại các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Tuy nhiên trong bối cảnh địa chính trị, địa kinh tế đầy thách thức ở nước ngoài và cả trong nước, việc vạch ra chính sách đối ngoại mới chắc chắn sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Là con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và hiện đang là Chủ tịch đảng Pheu Thai, điều có thể dự đoán là Thủ tướng Paetongtarn sẽ kế thừa các chính sách đối ngoại được áp dụng bởi chính phủ trước đây của đảng Pheu Thai trong đó có một số chính sách của gia tộc Shinawatra. Tuy nhiên, thách thức đầu tiên đối với nữ Thủ tướng trẻ là làm thế nào để kế thừa truyền thống ngoại giao linh hoạt vốn tránh cho nước này không trở thành thuộc địa của các cường quốc châu Âu trước đây và áp lực gay gắt thời chiến tranh Lạnh sau này.

Chính phủ của Thủ tướng Paetongtarn có thể sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao mềm dẻo, giữ lập trường thận trọng và cân bằng giữa các cường quốc, không để bị coi là "ủng hộ" công khai cho bất kỳ bên nào. Thế nhưng, trong bối cảnh cạnh tranh đa chiều ngày càng gia tăng, căng thẳng giữa các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc, xung đột Israel-Hamas, Nga-Ukraine, vấn đề Biển Đông... khiến Bangkok gặp nhiều thách thức hơn trong việc triển khai chiến lược ngoại giao của mình.

Thách thức cân bằng

Trong thời kỳ làm Thủ tướng (2001-2006), cha của bà, ông Thaksin đã thúc đẩy quan hệ gần gũi với Trung Quốc thông qua nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực hạ tầng và năng lượng. Sự hợp tác chặt chẽ đó với Bắc Kinh được tiếp tục dưới các chính phủ của đảng Pheu Thai sau này. Giờ đây, trong vai trò Thủ tướng, bà Paetongtarn có thể sẽ tiếp tục ưu tiên tăng cường các mối quan hệ kinh tế và chính trị với Trung Quốc, đặc biệt là các sáng kiến phát triển và đầu tư, các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Vành đai và Con đường (BRI).

Trong khi nỗ lực duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, Thái Lan cũng tìm cách cân bằng quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây, đặc biệt trong các lĩnh vực như an ninh, thương mại và đầu tư. Thái Lan vẫn duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ, tham gia các cuộc tập trận quân sự và hợp tác trong các lĩnh vực an ninh. Hai nước duy trì cuộc tập trận quân sự hàng năm Cobra Gold, một trong những cuộc tập trận quân sự quốc tế lâu đời nhất kể từ những năm 1980.

Quan hệ song phương Mỹ-Thái bị trì trệ trong những năm gần đây, nhất là kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Mỹ lo ngại mối quan hệ quốc phòng ngày càng phát triển giữa Thái Lan với Trung Quốc. Sau cuộc binh biến năm 2014, do bị Washington hạn chế viện trợ quân sự, Bangkok đã chuyển hướng sang mua xe tăng từ Trung Quốc. Trong bối cảnh hiện nay, bà Paetongtarn sẽ cần thúc đẩy quan hệ với Mỹ đồng thời không làm mất lòng Trung Quốc. Đây sẽ là thách thức lớn trong cân bằng lợi ích quốc gia giữa hai cường quốc, một bài toán khó đặt ra cho nữ Thủ tướng.

Thái Lan luôn xem trọng vai trò của mình trong ASEAN, và bà Paetongtarn có thể sẽ tiếp tục củng cố quan hệ này. Nhất là khi Thái Lan đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2028. Đây sẽ là cơ hội để Bangkok nâng cao vai trò của mình trong khu vực. Thế nhưng, Bangkok cũng sẽ gặp thách thức trong việc duy trì ảnh hưởng và vai trò địa chính trị của mình trong ASEAN và tại khu vực Đông Nam Á lục địa, trong bối cảnh các xu hướng đáng lo ngại nổi lên, bao gồm vấn đề môi trường sông Mekong, căng thẳng tại Myanmar ngay sát biên giới với Thái Lan, yếu tố di dân và những hệ lụy của biến đổi khí hậu càng tăng ở khu vực. Bên cạnh đó, vai trò của Thái Lan thông qua các cơ chế như Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong đang bị cạnh tranh cả về mặt kinh tế cũng như an ninh.

Dưới sự lãnh đạo của tân nữ Thủ tướng, Thái Lan sẽ tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế. Việc tăng cường hợp tác với các cường quốc như Ấn Độ, Nhật Bản và các nước châu Âu sẽ là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Thái Lan. Chủ nghĩa đa phương và tăng cường hợp tác quốc tế sẽ giúp Thái Lan nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, đồng thời cải thiện khả năng cạnh tranh kinh tế của quốc gia.

Tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra và Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra tại Bangkok, ngày 18/8. (Nguồn: Bangkok Post)

Trọng tâm ưu tiên

Bà Paetongtarn có thể sẽ tập trung vào việc thúc đẩy thương mại và đầu tư, không chỉ với các cường quốc lớn mà còn với các nền kinh tế mới nổi và các đối tác thương mại tiềm năng khác. Việc đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA), chẳng hạn như FTA Thái Lan-EU, Thái Lan-Anh và Thái Lan-Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược kinh tế của chính phủ mới. Bên cạnh đó, Thái Lan sẽ chú trọng đến việc thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế.

Vấn đề an ninh quốc gia cũng sẽ là một trọng tâm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Thái Lan. Bà Paetongtarn có thể phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, chẳng hạn như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và các vấn đề liên quan đến người tị nạn và di cư, đặc biệt từ láng giềng Myanmar. Việc quản lý các vấn đề biên giới và các nhóm vũ trang cũng sẽ là một thách thức lớn. Chính phủ mới sẽ cần có các biện pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề này một cách nhân đạo và bảo đảm an ninh quốc gia.

Chính phủ dưới sự lãnh đạo của bà Paetongtarn cũng có thể tập trung vào việc tăng cường ảnh hưởng quốc gia qua các hoạt động văn hóa, giáo dục và các mối quan hệ nhân dân. Đây có thể là một chiến lược nhằm tạo dựng hình ảnh tích cực cho xứ chùa vàng trên trường quốc tế và tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế của quốc gia này.

Trong cuộc bầu cử năm ngoái, bà Paetongtarn đã chứng tỏ mình là một chính trị gia khéo léo và nhanh chóng chiếm được cảm tình của cử tri Pheu Thai, cùng với phong thái gần gũi và khả năng cô đọng các chính sách kinh tế thành ngôn ngữ đơn giản.

Phát biểu sau khi được bổ nhiệm ngày 18/8, nữ Thủ tướng nhấn mạnh, “Tôi hy vọng chính phủ của tôi sẽ mạnh mẽ nhất...Tôi đã chuẩn bị đầy đủ và quyết tâm. Chúng ta phải nhìn vào mục tiêu. Nếu chúng ta ngồi và lo lắng về mọi thứ, chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu của mình”. Cam kết thúc đẩy kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, nữ Thủ tướng khẳng định: "Tôi hy vọng có thể khiến mọi người cảm thấy lạc quan. Tôi sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người và trao quyền cho tất cả người dân Thái Lan và làm những gì có thể để đưa đất nước đi lên...".

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Paetongtarn, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức về chính sách đối ngoại và môi trường chính trị nội bộ, nhưng với sức trẻ cùng sự ủng hộ của Hoàng gia, chính phủ của bà Paetongtarn với sự hậu thuẫn của người cha giàu kinh nghiệm, dày dạn chính trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được cân bằng giữa các cường quốc, nâng cao vai trò trong ASEAN, tăng cường hợp tác quốc tế và giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia. Cách Thái Lan điều hướng các thách thức và cơ hội sẽ có ảnh hưởng không chỉ đến quốc gia này mà còn đến khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.