📞

Thượng đỉnh G7: Giá trị đảo lộn

Dịch Dung 16:35 | 23/08/2019
TGVN. Nhóm G7 sắp họp thượng đỉnh tại Pháp. Chưa khi nào cái bóng của nước Nga phủ xuống G7 lại rõ và đậm như hiện tại. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Nga bị G7 gạt ra khỏi cùng chiếu, đẩy ra khỏi cùng mâm nhưng chưa khi nào G7 lại cần đến Nga như hiện tại để giải quyết những vấn đề cấp thiết đặt ra đối với nhóm. (Biếm họa của Alfredo Martirena trên Cartoonstock)

Từ năm 2014, nhóm G8 chỉ còn là G7 do 7 thành viên của G7 chủ trương cô lập Nga sau khi Nga tiếp nhận Crimea. Từ đó, những hội nghị cấp cao thường niên của nhóm này đều không có sự tham dự của Nga, như năm nay ở Biarritz dưới sự chủ trì của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên cương vị chủ tịch luân phiên của nhóm.

Thế mà, chưa khi nào cái bóng của Nga phủ xuống G7 lại rõ và đậm như hiện tại bởi hai lý do là, nếu muốn giải quyết được đa phần những vấn đề cấp thiết đặt ra lâu nay cho G7 thì nhóm này không thể không cần đến sự tham gia của Nga và nội bộ nhóm bị phân hoá sâu sắc về việc mời Nga trở lại nhóm.

Nước Nga với G7

Ngay trước sự kiện này năm nay của nhóm, ông Macron đã gặp riêng Tổng thống Nga Vladimir Putin để chuẩn bị cho việc điều hành và dẫn dắt hội nghị. Cũng ngay trước hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai cho rằng, sẽ tốt hơn nếu để Nga tham dự trở lại nhóm trong khi Đức, Pháp và Anh vẫn muốn duy trì tình trạng Nga ở ngoài nhóm.

Điều thú vị ở đây là, chỉ cần nhìn vào mối quan hệ giữa nhóm G7 nói chung và từng thành viên của nhóm nói riêng với Nga là có thể thấy được vai trò và ảnh hưởng hiện tại cũng như tương lai của khuôn khổ diễn đàn này, có thể thấy sự đảo lộn giá trị của G7 đối với Nga và giá trị của Nga đối với G7 giữa hai thời điểm là hiện tại và khi Nga gia nhập nhóm này năm 1998.

Khuôn khổ diễn đàn G7 được thành lập năm 1975 với mục đích ban đầu là chuyên về các vấn đề kinh tế, tài chính và tiền tệ.

Năm 1991, nhà lãnh đạo Liên Xô Michael Gorbatchev được mời tham dự hội nghị cấp cao của nhóm tổ chức ở thủ đô London của Anh. Năm sau đó, tổng thống Nga Boris Yeltsin được mời tham dự hội nghị cấp cao của nhóm diễn ra ở Munich (Đức) kèm theo lời hứa hẹn xa gần là nước Nga rồi sẽ được kết nạp vào nhóm. Năm 1998, Nga tham gia nhóm và G7 trở thành G8.

Với việc mở rộng khuôn khổ diễn đàn cho Nga tham gia, G7 chính thức hoá việc chuyển từ một khuôn khổ diễn đàn đa phương đặc biệt và riêng biệt chuyên về các vấn đề kinh tế, tài chính và tiền tệ thế giới thành cả khuôn khổ diễn đàn bàn thảo về chuyện chính trị thế giới. G7 muốn có được tầm ảnh hưởng và vai trò chính trị thế giới.

Khi ấy, khuôn khổ diễn đàn này có giá trị vô cùng lớn và thiết thực đối với Nga. Nga vẫn là cường quốc thế giới về quân sự nhưng G7 mới đưa lại cho Nga vai trò chính trị thế giới mà Nga muốn có được.

Khi ấy, ý đồ của G7 là lôi kéo Nga vào khuôn khổ diễn đàn này để dùng nó làm công cụ chuyển hoá nước Nga theo hướng gắn kết với Phương Tây chứ không lại trở thành như Liên Xô trước đó. Ngay cả đến tận khi Nga tiếp nhận Crimea năm 2014, G7 vẫn còn cho rằng, Nga cần G7 hơn G7 cần Nga, hay nói theo cách khác là, G7 có giá trị đối với Nga lớn hơn giá trị của Nga đối với G7.

Cơ hội mới cho G7

Hiện tại, tương quan xưa đã đảo ngược. Nga bị G7 gạt ra khỏi cùng chiếu, đẩy ra khỏi cùng mâm nhưng chưa khi nào G7 lại cần đến Nga như hiện tại để giải quyết những vấn đề cấp thiết đặt ra đối với nhóm.

Khuôn khổ diễn đàn G20 đã trở nên có danh và có thế hơn hẳn G7. Mọi vấn đề liên quan đến kinh tế, thương mại, tiền tệ và tài chính của thế giới mà G7 luôn bàn đến nhưng đâu có tự giải quyết được mà cần đến nhiều đối tác khác, đặc biệt là Trung Quốc. Các vấn đề về chính trị an ninh thế giới thì G7 phải luỵ Nga. Vì thế, có chân trong khuôn khổ diễn đàn hẹp này đúng là có lợi cho Nga nhưng không ở trong đó thì cũng đâu có hại gì đối với Nga và cũng chẳng gây tổn hại gì nhiều đến vai trò chính trị thế giới của Nga. Chừng nào các thành viên G7 và EU còn đối đầu Nga và trừng phạt Nga thì chừng đó, Nga vừa không thể vừa không muốn tham gia G7 trong khi G7 chỉ càng ngày càng thêm hữu danh vô thực.

Ông Trump vốn không coi trọng G7 và còn cho rằng, có sự tham gia của Nga sẽ tốt hơn cho G7. Những thành viên G7 ở châu Âu như Anh, Đức và Pháp bám giữ dai dẳng vào chủ ý chưa kết nạp lại Nga vào khuôn khổ diễn đàn vì vẫn muốn tiếp tục dùng việc kết nạp lại kia để duy trì áp lực và mồi nhử Nga, trong thực chất thể hiện sự bất lực của họ với việc dùng áp lực và các biện pháp trừng phạt để buộc Nga thay đổi chính sách đối với Ukraine.

Sự tham gia trở lại khuôn khổ diễn đàn này của Nga vào thời điểm nào đấy trong tương lai cũng chỉ có thể làm chậm lại quá trình sa sút vai trò và ảnh hưởng của G7 chứ không cứu được nó không bị thua trong cuộc ganh đua với các khuôn khổ diễn đàn đa phương khác trên thế giới, đặc biệt với G20. Vì thế, một cơ hội cho G7 có được tương lai mới là nhân dịp mời Nga trở lại mở rộng khuôn khổ diễn đàn cho thêm một số nước khác nữa có trọng lực lớn trên thế giới về chính trị, kinh tế và tài chính làm thành khuôn khổ diễn đàn mới và đồng thời hạt nhân trong các khuôn khổ diễn đàn đa phương hiện có.

Dịch Dung