Hội thảo trực tuyến về Xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong môi trường mạng và tại trường học diễn ra trong 2 ngày 20-21/12. (Nguồn: Molisa) |
Hội thảo do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cùng Ban Thư ký ASEAN, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình Singapore phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà; Phó Tổng thư ký phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) Ekkaphab Phanthavong; đại diện Ủy ban Thúc đẩy Quyền của Phụ nữ và Trẻ em trong ASEAN (ACWC) của các nước thành viên ASEAN; đại diện các cơ quan của ASEAN cùng các Bộ, ngành, hội, hiệp hội và tổ chức quốc tế có liên quan.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án do Việt Nam đồng chủ trì với Singapore và Brunei Darussalam thuộc Kế hoạch công tác của ACWC giai đoạn 2021-2025, nhằm đưa ra tổng quan về tình hình và tác động của việc bắt nạt trẻ em trong khu vực ASEAN; chia sẻ điển hình tốt của các nước thành viên ASEAN về các biện pháp phòng chống và ứng phó với bắt nạt trẻ em trên môi trường mạng và tại trường học.
Đồng thời, Hội thảo cũng giới thiệu Tuyên bố về Xóa bỏ Bắt nạt trẻ em trong ASEAN đã được Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 thông qua và thảo luận về khuyến nghị xây dựng Lộ trình thực hiện Tuyên bố này.
Việc Tuyên bố về Xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN được Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 thông qua có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy công tác bảo vệ trẻ em khỏi bắt nạt trên mạng và tại trường học một cách mạnh mẽ, toàn diện với những cam kết chính trị cao.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà đánh giá cao những nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong việc bảo vệ và đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Hội thảo đã cập nhật tổng quan về tình hình, tác động của bắt nạt trực tuyến và trực tiếp đối với trẻ em trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương nhất.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng chia sẻ về các nguyên tắc và xu hướng mới trong việc phòng chống, ứng phó với hành động bắt nạt trẻ em tại trường học cũng như trên môi trường mạng thông qua các điển hình tốt về giải quyết bắt nạt trẻ em tại khu vực ASEAN và trên thế giới.
Theo báo cáo U-report (UNICEF), năm 2019, 1/3 thanh thiếu niên ở 30 quốc gia cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, trong đó, số thanh thiếu niên từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và bạo lực chiếm 20%. Cũng theo khảo sát này, 21% thanh thiếu niên Việt Nam là nạn nhân của bắt nạt trên mạng và 75% thanh thiếu niên đều không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể trợ giúp khi bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng. Bắt nạt học đường và trên mạng gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, thậm chí có thể gây chấn thương, ảnh hưởng tâm lý nặng nề như tự ti, chán nản, sang chấn tâm lý, trầm cảm dẫn tới tự sát. Để ngăn chặn vấn nạn này, tính đến năm 2020, tại ASEAN đã có 6 quốc gia xây dựng các kế hoạch bảo vệ trẻ em trực tuyến; 2 quốc gia đã triển khai các chương trình an toàn mạng tại trường học; 3 quốc gia đang lồng ghép chủ đề này vào chương trình học tại trường. |
| 5 cuộc khủng hoảng toàn cầu đối với trẻ em năm 2021: Xin đừng lờ đi! Tại một số nơi nguy hiểm và phức tạp nhất trên thế giới, Covid-19 đã làm đảo ngược tiến bộ đạt được qua hàng thập ... |
| Hãy trao thêm cơ hội bình đẳng cho trẻ em khuyết tật! Theo báo cáo do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 9/11, ước tính có gần 240 triệu trẻ em khuyết tật ... |