Đối thoại tạo nên liên kết bền vững
Giờ đây, khi hồi chuông cảnh báo những vấn đề toàn cầu như: thiên tai, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên... khiến cả thế giới phải ngồi lại bàn cách đối phó thì doanh nghiệp chính là lực lượng hùng hậu đi tiên phong và tích cực khẳng định vai trò của mình trong tất cả các vấn đề này.
Hiển nhiên, khi doanh nghiệp hoạt động không bền vững không thể tạo nên xã hội bền vững và ngược lại. Những vấn đề như trách nhiệm doanh nghiệp, giá trị doanh nghiệp, xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường, minh bạch hóa trong kinh doanh, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn (circular economy) không rác thải,... trở thành vấn đề vô cùng cấp thiết đối với doanh nghiệp nhằm tái tạo nguồn lực, tạo ra động lực phát triển xã hội.
Tọa đàm “Xây dựng mô hình kinh doanh bền vững tại Việt Nam” ngày 10/5. |
Tại Hội thảo “Xây dựng mô hình kinh doanh bền vững” tại Việt Nam, ngày 10/5, TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không nằm ngoài xu thế phải tự thay đổi để triển khai những mô hình kinh doanh phù hợp và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường và là những người trực tiếp đưa ra những giải pháp tốt nhất. Bà nhấn mạnh: “các doanh nghiệp phải đối thoại để tìm hiểu nhau cũng như để sử dụng nguồn lực của đối tác một cách hiệu quả, mang lại lợi ích cho chính mình và các đối tác. Đây là chìa khóa để tạo nên sự liên kết bền vững”.
Bài học thành công
Là những doanh nghiệp tiên phong trong xây dựng mô hình kinh doanh bền vững tại Việt Nam, Friesland Campina, Unilever, ING và Viettel đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế về những thách thức cũng như thành tựu đã đạt được khi kiên trì theo đuổi con đường của mình. Hầu hết các hoạt động và sáng kiến kinh doanh của các công ty này đều theo những chương trình hành động chi tiết nhằm đưa ra những sản phẩm chất lượng, sạch, giá bình ổn, giảm chất xả thải, thân thiện với môi trường và sử dụng nguồn năng lượng thay thế (năng lượng sinh khối, năng lượng mặt trời...). Trách nhiệm xã hội được đưa vào tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp làm cho người tiêu dùng tin tưởng hơn vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Friesland Campina có mô hình liên kết doanh nghiệp với người nông dân, giúp họ biết được giá trị sữa mà mình sản xuất, làm tăng thu nhập và đầu tư thêm cho phát triển bền vững. Công ty cũng phối hợp với Chính phủ, các đối tác, các doanh nghiệp khác và cả người tiêu dùng để tạo ra hiệu ứng tốt và làm tăng uy tín của công ty ở nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam.
Unilever chia sẻ ví dụ về mô hình “ngôi làng hoàn hảo” đã được triển khai ở hơn 400 ngôi làng Việt Nam. Tại đó, Unilever triển khai đồng loạt các hoạt động và sáng kiến mà trước đó vẫn được thực hiện một cách riêng lẻ. Họ hợp tác với từng Bộ ban, ngành, chung tay cùng địa phương đóng góp vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, cơ sở vật chất, văn hóa, môi trường và truyền thông… giúp cải thiện điều kiện vệ sinh, sức khỏe, điều kiện sống trực tiếp cho 17,1 triệu người và 23,2 triệu người thụ hưởng gián tiếp.
Vietel là một trong số ít tập đoàn nội địa vươn ra tầm quốc tế có mô hình kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội ngay từ những ngày đầu. Theo bà Nguyễn Hà Thanh, đại diện Vietel, nhờ kiên trì con đường kinh doanh vì con người, tôn trọng khác biệt cá nhân mà Vietel đã phát triển thành công như ngày nay.
Xác định đường đi đúng
Những câu hỏi đưa ra tại Hội thảo cho thấy nỗ lực tự vật lộn, xoay sở để tìm hướng đi của các doanh nghiệp nước ngoài xoay quanh các vấn đề làm thế nào để vượt qua những tình huống tiến thoái lưỡng nan khi triển khai kinh doanh bền vững, kinh nghiệm làm việc với Chính phủ khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Phản ứng của Chính phủ ra sao hay lòng tin của người dân đối với doanh nghiệp cần được xây dựng thế nào? Những kinh nghiệm liên kết trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Hà Lan là những bài học hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Về mặt nhà nước, ông Dương Thanh An, Vụ trưởng Tổng cục Môi trường đã chia sẻ thông tin và quan điểm từ phía Chính phủ Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp tại Việt Nam hoạt động và phát triển bền vững. Ông khẳng định nếu kêu gọi bảo vệ môi trường, xây dựng xã hội bền vững mà không có sự chung tay từ phía doanh nghiệp thì mục tiêu này sẽ phá sản hoàn toàn.
Bản thân doanh nghiệp cũng không nên chỉ thực hiện mô hình của doanh nghiệp mình mà cần quan tâm đến những xu hướng và hoạt động bên ngoài. Theo ông Trần Vũ Hoàn, đại diện Unilever Việt Nam, việc tuyên truyền, giáo dục, tập huấn và tăng cường nhận thức với các đối tượng, đối tác kinh doanh khác nhau giúp họ hiểu biết hơn về phát triển bền vững phải được đưa vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhằm đổi mới chính mình, đổi mới phương thức kinh doanh là một biện pháp quan trọng thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.
Đến khi nào doanh nghiệp nội địa có thể hình thành được những hình thức liên kết từ nhiều phía, nhiều cấp độ như Doanh nghiệp - Doanh nghiệp, Doanh nghiệp - Chính phủ, Doanh nghiệp - Chính phủ khác, họ mới có thể tạo nên sự bền vững ở cấp cao hơn, tầm quốc gia, quốc tế, ông Piet Hilarides, CEO Friesland Campina nhấn mạnh.
Hãy “tự thân vận động”
Con đường đúng đắn mà doanh nghiệp cần đi là những mô hình kinh doanh bền vững, gắn kết hài hoà với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu về xã hội và môi trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần nhận thức rằng, việc phát triển kinh doanh theo mô hình này bước đầu sẽ luôn có kết quả khiêm tốn. Doanh nghiệp cũng cần có sự định hướng phát triển để duy trì sự tồn tại lâu dài trên thị trường, ông Trần Vũ Hoàn chia sẻ.
Thực tế cho thấy phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững như thiếu kiến thức, bỡ ngỡ trong cách tiếp cận, thiếu vốn, thiếu cơ chế, năng lực quản trị thấp,... Theo ông Đoàn Duy Khương, trao đổi thông tin không nên chỉ dừng ở việc tìm hiểu nhau, tạo dựng sự tin tưởng mà còn cần chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam.
Nếu không muốn bị yếu thế hơn các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại sân nhà, doanh nghiệp Việt Nam không nên chỉ chờ đợi hành động từ phía Chính phủ mà phải tự thân vận động, thay đổi cách làm để đảm bảo việc kinh doanh của mình trở nên an toàn, chất lượng và bền vững hơn.