Diễn đàn Lưu trữ nghệ thuật và thiết kết Việt Nam thuộc khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2021 do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) và COLAB Việt Nam tổ chức.
Sự kiện quy tụ chuyên gia trong và ngoài nước cùng trao đổi kinh nghiệm lưu trữ số văn hóa nghệ thuật, tập trung vào những vấn đề nổi trội như phương pháp số hóa tối ưu, quyền sở hữu trí tuệ, khả năng tiếp cận các bộ sưu tập...
Các diễn giả trong và ngoài nước đại diện cho các viện bảo tàng, không gian nghệ thuật, kho lưu trữ, giới nghệ sĩ và giới nghiên cứu học thuật tham gia Diễn đàn. (Nguồn: BTC) |
Theo các chuyên gia, nhu cầu về những nền tảng số trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo và nghệ thuật trở nên cấp thiết hơn bao giờ suốt đại dịch Covid-19.
Thực tế, hoạt động lưu trữ số đã được một số bảo tàng và viện văn hóa tại Việt Nam triển khai trong nhiều năm qua, chủ yếu tập trung vào các di sản văn hóa truyền thống.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Phó Viện trưởng VICAS, cho biết trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá Việt Nam, VICAS đã và đang tiến hành số hoá hơn 800 dự án sưu tầm và lưu trữ các di sản văn hoá phi vật thể của nhiều cộng đồng trên cả nước từ năm 1997 đến nay.
Một dẫn chứng khác được đưa ra là trang web Di sản số (disanso.vn) do PGS.TS. Lê Thanh Hà và đồng nghiệp tại Phòng thí nghiệm Tương tác Người – Máy, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng.
Sử dụng các công nghệ như ghi hình chuyển động (motion capture) hay máy quét 3D với độ phân giải cao, dự án này đang lập nên một cơ sở dữ liệu đa phương tiện về văn hóa Việt Nam, gồm các dạng thức tư liệu hình ảnh, âm thanh, video, mô hình 3D tĩnh, mô hình 3D động...
Theo PGS.TS. Lê Thanh Hà: “Sự kết hợp giữa khối văn hóa nghệ thuật với các đơn vị công nghệ vẫn chưa hiệu quả, dẫn đến chuyển đổi số nhỏ giọt và thời vụ. Bên cạnh đó, việc lưu trữ văn hóa nghệ thuật chủ yếu góp phần bảo tồn chứ chưa khai thác được giá trị của những tác phẩm lưu trữ cho các ngành công nghiệp khác”.
Đó là một phần lý do PGS.TS. Hà và đồng nghiệp đang xây dựng một giải pháp mang tên Trealet nhằm kết nối công chúng và những người sáng tạo nội dung với các viện bảo tàng, phòng trưng bày, thư viện, kho lưu trữ qua cơ sở dữ liệu điện toán đám mây, trong đó có sử dụng các công nghệ như blockchain và chữ ký số để đảm bảo bản quyền tác giả.
Trong mảng nghệ thuật đương đại, một số dự án lưu trữ số cũng đã nhận được sự hỗ trợ và tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.
Điển hình là Kho dữ liệu Nghệ thuật Việt Nam - Vietnam Art Archive (ViAA) được khởi xướng bởi không gian nghệ thuật độc lập Heritage Space từ năm 2020 và đang được bảo trợ bởi Quỹ Cứu trợ văn hóa giáo dục quốc tế của Văn phòng đối ngoại Liên bang Đức, Viện Goethe và các đối tác khác.
ViAA dự kiến ra mắt chính thức vào tháng 12/2021. Dự án này tập trung vào lưu trữ và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật đương đại Việt Nam từ những năm 1990 đến nay. Đây là dự án mở để công chúng truy cập miễn phí trên nền tảng web.
Minh họa công nghệ ghi hình chuyển động và hình động 3D được dự án Di sản số (disanso.vn) dùng để số hóa khoảng 90 động tác cơ bản và trích đoạn của nghệ thuật múa chèo cùng một số điệu múa dân tộc. (Ảnh: PGS.TS Lê Thanh Hà) |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc nghệ thuật Heritage Space, cho biết: “Thực hành của các nghệ sĩ đương đại Việt Nam rất đều đặn nhưng lại được giới thiệu thưa thớt và thiếu tính hệ thống nên chưa đem đến cái nhìn đầy đủ cho công chúng. Đây là một sự thiếu hụt lớn. Với dòng chảy của sáng tạo, công nghệ và tri thức hiện nay, chúng ta cần hệ thống lưu trữ hợp lý để đóng góp vào lịch sử nghệ thuật ở Việt Nam”.
Tiến sĩ Emma Duester - Giảng viên Đại học RMIT và đồng chủ trì diễn đàn hy vọng những mối quan hệ kết nối hình thành từ sự kiện sẽ góp phần thúc đẩy hình thành hệ sinh thái lưu trữ văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
“Việt Nam trong tương lai sẽ cần một nền tảng số chung, bền vững và dễ tiếp cận để trưng bày các tác phẩm văn hóa nghệ thuật có tầm ảnh hưởng. Trong đó, công chúng trong và ngoài nước và các chuyên gia văn hóa, giáo dục, nhà nghiên cứu... đều có thể tiếp cận. Qua đó, chúng ta sẽ thúc đẩy sự phát triển thông minh của ngành văn hóa, sáng tạo và thiết kế tại Việt Nam”.