📞

Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Quay lại ngoại giao truyền thống và chiến thắng cho ai?

Phan Nguyên 14:33 | 18/06/2021
Các thỏa thuận cụ thể sau Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ bao gồm bắt đầu một vòng đàm phán hạt nhân mới và đưa các đại sứ trở lại vị trí được nhìn nhận là những thắng lợi nhỏ nhưng chắc chắn.
Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Quay lại ngoại giao truyền thống và chiến thắng cho ai?

Khi Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower tham dự cuộc họp với Tổng thống Nga Nikita Khrushchev tại Geneva vào năm 1955, cuộc họp thượng định song phương lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô, ông Joe Biden khi ấy mới 12 tuổi.

Vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng từng là một thượng nghị sĩ 42 tuổi làm việc về vấn đề kiểm soát vũ khí khi nhà lãnh đạo Mỹ Ronald Reagan lần đầu tiên ngồi trên cùng một chiếc ghế sofa với nhà lãnh đạo Nga Mikhail Gorbachev cũng tại thành phố này, trong sự kiện được coi là bước đi đầu tiên để chấm dứt Chiến tranh Lạnh.

Ngày 16/6, đến lượt ông Biden chạm trán với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, người được cho là đã làm xói mòn nhiều thành tựu của trật tự hậu Chiến tranh Lạnh và làm sống lại một số hoạt động tồi tệ nhất thời Liên Xô.

Nhưng dù địa điểm họp có giống nhau đi chăng nữa, cốt truyện lại khác nhau.

Đây không phải là cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai siêu cường đang nắm giữ vận mệnh của thế giới trong tay. Đó cũng không phải là một nỗ lực để thiết lập lại mối quan hệ, như ông Barack Obama đã từng làm. Đúng hơn, đó là một câu chuyện có phần âm u hơn.

Lằn ranh đỏ

Mục đích của cuộc họp là quản lý cuộc đối đầu đang diễn ra bằng cách củng cố các lằn ranh đỏ, làm rõ các quy tắc tương tác và đánh giá điểm yếu của nhau.

Các thỏa thuận cụ thể duy nhất là bắt đầu một vòng đàm phán hạt nhân mới và đưa các đại sứ trở lại vị trí. Đây đều là những thắng lợi được giới quan sát nhận định là nhỏ nhưng chắc chắn.

Việc hai bên quay lại con đường ngoại giao tạo ra một sự thở phào nhẹ nhõm cho thấy mối quan hệ này đã trở nên khó khăn như thế nào kể từ khi Nga sáp nhập Crimea và phát động chiến tranh ở Ukraine vào năm 2014.

Các nhà ngoại giao Mỹ vẫn không quên cuộc họp báo ở Helsinki khi ông Trump nói rằng, ông không có lý do gì để không tin vào ông Putin.

Lần này hai bên không tổ chức cuộc họp báo chung nào. Nhưng sau cuộc gặp kéo dài chưa đầy 4 giờ trong một biệt thự được xây dựng từ thế kỷ XVIII, ông Putin và ông Biden đã biết được lập trường của đối phương: các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng quan trọng là không thể chấp nhận; tranh chấp xoay quanh Ukraine và Belarus không nên được giải quyết bằng biện pháp quân sự.

Ông Biden đã định vị lại mối quan hệ song phương trên phương diện đại chiến lược. Ông đặt cuộc gặp với ông Putin trong bối cảnh sự đoàn kết mới trong khối G7 và NATO. Câu thần chú của chính trị gia 78 tuổi là “khôi phục lại khả năng dự đoán và sự ổn định” cho mối quan hệ Mỹ-Nga, tạo cơ sở để mối quan hệ hoạt động trở lại, dù có thể vẫn mang tính đối đầu, như trong thời kỳ quan hệ với Liên Xô.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là người ngồi đối diện ông Biden ở Geneva không phải là một nhà lãnh đạo kiểu Liên Xô bị hạn chế bởi hệ tư tưởng, thứ bậc trong đảng, và quan trọng nhất là trải nghiệm cùng nhau giành chiến thắng trong Thế chiến II. Đúng hơn, ông Putin là người không mấy bận tâm đến một cuộc cạnh tranh toàn cầu với Mỹ.

Ván bài đã lật ngửa

Vào tháng 3, hai tháng sau khi nhậm chức, trùng với ngày nhân vật đối lập Navalny trở lại Nga và bị bắt giam, ông Biden đã gọi ông Putin là kẻ sát nhân. Ông chủ Điện Kremlin cười khẩy, chúc ông chủ Nhà Trắng sức khỏe và đề nghị gặp nhau tranh luận trên truyền hình. Văn phòng của ông Biden trả lời rằng, Tổng thống Mỹ có nhiều việc hữu ích hơn để làm vào cuối tuần đó.

Vài tuần sau, ông Putin tập trung một đội quân khổng lồ ở biên giới phía Đông Ukraine. Đồng thời, ông dùng toàn bộ bộ máy an ninh nội địa để đè bẹp phong trào của Navalny.

Sự khuấy động chiến tranh ở Ukraine của Nga đã thu hút sự chú ý của ông Biden, và vị Tổng thống thứ 46 của Mỹ đã đề nghị tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh.

Ông Biden mong đợi rằng ông Putin sẽ ít gây rắc rối hơn, đồng thời hy vọng sẽ đưa ra một ví dụ mới về sức sống của nền dân chủ và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Ông Biden sau đó đã mang lại cho ông Putin một chiến thắng khác, vượt qua sự phản đối của các trợ lý hàng đầu của ông, bằng cách miễn trừng phạt đối với một trong những công ty đứng sau dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 mà Nga đang xây dựng dưới Biển Baltic nối tới Đức, bỏ qua lãnh thổ Ba Lan và Ukraine.

Ông Biden có ý nói đây là một sự nhượng bộ không phải đối với Nga, mà đối với Đức và đối với những gì đã xảy ra trên thực tế vì đường ống đã hoàn thành 90%.

Tuy nhiên, ông Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, những người chỉ biết về quyết định của Mỹ qua các phương tiện truyền thông, đều coi đây là một chiến thắng lớn cho Nga.

Ông Putin đã báo hiệu rằng, bản thân ông cũng muốn một mối quan hệ “ổn định và có thể đoán được” – nhưng theo cách hiểu của ông nghĩa là Mỹ nên tránh xa các vấn đề của Nga cũng như khu vực sân sau của nước này.

Với hy vọng vạch ra những lằn ranh đỏ của riêng mình, ông đã “đánh phủ đầu” cuộc họp bằng cách gọi phong trào của Navalny là “cực đoan”, đe dọa hủy diệt Ukraine nếu NATO xích lại gần hơn, và chống lưng cho Alexander Lukashenko, nhà độc tài Belarus, người hồi tháng trước đã bắt cóc một máy bay của hãng Ryanair để bắt giữ một đối thủ chính trị.

Nếu ông Biden cần giảm bớt căng thẳng với Nga để có thể tập trung vào một cuộc cạnh tranh cấp bách hơn là với Trung Quốc, thì ông Putin cũng cần một hình thức hòa hoãn nào đó với Mỹ để có thể tập trung vào công việc cấp bách hơn là trấn áp bất đồng chính kiến ​​và xây dựng lại đế chế.

Andrei Kortunov, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga, bình luận rằng: “Trong vài năm qua, Điện Kremlin dường như đã đi đến kết luận rằng họ không thể đồng thời loại bỏ các rủi ro đối với chế độ trong khi cũng phải chiến đấu chống lại phương Tây với cái giá kinh tế ngày càng tăng”.

Trong khi ông Biden, giống như ông Obama trước đây, chỉ coi Nga là một sự phiền toái gây sao nhãng, thì ông Putin lại coi nước Mỹ và các giá trị của nước này như một mối đe dọa hiện hữu.

Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow nói: “Nếu ông Putin thực hiện danh sách các mong muốn của Biden, thả tất cả tù nhân chính trị, rút ​​khỏi Crimea và Donbas, và nhượng bộ phương Tây trên các vấn đề chính, thì điều đó sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ hiện nay”.

Hiện tại, ván bài của ông Putin dường như đã mang lại kết quả. Nhưng vẫn còn phải xem liệu qua hội nghị thượng đỉnh này, cũng như những cuộc họp sắp tới, sẽ có những bước đi thực chất hơn hay không.

Fiona Hill, người từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời ông Trump, lập luận rằng: “Chúng ta phải chứng tỏ rằng chúng ta sẵn sàng giữ vững lập trường bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói. Nếu không, chúng ta chỉ đơn giản là mở đường cho Nga ngày càng lấn tới”.

(theo The Ecomist)