📞

Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia - Kiến tạo giá trị từ chiến lược dữ liệu

Vân Chi 12:30 | 06/07/2023
Để tiến trình chuyển đổi số quốc gia đi nhanh, đúng hướng, cần phải cố gắng tập hợp các bên liên quan cùng đồng hành.
Toàn cảnh Diễn đàn Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, ngày 5/7 tại Hà Nội. (Ảnh: Vân Chi)

Ngày 5/7, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam và Trung tâm Thông tin truyền thông số phối hợp tổ chức Diễn đàn thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Kiến tạo giá trị từ chiến lược dữ liệu trong bối cảnh AI”.

Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng tư duy

Chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đã được Bộ Chính trị xác định trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, khẳng định: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước quốc tế”.

Tại Diễn đàn, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số khẳng định: Chương trình chuyển đổi số quốc gia để triển khai cụ thể Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ tư, trong đó, chuyển đổi số là một phương tiện chủ đạo, là một chủ trương đúng đắn, tiên phong và cách mạng.

Những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ nói chung và Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng những năm qua trong công tác chuyển đổi số là đáng ghi nhận trong một bối cảnh còn nhiều hạn chế, rào cản, khó khăn và thách thức.

Tuy nhiên, ông Giang cho rằng, để tiến trình chuyển đổi số quốc gia đi nhanh, đúng hướng, cần phải cố gắng tập hợp các bên liên quan cùng đồng hành. Đồng thời, phải nhận thức rõ, chuyển đổi số là phương tiện, mang tính tiến trình chứ không phải mục tiêu. Nếu không thấy rõ lợi ích thì không làm, làm đối phó hoặc làm theo kiểu phong trào.

"Chuyển đổi số thực chất là một cuộc cách mạng tư duy; thay đổi hình thái tổ chức, thay đổi cách nghĩ, cách làm, để ứng dụng hiệu quả công nghệ vào tiến trình hoạt động; tạo đột phá giá trị, đưa đến đột phá năng suất; dữ liệu là nền tảng, là cơ sở và là nguồn lực quyết định; hành động đòi hỏi tính tổng thể, hệ thống, đồng bộ và cộng hưởng", ông Giang khẳng định.

Theo ông, chuyển đổi số không phải là câu chuyện riêng của một đơn vị nào mà là câu chuyện chung, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng: "Muốn làm tốt, cách tốt nhất là mở rộng để tất cả cùng làm, cùng có lợi, cùng thành công".

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Tịnh Minh Triết, Giám đốc Giải pháp SAP Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số không phải sự lựa chọn mà là con đường bắt buộc. Để chuyển đổi số bắt buộc phải có dữ liệu. Trong bối cảnh hiện nay, dữ liệu là một loại tài sản quý, vô hình dù chưa bao giờ có trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Chia sẻ câu chuyện các công ty Ấn Độ sử dụng dữ liệu để dự đoán nhu cầu, từ đó đặt mua trước nguyên liệu sản xuất với giá thấp hơn, ông Triết đồng thời mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự quan tâm hơn đến tài nguyên dữ liệu, trái tim của chuyển đổi số để tăng lợi thế cạnh tranh...

Hướng đi nào cho doanh nghiệp?

Bàn về tư duy an toàn dữ liệu theo các quy định của pháp luật Việt Nam, ông Huỳnh Long Thủy, Tổng giám đốc VieON cho rằng, một yếu tố tiên quyết trong việc khai thác dữ liệu là cần đặc biệt chú ý xây dựng các chính sách về an toàn dữ liệu nội bộ; xây dựng hệ thống dữ liệu bảo mật và sự tuân thủ các quy định về an toàn thông tin, dữ liệu.

Chính vì vậy, khi doanh nghiệp bắt đầu triển khai hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), cần đặc biệt chú ý việc xây dựng các chính sách an toàn dữ liệu nội bộ; trong đó, các doanh nghiệp cần triệt để tuân thủ Nghị định 13/2023/ND-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ông Nguyễn Khánh Hưng, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo cho rằng, để chuyển đổi số thành công, tổ chức và doanh nghiệp cần giải quyết tốt 6 vấn đề cốt lõi, trong đó có chia sẻ thông tin và mục tiêu để mọi người đều hiểu rõ về những gì đang diễn ra và tại sao chuyển đổi số là cần thiết; xây dựng lòng tin và cam kết để tất cả có thể hiểu và ủng hộ sự thay đổi, từ đó, tạo mục tiêu, động lực để cùng tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi...

Diễn đàn còn có phần chia sẻ tham luận từ các chuyên gia đầu ngành với các chủ đề: Thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số quốc gia - Thực trạng và giải pháp: Chủ trương - chính sách & hành lang pháp lý và chiến lược dữ liệu quốc gia; Kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số tại các tập đoàn lớn; Kiến tạo giá trị từ chiến lược dữ liệu trong kỷ nguyên AI: Xây dựng hệ sinh thái sản phẩm từ chiến lược dữ liệu; Tư duy dữ liệu trong kiến tạo giá trị sản phẩm; Hình thành năng lực ra quyết định dựa trên dữ liệu; An toàn dữ liệu & Giải pháp về an ninh phần mềm trong bối cảnh AI...

Chương trình “Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia” được hình thành nhằm mục tiêu giúp nhận thức đúng đắn về tiến trình chuyển đổi số, chia sẻ và tìm giải pháp cho những vấn đề và thách thức đang được đặt ra cho tiến trình chuyển đổi số, kiến tạo các giải pháp hợp lý để chuyển đổi các tổ chức, không chỉ dừng lại ở mức ứng dụng công nghệ thông tin; Kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái chuyển đổi số... góp phần hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi hiệu quả hơn, góp phần tháo gỡ những khó khăn mà các tổ chức – doanh nghiệp đang gặp phải.

Chương trình bao gồm các hoạt động: 3 Diễn đàn quốc gia về “Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia” đến 2025 và tầm nhìn 2030”; 8 Chuyên đề - Hội thảo toàn quốc về các lĩnh vực trọng điểm; Khảo sát, đánh giá, kiến tạo giải pháp và tôn vinh các đơn vị trên toàn quốc; Xuất bản bộ Kỷ yếu về TOP 500 đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu tham gia “Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia - Lần thứ nhất”...