TIN LIÊN QUAN | |
Tết cộng đồng Xuân Kỷ Hợi 2019 tại Czech | |
Khánh thành Trung tâm văn hóa Phật giáo đầu tiên của người Việt tại Czech |
Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Cộng hòa Czech lần này có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Czech?
Việc Việt Nam và Cộng hòa Czech tiếp tục thực hiện các chuyến thăm cấp cao thể hiện mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này có ý nghĩa rất quan trọng, diễn ra trong bối cảnh sau 12 năm mới có trao đổi cấp Thủ tướng và trước thềm kỉ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao giữa hai nước (2/2/1950 - 2/2/2020). Thời gian qua, Bạn rất mong đợi chuyến thăm của Thủ tướng ta.
Chuyến thăm chắc chắn sẽ đóng góp những kết quả thiết thực để thúc đẩy quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, trong đó đặc biệt thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế để tương xứng với mối quan hệ tốt đẹp chung giữa hai nước, cũng như tạo cơ sở tiền đề cho các bộ ngành, các tổ chức kinh tế hai bên tăng cường hợp tác phát triển trong thời gian tới.
Chuyến thăm cũng sẽ góp phần làm tăng thêm tình hữu nghị, làm đẹp thêm hình ảnh đất nước Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam ở sở tại trong lòng nhân dân và chính quyền Czech.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón tiếp Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman tháng 6/2017. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Quan hệ Việt Nam – Czech đã có bước phát triển như thế nào trong thời gian qua? Những lĩnh vực nào sẽ là trọng tâm hợp tác trong thời gian tới?
Kể từ khi kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao giữa hai nước năm 2015 cho đến nay, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam-Czech tiếp tục đà phát triển trên các lĩnh vực: chính trị ngoại giao, kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa , giáo dục đào tạo...và mở ra các cơ hội hợp tác giữa các địa phương hai nước.
Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi hàng trăm đoàn các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm Czech của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2015), Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân (4/2017); chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước Tổng thống Milos Zeman (6/2017), Chủ tịch Thượng Viện Czech Milan Stech (2015 ), Phó chủ tịch Hạ Viện Czech Filip Voijtec (trong các năm 2016, 2018). Nhiều bộ ngành và địa phương của hai nước đã xây dựng quan hệ hợp tác cụ thể trên từng lĩnh vực thế mạnh của mình, ví dụ như các tỉnh Quảng Ninh-Karlovy Vary, Kiên Giang-Usty Nad Nabem vừa đã ký thỏa thuận hợp tác… Hai bên duy trì thường kỳ các phiên họp của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế để triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế hai nước, phiên thứ VI gần đây nhất diễn ra tại Hà Nội vào tháng 4/2018.
Quan hệ thương mại giữa hai nước đã có những bước phát triển đáng kể. Giai đoạn 5 năm (2014-2018), thương mại song phương đã tăng 68,47%, từ mức 697 triệu USD năm 2014 lên 1,2 tỷ USD năm 2018. Nếu tính theo giai đoạn 6 năm thì kim ngạch năm 2018 đã tăng hơn 2 lần kim ngạch năm 2013 (547 triệu USD).
Năm 2018, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 36 trong số hơn 200 đối tác của Czech. Nếu tính riêng xuất khẩu, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 28 vào Czech. Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong 12 thị trường ưu tiên về thương mại của Czech.
Về đầu tư, thời gian qua không tăng trưởng nhiều ngoài một số dự án nhỏ được ký kết nhân dịp Tổng thống Zeman thăm Việt Nam, tuy nhiên gần đây, nhiều công ty lớn của bạn đã vào tìm hiểu thị trường, xây dựng đối tác và tiếp xúc với các cấp của ta để lên kế hoạch đầu tư vào Việt Nam như tập đoàn ô-tô Tarta/Avia, doanh nghiệp Bia Budva, hoặc một số doanh nghiệp quan tâm tới xây dựng khu vui chơi giải trí tại Bắc Ninh, xây dựng bệnh viện tại Đà Nẵng hoặc ngoại vi Hà Nội…
Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Czech Hồ Minh Tuấn. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Czech) |
Tuy nhiên, nói đến thị trường Czech mà chỉ nói đến các doanh nghiệp Czech thì chưa đủ vì nét đặc biệt ở đây là có lực lượng doanh nhân gốc Việt tương đối thành đạt, bước đầu có tiếng nói ở sở tại, vừa quan tâm đến đầu tư về trong nước, vừa có đủ lực để vươn ra các nước châu Âu khác. Hiện cộng đồng này đang góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam – Czech, và qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU).
Trong thời gian tới, triển vọng Hãng hàng không Bamboo Airways mở đường bay thẳng nối Việt Nam với Czech cũng rất được mong đợi, không chỉ bởi cộng đồng người Việt mà bởi cả chính quyền sở tại. Đây sẽ là cú hích góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Bên cạnh chương trình làm việc chính thức với các cấp lãnh đạo phía bạn, Thủ tướng sẽ tham gia Diễn đàn Thương mại và Đầu tư song phương, gặp gỡ nhiều doanh nghiệp tiêu biểu của Czech có quan tâm hợp tác với Việt Nam và đi thăm địa phương. Tôi tin rằng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp của hai nước sẽ được thúc đẩy và phát triển một cách thiết thực. Bên cạnh đó, chuyến đi của Thủ tướng sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chung tiến trình EU ký kết và đưa Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vào hiệu lực.
Việt Nam và EU đang nỗ lực để hiện thực hóa Hiệp định EVFTA. Đại sứ đánh giá như thế nào về cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam Czech sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực? Những lĩnh vực nào đang thu hút các doanh nghiệp Czech?
Khi EVFTA có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp và người dân của khu vực EU, trong đó có Cộng hòa Czech và cả Việt Nam.
Doanh nghiệp Czech sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam với hơn 95 triệu người tiêu dùng, là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á với hơn nửa triệu dân và đang phát triển rất năng động. Đầu tư của Czech sẽ góp phần tăng thêm cơ hội đầu tư, tạo thêm việc làm, thúc đẩy thương mại giữa hai bên.
Về thương mại, cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Czech ít mang tính cạnh tranh, đối đầu trực tiếp mà ngược lại có tính bổ sung cho nhau rất lớn. Trong đó Việt Nam nhập khẩu từ EU và Czech các mặt hàng máy móc, thiết bị, tân dược, hóa chất, phương tiện vận tải… Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU nói chung, Czech nói riêng là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, thuỷ sản, hàng tiêu dùng công nghiệp.
Dệt may là một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Cộng hòa Czech. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu từ EU (trong đó có Czech ). Các dòng thuế còn lại sẽ được dỡ bỏ dần trong thời gian 10 năm tới; 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía sẽ được xóa bỏ; thuế suất 0% sẽ được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu mà EU và Czech có thế mạnh như ô tô, máy móc-thiết bị, rượu bia, dược phẩm, nông sản ôn đới... Dự tính xuất khẩu của EU vào Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng 35-40 %, trong đó Czech cũng sẽ được hưởng lợi từ những mặt thuận lợi này.
Với thế mạnh đặc thù của mình, các doanh nghiệp Czech đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam trong các lĩnh : Giao thông và công nghiệp phụ trợ, sản xuất ô tô và phụ tùng, toa xe lửa điện, bia rượu, an ninh mạng, công nghiệp quốc phòng…
Thị trường Czech tuy chỉ có 10 triệu dân, song với vị trí nằm ở trung tâm châu Âu, hàng hoá hoá nhập khẩu sẽ không chỉ phục vụ thị trường Czech mà còn được chuyển đi tới nhiều nước châu Âu láng giềng khác như các nước V4 và xa hơn. Vì vậy, nếu các đơn vị sản xuất của Việt Nam muốn bán được hàng không chỉ cho cộng đồng người Việt mà bán được cả cho các siêu thị sở tại, người sở tại thì phải tuân thủ đúng các qui định về chất lượng sản phẩm, nhãn mác … của chính quyền sở tại và EU.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Đặt nền tảng cho những hợp tác mới “Hiện tại, Việt Nam - Czech cần chất xúc tác để những gì có sẵn thì tăng tốc đi nhanh hơn; những gì đang manh ... |
Người Việt ở Séc: Kết nối cộng đồng qua câu quan họ Tối 12/3, tại Praha, Hội đồng hương Kinh Bắc tại Cộng hòa Séc đã tổ chức đêm ca nhạc – giao lưu "Duyên dáng Quan ... |
Quan hệ Việt - Séc: 65 năm đóng góp của ngành ngoại giao Tối 28/8, Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc đã tổ chức mít tinh kỷ niệm lần thứ 70 ngày thành lập ngành ngoại ... |