TIN LIÊN QUAN | |
Ngành bán lẻ Mỹ rơi vào khủng hoảng | |
Người dân ASEAN chuộng dùng điện thoại mua sắm trực tuyến |
Những cái “bẫy” ngọt ngào
Thời gian gần đây, hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra rất sôi động qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo... Bên cạnh các địa chỉ mua bán chân chính thì cũng xuất hiện không ít người đã lợi dụng hình thức bán hàng gián tiếp này để kinh doanh dối trá, kiếm lời bất chính. Bởi hoạt động mua bán này thường chỉ được xây dựng trên cơ sở “niềm tin” nên đã diễn ra những câu chuyện dở khóc dở cười...
Chị Phương Mai (Quảng Ninh), người từng là nạn nhân mua nhầm mỹ phẩm online bức xúc: “Tôi lên mạng thấy người ta quảng cáo kem dưỡng trắng da giảm giá đến 70%, vì ham rẻ nên đã mua về dùng. Ai ngờ dùng được 1 tuần thì mụn nổi khắp mặt, da ngứa ngáy và ửng đỏ, qua kiểm tra mới biết đây là hàng giả. Tôi chắc chắn sẽ không bao giờ dám mua mỹ phẩm online nữa".
Cũng từng mua hàng qua mạng của người quen và bị mắc lừa nên anh Tuân (Long Biên, Hà Nội) rút kinh nghiệm là cứ phải đến tận nơi xem hàng mới dám mua. Anh than phiền: “Ngày trước tôi thấy người bạn đăng bán áo sơ mi trên Facebook. Tôi nhắn tin hỏi mua thì được cam kết hàng thật y hình, bao đổi, bao thử. Đến ngày nhận thì áo không mặc nổi, khác hẳn với mẫu mã, màu sắc và chất liệu đều không giống như quảng cáo. Nhưng do mua của người quen nên cũng không tiện trả lại, nên tôi ngậm ngùi cho qua, đành vứt bỏ cái áo và coi đây là bài học”.
Nhiều chiêu lừa đảo bán hàng trên mạng để móc túi người tiêu dùng. (Nguồn: Thanh Niên) |
Việc nhiều “thượng đế” đã bất đắc dĩ phải nhận về những món hàng với hình thức khác xa đơn hàng mà họ đặt mua trên mạng, đặc biệt là quần áo, giày dép... đã không còn là chuyện lạ. Những “tai nạn” khi sử dụng dịch vụ thương mại trực tuyến của khách hàng như chất liệu, màu sắc, phom dáng khác xa trên ảnh hoặc khác với yêu cầu thường khiến người trong cuộc “ngậm quả đắng”.
Nhiều người bán hàng online còn có những chiêu lấy tiền của khách hàng vô cùng kín kẽ. Chiêu lừa đảo cơ bản nhất là người bán yêu cầu người mua chuyển tiền trước rồi mới chuyển hàng sau. Để lấy được tiền của khách hàng, những người bán này thường giảm giá sản phẩm ở mức rất sốc, rồi giục người mua chuyển khoản trước để giữ hàng.
Thậm chí, chúng còn cử người giả làm nhân viên dịch vụ giao hàng, gọi cho khách hàng xác nhận địa chỉ và thời gian giao hàng. Người mua thấy sản phẩm của mình sắp được giao, giá lại rẻ, sợ chậm chân sẽ mất món hời nên người mua đành vội vàng chuyển tiền và rồi đợi mòn mỏi mà không nhận được hàng.
Những trường hợp như anh Tuân, chị Mai là những nạn nhân điển hình của các chiêu lừa mua hàng qua mạng. Rất nhiều người đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi mất tiền mà sản phẩm nhận về lại không sử dụng được.
Đề cao cảnh giác
Hiện nay, các chiêu thức lừa đảo bán hàng qua mạng diễn biến phức tạp, tinh vi, và khó kiểm soát, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, nhận thức của người tiêu dùng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc mua sắm trực tuyến một cách an toàn. Với thực trạng mua hàng trực tuyến còn nhiều điểm hạn chế như hiện nay, người tiêu dùng cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về hình thức mua sắm này.
Ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã đưa ra 6 cảnh báo dành cho người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến. Đó là nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); Tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận…; Tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ trước khi mua. Người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm, dịch vụ trên internet như nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá về sản phẩm nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm kém chất lượng.
Người tiêu dùng cần đề cao cảnh giác khi mua hàng online. (Nguồn: ĐSPL) |
Người tiêu dùng phải cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: Họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng, hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần cảnh giác với những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình.
Đặc biệt, người tiêu dùng cũng phải cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của các công ty. Theo đó, phiếu mua hàng thường có giá trị nhỏ hơn giá trị sản phẩm khiến người tiêu dùng phải chi thêm một khoản tiền nữa. Tuy nhiên, khi nhận hàng thì sản phẩm thường có giá trị thấp hơn so với khoản tiền người tiêu dùng đã bỏ ra. Cảnh giác tương tự với hình thức thông báo trúng thưởng và người tiêu dùng phải đóng tiền thuế, phí để nhận được sản phẩm.
Amazon sắp mua lại nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Đông Âu "Người khổng lồ" về thương mại điện tử của Mỹ Amazon.com ngày 28/3 đã tiến thêm một bước trong thương vụ mua lại nhà bán ... |
Thương mại điện tử Trung Quốc tăng mạnh Số người sử dụng Internet của Trung Quốc đang tăng nhanh giúp cho thương mại điện tử nước này phát triển mạnh. |
Người Anh ngại mua hàng trực tuyến Theo khảo sát mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường trực tuyến CyberSource, hơn 40% dân Anh ngại mua hàng trực tuyến vì vấn ... |