📞

Thực hư về 'cocaine hồng' sau vụ ca sĩ Liam Payne tử nạn ở Argentina

Dương Huyền 14:16 | 25/10/2024
Trong những ngày qua, "cocaine hồng" trở thành tâm điểm chú ý sau cái chết của ca sĩ Liam Payne (One Direction), khiến các cơ quan chức năng phải ngay lập tức đưa ra cảnh báo.
Loại chất có tên gọi “cocaine hồng” gây xôn xao dư luận sau khi cựu thành viên nhóm nhạc One Direction qua đời tại Mỹ. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 16/10, dư luận Mỹ xôn xao trước sự ra đi đột ngột của ca sĩ nổi tiếng Liam Payne - cựu thành viên nhóm nhạc One Direction. Theo báo cáo, nam ca sĩ đã sử dụng “cocaine hồng” cùng một số chất kích thích khác trước khi ngã xuống từ ban công khách sạn ở Buenos Aires, Argentina.

Ngoài tên gọi “cocaine hồng”, loại bột này còn được biết đến dưới cái tên “tusi”. Tuy nhiên, cả hai biệt danh đều chỉ mang tính quảng cáo hơn là phản ánh đúng bản chất là một hỗn hợp ma tuý của nó.

Theo ông Joseph Palamar, nhà nghiên cứu về xu hướng ma túy tại Trung tâm Y tế NYU Langone tại New York (Mỹ), màu hồng của loại bột này là do màu thực phẩm.

"Loại ma túy này hiếm khi chứa cocaine, nguyên liệu chủ yếu đến từ ketamine", ông Palamar cho biết.

Ketamine là thuốc gây mê mạnh được phép sử dụng trong phẫu thuật, điều trị trầm cảm, lo âu và giảm đau, nhưng cũng có thể gây ảo giác và ảnh hưởng đến hô hấp và tim mạch.

Ngày nay, giới trẻ có thể không biết về nguồn gốc của loại ma túy này và dễ bị nhầm lẫn bởi cái tên “cocaine hồng”. Ngoài ra, “tusi” bắt nguồn từ tên hợp chất thần kinh 2C-B - loại ma túy phổ biến trong các bữa tiệc nhảy ở Mỹ những năm 1990.

Tuy nhiên, qua phân tích, ông Palamar phát hiện trong “tusi” chứa rất ít lượng 2C-B.

Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra rằng trong “cocaine hồng” có thể chứa methamphetamine, MDMA, muối tắm, caffeine và các chất gây nghiện khác. Loại ma tuý này thường được sử dụng dưới dạng viên hoặc hít dưới dạng bột.

Nhiều người không biết chính xác thành phần bên trong "cocaine hồng", nên nếu lạm dụng, người sử dụng có thể đối mặt với những tác dụng phụ không mong muốn.

"Khi dùng Ketamine bạn sẽ như lạc vào một thế giới riêng và thậm chí là mất nhận thức nếu sử dụng liều cao", ông Palamar cho biết.

Việc sử dụng lâu dài “tusi” có thể dẫn đến các cơn đau tim, huyết áp cao, các cơn đột quỵ, những biến đổi về hành vi, trạng thái nghiện ngập, lo âu, trầm cảm dai dẳng và tâm thần phân liệt.

Loại ma tuý này lần đầu xuất hiện trên đường phố Colombia năm 2010 và dần được sử dụng rộng rãi ở các câu lạc bộ ở Mỹ Latinh, bao gồm Argentina, Venezuela, Uruguay, Chile và Panama.

Ngày này, “cocaine hồng” xuất hiện phổ biến trong các hộp đêm ở Mỹ và châu Âu, đặc biệt tại Tây Ban Nha. Hay theo báo cáo về ma túy của Liên hợp quốc năm 2022, loại bột này đã được phát hiện ở Anh, Áo, Thụy Sĩ, Canada, thậm chí là khu vực Đông Nam Á.

Vào tháng 5/2024, lực lượng Tuần duyên Mỹ đã thu giữ “cocaine hồng” cùng nhiều loại ma túy khác tại vùng biển ngoài khơi Mexico và khu vực Trung-Nam Mỹ.

Ông Palamar cho biết đây là lần đầu tiên nghe về việc nhập khẩu số lượng lớn “tusi” vào Mỹ bởi những kẻ buôn ma túy tại đây cũng có thể dễ dàng tự pha trộn mặt hàng này.

(theo ABC)