Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Mỹ bắt tay trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn tại Trại David, Maryland ngày 18/8. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 18/8, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio công bố các thỏa thuận quan trọng sau hội nghị thượng đỉnh độc lập đầu tiên tại Trại David (Mỹ).
Ba nhà lãnh đạo đã thông qua “Nguyên tắc Trại David”, phác thảo các nguyên tắc hợp tác ba bên trong tương lai và “Tinh thần Trại David”, đưa ra tầm nhìn hợp tác và các biện pháp triển khai cụ thể. Các nhà lãnh đạo nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên thường xuyên và tiến hành tập trận quân sự chung hàng năm.
Bước nhảy vọt về hợp tác an ninh
Theo tờ JoonAng Daily ngày 20/8, từ trước đến nay, ba nước theo đuổi mô hình hợp tác an ninh do Mỹ lãnh đạo dựa trên các mối quan hệ liên minh Hàn-Mỹ và liên minh Mỹ-Nhật.
Sau hội nghị thượng đỉnh tại Trại David, một hệ thống hợp tác ba bên mới đã được thiết lập, thể hiện bước nhảy vọt về hợp tác an ninh giữa ba nước. Do đó, một số chuyên gia an ninh đã đặt câu hỏi liệu “bước nhảy vọt” này có phải là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ hợp tác an ninh ba bên đã phát triển lên mức gần như một liên minh quân sự hay không.
Rõ ràng, động lực để ba nước tăng cường hợp tác là xây dựng một mặt trận chung để cùng nhau đối phó với sự biến động của môi trường an ninh và địa chính trị khu vực, quốc tế, bắt nguồn từ cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, mối đe dọa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Các bên đồng thời kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán mà không kèm bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, điều này phản ánh tính toán của các nhà lãnh đạo Hàn-Mỹ-Nhật là không "dồn Triều Tiên vào chân tường".
Đề cập trực tiếp Trung Quốc, ba nước bày tỏ phản đối các động thái đơn phương làm thay đổi hiện trạng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời kêu gọi Trung Quốc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên eo biển Đài Loan.
Ngoài chủ đề an ninh, nội dung chương trình nghị sự thượng đỉnh được mở rộng sang các lĩnh vực không gian, an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo (AI), ngoài các lĩnh vực truyền thống như ngoại giao, an ninh, kinh tế, thương mại, công nghệ và năng lượng. Một động thái đáng chú ý khác là việc các nhà lãnh đạo nhất trí tổ chức cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính của ba nước.
Tranh thủ đưa hợp tác kinh tế vào khuôn khổ
Theo Korea Times, trong họp báo sau hội nghị, lãnh đạo ba nước hứa tăng cường hợp tác kinh tế ba bên bằng cách sử dụng các biện pháp trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.
Trong tuyên bố chung có tiêu đề "Tinh thần Trại David", các nhà lãnh đạo hứa "duy trì tập trung vào việc xây dựng hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực an ninh kinh tế và công nghệ, tận dụng các khả năng độc đáo mà mỗi quốc gia của chúng ta mang lại".
Các nhà lãnh đạo thừa nhận tầm quan trọng của việc tăng cường Đối thoại An ninh Kinh tế ba bên và quyết định triển khai các dự án thí điểm về hệ thống cảnh báo sớm để mở rộng chia sẻ thông tin và tăng cường phối hợp chính sách về những gián đoạn có thể xảy ra đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ba nước sẽ khởi động các dự án để cùng phát triển các công nghệ quan trọng và mới nổi, chẳng hạn như chất bán dẫn tiên tiến, siêu máy tính, lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Các quốc gia sẽ huy động khoảng 6 triệu USD (8,03 tỷ Won) quỹ nghiên cứu và có một cuộc họp chuyên gia vào tháng tới để xác định các chủ đề của các dự án chung. Cùng với việc phát triển công nghệ mới, các nhà lãnh đạo lưu ý tầm quan trọng của việc bảo vệ chúng khỏi bị xuất khẩu trái phép hoặc bị đánh cắp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ba nước sẽ tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tài chính phát triển của họ "để huy động thêm nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng chất lượng và bảo đảm công nghệ truyền thông nhằm giúp các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình trong khu vực đối mặt với những thách thức quan trọng nhất đối với người dân của họ".
Để cải thiện hợp tác tài chính, các nhà lãnh đạo quyết định khởi động cuộc họp cấp bộ trưởng tài chính ba bên để thảo luận về hợp tác ổn định thị trường tài chính và ngoại tệ. Điều này góp phần thúc đẩy đầu tư và trao đổi giữa các quốc gia. Tùy thuộc vào các cuộc thảo luận tiếp theo, các cuộc họp có thể diễn ra định kỳ như các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng ba bên khác mà các nhà lãnh đạo đã nhất trí tổ chức hàng năm.
Theo tờ JoonAng Daily, quá trình triển khai các thỏa thuận chắc chắn sẽ đối mặt nhiều thách thức. May mắn thay, ba nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hình thành một mặt trận đoàn kết. Điều này cho thấy cả Hàn Quốc và Nhật Bản phải cải thiện mối quan hệ song phương để phối hợp chặt chẽ hơn nữa.
Hàn Quốc và Mỹ cần chuẩn bị tinh thần cho khả năng có thể có những động thái quân sự trên bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn diễn ra cuộc tập trận chung Người Bảo vệ Tự do Ulchi từ ngày 21-31/8 này.
| Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn: Sự hợp nhất của hai liên minh tầm cỡ, định hình một khuôn khổ không thể đảo ngược Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn tới đây là sự kiện quốc tế được trông đợi với sự bắt tay của hai liên minh Mỹ-Hàn và ... |
| Chính sách đối ngoại Hàn Quốc: Cần ngả đúng chiều và đi đúng hướng? Hàn Quốc luôn coi liên minh với Mỹ là ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại. Tuy vậy, nước này vẫn phải khéo ... |
| Mỹ sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên Hàn Quốc và Nhật Bản có một số tuyên bố đáng chú ý trước thềm cuộc thượng đỉnh ba bên với Mỹ, trong đó vấn ... |
| Hàn Quốc sản xuất hàng loạt máy bay không người lái, dự báo thời điểm Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Ngày 18/8, Hàn Quốc đã “chốt” kế hoạch sản xuất hàng loạt máy bay không người lái (UAV) tầm trung đến năm 2028, với mục ... |
| Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn: Gửi thông điệp từ Trại David, lần đầu tên 'Trung Quốc' xuất hiện trong tuyên bố chung, Bắc Kinh phản ứng thế nào? Bắt đầu hội nghị với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Trại David, bang Maryland, ông ... |