Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Translational Medicine ngày 16/11, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ đã điều chế ra loại thuốc mới mà sau khi uống, có thể bám trụ trong dạ dày và dần phát tán thuốc trong thời gian hai tuần.
Loại thuốc hoạt động lâu dài mới này có hình ngôi sao gồm 6 cánh có thể cuộn vào trong thành viên "con nhộng." Các liều thuốc được đưa vào trong các cánh này và mỗi cánh được gắn vào phần giữa ngôi sao bằng một móc nối.
Loại thuốc hoạt động lâu dài có hình ngôi sao gồm sáu cánh. (Nguồn: mit.edu) |
Sau khi được nuốt, phần vỏ ngoài của viên thuốc tan ra do tác dụng của axid trong dạ dày, giúp các cánh của viên thuốc mở ra. Một khi lưu trú được trong dạ dày, chúng có kích cỡ vừa đủ để chống đỡ lại bất kỳ lực đẩy nào muốn tống chúng xuống đường tiêu hóa, mà không gây tắc nghẽn.
Trong các thí nghiệm ở loài lợn, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng sau khi thuốc phát tán ra trong vòng hai tuần, các móc nối các cánh với phần giữa ngôi sao bị phân hủy, giúp các cánh rời ra và đi xuống đường tiêu hóa.
Theo giáo sư Robert Langer, thuộc MIT, cho đến nay, các loại thuốc uống chỉ phát huy tác dụng trong một thời gian giới hạn vì chúng trôi nhanh trong cơ thể và được đặt vào môi trường khắc nghiệt ở dạ dày và đường ruột.
Theo các nhà nghiên cứu, công nghệ viên thuốc hoạt động lâu dài này có thể áp dụng trong điều trị nhiều căn bệnh khác như bệnh Alzheimer và các bệnh về thần kinh tới điều trị AID/HIV và ho lao. Loại thuốc này sẽ được đưa ra thử nghiệm ở người vào năm tới.