Trong suốt những năm làm công tác ngoại giao, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng nhiệm vụ chính của mình là giới thiệu, quảng bá về đất nước. Tuy vậy, khi quan sát, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, bà lại thấy ở Việt Nam chưa có một phương pháp bài bản để có thể giúp không chỉ ngành Ngoại giao, mà các ngành khác như Du lịch, Thương mại, xúc tiến đầu tư giới thiệu và quảng bá hình ảnh Việt Nam mới ra thế giới. Gần đây, tại một cuộc tọa đàm về quảng bá Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, bà lại có thêm cơ hội được "giãi bày" về lĩnh vực dành nhiều tâm huyết này...
Linh hồn của dân tộc
Với bà Tôn Nữ Thị Ninh, thương hiệu quốc gia chính là linh hồn của dân tộc và câu hỏi thường trực cần phải đặt ra “Ta là ai?”, “Ta muốn là gì?”. Theo bà, thương hiệu quốc gia cần được sự công nhận của thế giới bên ngoài cùng với sự lan tỏa của các giá trị cốt lõi. Chẳng hạn khi nghĩ đến Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến đất nước của sự hài hòa trong mọi khía cạnh của cuộc sống và đòi hỏi thẩm mỹ cao đến độ khắt khe. Vì vậy, để tìm ra linh hồn của thương hiệu quốc gia, người Việt cũng thử so sánh mình với người Nhật, Trung Quốc, Thái Lan... xem giá trị cốt lõi của dân tộc mình là gì.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh (bên trái) chia sẻ tại cuộc tọa đàm tại Hà Nội. (Ảnh: A.L) |
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của lịch sử trong việc gìn giữ và phát huy linh hồn cốt lõi của dân tộc, bà Ninh nhớ đến câu nói nổi tiếng của cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai: “Việt Nam không chỉ là tên của một cuộc chiến, mà là một đất nước”. Điều này có nghĩa, Việt Nam không phủ nhận lịch sử, nhưng được nhìn với hình ảnh mới mẻ của một đất nước đang sống lại, vượt lên quá khứ với tràn đầy sinh lực.
Nhiều năm nghiên cứu về thương hiệu quốc gia, bà Ninh vẫn chạnh lòng vì nhận thức của xã hội về điều này chưa cao. Trong khi đó, việc ý thức được thương hiệu quốc gia sẽ là lợi thế rất lớn để Việt Nam xuất hiện trên thế giới. “Hội nhập nhưng không hòa tan. Người Việt Nam ra nước ngoài không chỉ học hỏi và cần đặt ra câu hỏi cho bản thân mình sẽ mang gì ra thế giới. Chúng ta phải luôn luôn ý thức được điều này”, bà nhấn mạnh.
Ngoài ra, điều bà thấy đáng tiếc khác là việc xây dựng các chủ lực mềm của đất nước vẫn chưa được đặt ở một ví trí xứng đáng. Bởi bà tin lĩnh vực ẩm thực và nghệ thuật, nếu đầu tư, Việt Nam có thể gia nhập thế giới và tạo nên thương hiệu có thể sánh ngang các nước. Trên thực tế, ba món ăn Việt (phở, nem và bánh mì) đã xuất hiện ở tầm toàn cầu và Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa hơn nữa trong lĩnh vực này.
Lấy ví dụ về lĩnh vực thời trang, bà Ninh kể lại câu chuyện khi bà còn làm Đại sứ Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ. Đó là tại bữa tiệc tiếp khách được tổ chức ở Brussels với màn biểu diễn trang phục của ba nhà thiết kế Việt Nam. Tại đây, một giáo sư người nước ngoài đã nói với bà rằng, ông ấy cảm thấy rất ngạc nhiên vì Việt Nam chỉ một thời gian ngắn sau chiến tranh, trình độ thẩm mỹ về nghệ thuật đã đạt theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Lời khen chân tình đó của vị khách quốc tế khiến bà rất mừng.
Cũng theo bà, khi giới thiệu quảng bá nghệ thuật của đất nước, cần có cách thức diễn giải giới thiệu cụ thể, hấp dẫn và mới lạ. Bà đưa ra điển hình là Giáo sư Trần Thanh Khê – một bậc thầy về nghệ thuật diễn giải đã nhiều lần được bà mời giới thiệu về âm nhạc dân tộc và ẩm thực của Việt Nam.
Vốn quý nhất là con người
Nói về nguồn vốn của thương hiệu quốc gia, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng vốn quý nhất và đặc sắc chính là con người, chứ không chỉ là nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Việt Nam đang sở hữu. Khi tiếp xúc với bên ngoài, bà đã cảm nhận được rõ điều này qua ấn tượng và thiện chí của bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, con người cũng luôn có hai mặt: mặt tốt và mặt xấu. Và điều quan trọng là người Việt Nam cần nhìn nhận lại những đánh giá về mình để củng cố cái đẹp, đồng thời cải hóa dần những cái xấu.
“Không ít người nước ngoài vẫn nghĩ Việt Nam là nước kém phát triển với bình quân thu nhập trên đầu người rất thấp, thậm chí còn kém phát triển về văn hóa và trình độ khoa học. Nếu bất cứ ai trong chúng ta làm cho họ có những phát hiện thú vị về con người của Việt Nam thì chúng ta đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia”, bà Ninh khẳng định.
Nhắc lại tin vui ba đại diện Việt Nam lọt top 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do BBC bình chọn vào tháng 10/2017, bà cũng cho rằng, vai trò của giáo dục rất quan trọng trong việc rèn luyện bản lĩnh cho người Việt để có thể lan tỏa giá trị Việt ra thế giới.
“Thương hiệu quốc gia là sự tương tác giữa sự tự nhận thức của người Việt Nam về bản thân mình, con đường mình đi và nhận thức của thế giới đối với hình ảnh Việt Nam. Đặc biệt, thương hiệu quốc gia được xây dựng dựa trên chính con người của quốc gia đó, là tài sản trên mọi khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Vì vậy, mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều có thể là một “đại sứ”, đóng góp tích cực cho thương hiệu quốc gia”, bà nói.