Các nhà lãnh đạo nhóm G20 họp khẩn về Afghanistan vào ngày 12/10. (Nguồn: Reuters) |
Thủ tướng Italy Mario Draghi chủ trì Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến trước thềm cuộc họp trực tiếp của các nhà lãnh đạo G20 vào cuối tháng tại Rome.
Ngoài đại diện các nước G20, hội nghị này mở rộng thành phần tham dự gồm các đại diện của Liên hợp quốc (LHQ), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng một số quốc gia ngoài G20 như Tây Ban Nha, Hà Lan và Qatar.
Ông Draghi cho biết, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh bất thường của G20 đã nhất trí cần giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và đảm bảo quyền của phụ nữ tại Afghanistan.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Italy nhấn mạnh, dù tiếp xúc với Taliban nhưng không có nghĩa là G20 thừa nhận chính phủ lâm thời ở Afghanistan.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định, Afghanistan đang trong thời khắc "quyết định sự thành bại", "nếu không có lương thực, không có việc làm, các quyền con người cơ bản không được đảm bảo, chúng ta sẽ thấy thêm người Afghanistan rời bỏ quê hương đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn".
Tại hội nghị, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đề xuất thành lập một nhóm công tác về Afghanistan trong khuôn khổ G20, đồng thời nhấn mạnh: "Thiết lập an ninh và ổn định ở Afghanistan sớm nhất có thể là điều quan trọng không chỉ ở cấp khu vực mà còn ở cấp quốc tế".
Ngoài ra, ông Erdogan cảnh báo, các nước châu Âu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi áp lực nhập cư, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải gánh chịu từ các khu vực biên giới phía Nam và phía Đông.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi hỗ trợ quốc tế khẩn cấp cho Afghanistan để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo và giúp tái thiết quốc gia Tây Nam Á.
Theo ông Moon, dù Afghanistan hiện đang bất ổn, nhưng "tình hình sẽ khác đi nhiều, tùy thuộc vào sự hỗ trợ của quốc tế", đồng thời cam kết cung cấp 1 tỷ USD viện trợ và hỗ trợ cho Afganistan trong 20 năm tới.
Tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của G20 trong việc ứng phó với các thách thức thế giới và "cần làm điều tương tự vì sự ổn định tại Afghanistan", cam kết Seoul sẽ đóng vai trò tích cực trong sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế".
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, Tokyo sẽ cung cấp cho Afghanistan tổng cộng 200 triệu USD trong năm nay, trong đó có 65 triệu USD thông qua các tổ chức quốc tế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các hoạt động kinh tế và dịch vụ cơ bản.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản dẫn phát biểu của ông Kisshida khẳng định: "Đảm bảo quyền của phụ nữ được giáo dục và làm việc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tương lai của Afghanistan".
Cũng tại hội nghị, EU thông báo một gói viện trợ trị giá 1 tỷ Euro (1,2 tỷ USD) "nhằm tránh một sự sụp đổ lớn về kinh tế-xã hội và nhân đạo" tại Afghanistan.
Trong số này, 250 triệu Euro sẽ được bổ sung vào gói 300 triệu Euro mà EU đã thông báo trước đó nhằm viện trợ nhân đạo khẩn cấp, phần còn lại sẽ được chuyển đến các nước láng giềng trong khu vực tiếp nhận người di cư Afghanistan.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh, tiền của EU là "hỗ trợ trực tiếp" cho người dân Afghanistan và sẽ được chuyển qua các tổ chức quốc tế đang làm việc tại thực địa, không chuyển qua chính phủ lâm thời của Taliban mà EU không thừa nhận.
Hiện viện trợ phát triển của EU cho Afghanistan vẫn đang bị đóng băng.
Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận với các nhà lãnh đạo G20 về tình hình tại Afghanistan, trong đó có nỗ lực chống lại các mối đe dọa do chi nhánh của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Afghanistan gây ra.