📞

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ là chủ đề chính của hội nghị G20

16:00 | 22/07/2016
Đã qua rồi cái thời phải tạo áp lực thắt chặt tài chính toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew ngày 21/7 đã kêu gọi các quan chức tham gia Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) áp dụng những chính sách kích thích kinh tế phù hợp với từng hoàn cảnh, bao gồm những biện pháp can thiệp cả về mặt tài chính và tiền tệ cũng như tái cơ cấu để tăng cường hiệu quả.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew. (Nguồn: Reuters)

Lời kêu gọi này được đưa ra trước khi Bộ Trưởng Lew bay đến Thành Đô, Trung Quốc để tham dự hội nghị G20 sẽ diễn ra vào cuối tuần này. Theo Bộ trưởng, các quan chức G20 không cần phải lặp lại những biện pháp kích thích tài chính phối hợp trên quy mô lớn như đã được áp dụng trong cuộc suy thoái kinh tế năm 2008-2009, mặc dù những quan ngại về tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang tăng cao sau khi cử tri Vương quốc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Nhà lãnh đạo này cho hay hội nghị G20 sắp tới sẽ tập trung chủ yếu vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chứ không giống như trong ba năm qua khi các thành viên chỉ tạo áp lực về thắt chặt tài chính.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ năm trong vòng 15 tháng qua trước những quan ngại về Brexit. Tổ chức kinh tế này cho rằng sự không chắc chắn về tương lai của mối quan hệ thương mại giữa nước Anh với châu Âu sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư và niềm tin tiêu dùng.

Cùng với đó, IMF cũng kêu gọi các nước thành viên G20 cần thống nhất những nỗ lực trên diện rộng để hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng, hạn chế nợ tư và tái cơ cấu môi trường kinh doanh cũng như các thị trường lao động để đối phó với các rủi ro về tăng trưởng. Trong đó, vấn đề Brexit dự kiến sẽ là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận tại Thành Đô.

Theo IMF, Trung Quốc cần phải điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có hạn chế hoạt động tín dụng và thúc đẩy tiêu dùng trong nước thay vì chỉ tập trung vào đầu tư, để cải thiện tình hình kinh tế tăng trưởng chậm lại đồng thời theo đuổi kế sách “cởi trói” hơn nữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

 

(theo TTXVN)