![]() |
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội thảo. |
Tham dự Hội thảo có hơn 60 đại biểu các Bộ, ngành, ủy ban của Quốc hội, 15 tỉnh thành phía Bắc cùng đại diện của các tổ chức quốc tế tại Hà Nội như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Ford (Ford Foundation), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định tầm quan trọng của quyền văn hóa như một bộ phận không thể tách rời trong tổng thể các quyền tự do cơ bản của con người, được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế về nhân quyền và nhấn mạnh chính sách nhất quán của Nhà nuớc VN là tôn trọng, bảo vệ và phát huy quyền văn hóa của người dân, góp phần tăng cường sức mạnh và nền tảng tinh thần của dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong thời kỳ Đổi mới, chủ trương của Đảng và Nhà nước là xây dựng một nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu phát triển về mọi mặt của xã hội và con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng trưởng kinh tế là quan trọng nhưng không phải là mục tiêu duy nhất, mà điều cốt lõi là không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển con người về mọi mặt; đồng thời văn hóa là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.
Đại diện của Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao và đại diện Quỹ Ford, UNESCO, UNDP, ILO đã có bài giới thiệu các nội dung về quyền văn hóa được nêu trong các công ước quốc tế về nhân quyền, đặc biệt là Công ước quốc tế về Các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa được Liên hợp quốc thông qua năm 1966 và đánh giá cao nỗ lực của Nhà nước VN trong việc đảm bảo thực hiện các quyền này.
Trong hai ngày diễn ra Hội thảo, đại biểu các Bộ, ngành và địa phương như Ban Xây dựng Pháp luật của Văn phòng Chính phủ, Vụ Dân tộc – Hội đồng Dân tộc thuộc Văn phòng Quốc hội, Vụ Các Tổ chức Quốc tế và Vụ UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao, Viện Văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội, Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… đã có nhiều bài tham luận và phát biểu với nội dung phong phú về chính sách cũng như thực tiễn thực hiện quyền văn hóa ở VN, tập trung vào các lĩnh vực tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa; chế định pháp lý về quyền văn hóa trong hệ thống pháp luật VN; vấn đề xây dựng và giám sát thi hành các luật về văn hóa của Quốc hội; thúc đẩy nhận thức về quyền văn hóa đối với đồng bào thiểu số; một số quyền về văn hóa trong chương trình giảng dạy chuyên ngành quản lý văn hóa; sự tham gia của phụ nữ trong đời sống văn hóa... Hội thảo cũng được nghe bài phát biểu giàu tính nghiên cứu của Giáo sư Hữu Ngọc về sự tiếp biến của nền văn hóa VN qua các thời kỳ lịch sử. Các đại biểu còn tích cực tham gia thảo luận về tầm quan trọng của việc thực hiện quyền văn hoá ở VN.
Sau hội thảo, đại diện các tổ chức quốc tế tham dự đã có được cái nhìn tổng thể về vấn đề quyền văn hoá ở VN. Phát biểu trao đổi và chia sẻ của các đại biểu tại Hội thảo cũng là những kinh nghiệm quý báu đóng góp cho việc ta chuẩn bị Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Công ước về Các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội ở VN.
T.C.Q.T