Doanh nhân Lê Thu Hằng (áo đỏ đứng giữa) cùng các bạn tham gia hoạt động từ thiện tại Bệnh viện Từ Dũ. |
Phóng viên: Xin chào doanh nhân Lê Thu Hằng. Thành phố Hồ Chí Minh một lần nữa đối mặt với dịch bệnh bùng phát. Là một trong những cá nhân đã rất tích cực chung tay cùng xã hội đẩy lùi đại dịch Covid, chị có thể chia sẻ về những hoạt động ý nghĩa này?
Doanh nhân Lê Thu Hằng: Xin chào độc giả Báo Thế giới và Việt Nam. Dịch bệnh đang bùng phát trở lại, tôi cũng như bao người con của Tp. Hồ Chí Minh khác, cảm thấy rất sốt ruột và chỉ mong có thể đóng góp được một phần nào đó cho xã hội. Nhận thấy khẩu trang là một vật dụng rất cần thiết cho công tác chống dịch, tôi đại diện cho Công ty TNHH Dịch vụ Xuất nhập khẩu Á châu gửi tặng các đơn vị trên tuyến đầu chống dịch: ủng hộ 2500 khẩu trang y tế Pavo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU và Hoa Kỳ đến Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, 5000 khẩu trang cho Bệnh viện Từ Dũ, 2500 chiếc cho Bệnh viện Tân Phú Thành phố Hồ Chí Minh, 2500 chiếc khẩu trang cho Bệnh viện Quân y 175.
Đây không phải lần đầu tôi chung tay ủng hộ khẩu trang tới các bệnh viện. Ngay từ đợt bùng dịch đầu tiên tại Việt Nam, tôi cũng đã đại diện cho công ty gửi tặng hàng chục ngàn khẩu trang vải kháng khuẩn của Nhật và khẩu trang N95 của Mỹ tới tặng các y bác sĩ các bệnh viện như: BV Nhi Đồng 1 (TP. HCM), BV Ung Bướu (TP. HCM), BV Nhi Đồng 2 (TP. HCM), BV Từ Dũ (TP. HCM), BV ĐH Y Dược, BV Nhiệt đới (TP. HCM), BV Đa Khoa tỉnh Long An, BV Hòe Nhai (Hà Nội), BV Phụ Sản (Hà Nội), BV Huyết học (Hà Nội), Bv Đa khoa Quảng Nam…
Điều gì thôi thúc chị ủng hộ số lượng lớn khẩu trang đến như vậy?
Là một người con sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, nơi đây như “một phần máu thịt” của tôi, hơn ai hết tôi thực sự cảm thấy đau xót trước thực trạng đau buồn mà dịch bệnh gây ra. Tôi đã nhiều lần xúc động tới rơi nước mắt khi xem những video về những người bố, người mẹ không thể về nhà với con, hay có em bé khóc thét vì nhớ mẹ,… Dù chỉ là một chút, tôi cũng mong những đóng góp của mình có thể góp phần làm đẩy lùi sự hoành hành của đại dịch. Nghĩ đến một tương lai Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung chiến thắng đại dịch là tôi lại có thêm nhiều động lực làm thiện nguyện. Chỉ cần tôi còn sống, còn thở là tôi sẽ tiếp tục đóng góp sức mình cho xã hội.
Doanh nhân Lê Thu Hằng |
Tình hình dịch bệnh như hiện nay chắc hẳn sẽ không thể kết thúc sớm. Chị có dự định nào tiếp theo trong việc kêu gọi và đóng góp cho Nhà nước thời gian tới?
Với bối cảnh dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung đang bị ảnh hưởng sâu sắc. Trong tình hình phức tạp này, tôi chỉ cố gắng tìm một con đường thích nghi đúng đắn cho doanh nghiệp của mình. Từ đó, tôi mong là Công ty tôi sẽ giữ cho nhiều cá nhân không rơi vào cảnh thất nghiệp cũng như đóng được một nguồn thuế hợp lý cho đất nước. Bên cạnh đó, tôi dự định vẫn sẽ tiếp tục hành trình thiện nguyện trong khả năng của mình. Sau đại dịch Covid-19, tôi đã nhận ra “cho đi” chính là giá trị sống đích thực trong cuộc đời này. Tôi hạnh phúc với việc phát từng phần ăn, từng ổ bánh mỳ cho người vô gia cư mỗi đêm, gửi tận tay từng phần quà đến các bệnh nhân nghèo.
Doanh nhân Lê Thu Hằng phát quà cho những người nghèo trên địa bàn TP. HCM. |
Được biết, doanh nghiệp của chị hoạt động xuất nhập khẩu - một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch Covid-19. Chiến lược để doanh nghiệp có thế tồn tại và phát triển trong thời gian tới của Chị là gì?
Ngay sau đợt bùng phát đầu tiên nổ ra, tôi cùng Ban Lãnh đạo Công ty đã xác định dịch sẽ diễn ra lâu dài, từ đó, Công ty nhanh chóng đưa ra một phương án hoạt động “sống chung với lũ”. Cả Công ty đã đồng ý là phải ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa ứng dụng của công nghệ vào kinh doanh, quản lý cũng như phát triển doanh nghiệp. Tôi đã đẩy mạnh các sản phẩm của Công ty trên các sàn thương mại điện tử. Các cuộc họp, hội nghị tất cả đều hoạt động online. Khâu vận chuyển cũng ứng dụng máy móc nhiều nhất có thể để hạn chế sự tương tác của nhân viên.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh kéo dài buộc chúng tôi phải tinh giảm biên chế. Đây là điều đáng buồn nhất trong thời điểm khó khăn này. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu và vận chuyển trong nước cũng gặp nhiều khó khăn. Việc kết nối giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang bị trì hoãn vì lệnh giãn cách. Thực sự, chúng tôi có những “cuộc hẹn mà chưa có ngày hẹn”.
Công ty TNHH Dịch vụ Xuất nhập khẩu Á châu có được uy tín và gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Bí quyết thành công là gì?
Đầu tiên, tôi luôn lấy giá trị thực chất làm kim chỉ nam trong mọi bước tiến của Công ty. Nếu không thể cung cấp một giá trị thực chất cho đối tác, cho khách hàng, Công ty sẽ không thể thành công. Do đó, tôi đã dành nhiều năm để nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm của Công ty trước khi tung ra thị trường.
Thứ hai, tôi nghĩ đằng sau sự thành công của Công ty là tất cả những đóng góp của toàn bộ nhân viên. Tôi tự hào mà nói đã có những thế hệ nhân viên rất tài năng, nhiệt huyết, tận tâm, tận lực. Vì vậy, mỗi dự án mà tôi triển khai đều may mắn là được chu toàn và thành công.
Doanh nhân Lê Thu Hằng |
Trên con đường phát triển sự nghiệp của mình, đã bao giờ chị gặp phải những trở ngại vì là phụ nữ?
Tôi cũng như các nữ Lãnh đạo doanh nghiệp khác, đã là phụ nữ làm kinh doanh chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế. Nhưng cá nhân tôi không để những khó khăn trong ngành tác động đến công việc của mình. Có chăng, tôi chỉ cảm thấy khó khăn vì nhiều khi công việc quá bận rộn, tôi chưa cân đối được thời gian, năng lượng hợp lý giữa công việc và gia đình.
Chị có nhắn nhủ gì cho các thế hệ trẻ để vừa trở thành một doanh nhân thành công?
Tôi rất ngương mộ thế hệ trẻ, các bạn bây giờ có điều kiện và giỏi hơn chúng tôi khi xưa rất nhiều. Nếu tôi có điều gì hơn các bạn, chắc có lẽ chỉ là kinh nghiệm sau nhiều năm kinh doanh. Nếu có cơ hội, tôi mong sẽ được mang toàn bộ kinh nghiệm thực tế của mình cho những ai cần. Dù các bạn trẻ sẽ có vấp ngã trong quá trình làm việc, tôi tin là bất cứ ai làm việc với lòng nhiệt huyết và đam mê thì chắc chắn sẽ thành công.
Xin cám ơn những đóng góp của chị đối với xã hội. Chúc chị mạnh khỏe và thành công hơn nữa!
| Tấm lòng nhỏ, ý nghĩa lớn giữa mùa dịch Covid-19 Với phương châm “ai có gì ủng hộ nấy, tấm lòng nhỏ ý nghĩa lớn”, CEO Lê Thu Hằng và doanh nghiệp của mình luôn ... |
| MC Trịnh Lê Anh: Từ thiện, làm sao để không gặp 'cành cong'? Tiến sỹ, MC Trịnh Lê Anh (Trưởng Bộ môn Quản trị Sự kiện, Khoa Du lịch, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ... |
| Hội cựu sinh viên Việt Nam tại Australia: Quyên góp từ thiện giúp đỡ trẻ em khó khăn trong nước Mới đây, Hội cựu sinh viên Việt Nam tại Australia (VAA) ở bang New South Wales đã tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm một ... |