Thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Quảng Ninh. (Nguồn: ITC Việt Nam) |
Quảng Ninh ở vị trí chiến lược, thuận lợi có đường biên giới cả trên bộ, trên biển và trên không với Trung Quốc - thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn đứng đầu thế giới, là “cửa ngõ” của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và ra thế giới.
Lợi thế sẵn có
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia phát triển. Đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với những lợi thế sẵn có tại Quảng Ninh.
Thời gian qua, tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các chương trình hội nghị, tọa đàm, tập huấn và tuyên truyền các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, nông nghiệp, giúp doanh nghiệp trong tỉnh nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cụ thể, Quảng Ninh tăng cường đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử gắn với hoạt động chuyển đổi số toàn diện; thực hiện thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định thương mại (FTA) với Việt Nam, như FTA với ASEAN (AFTA), Hiệp định Khung về hợp tác kinh tế ASEAN-Trung Quốc, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc để thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, FTA với châu Âu (EVFTA)...
Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp Quảng Ninh từng bước bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Quảng Ninh tăng 13,6% so với cùng kỳ 2022. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp một phần không nhỏ của thương mại điện tử.
Theo báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, chỉ số của Quảng Ninh năm 2022 xếp hạng 11 trong tổng số 58 tỉnh, thành phố được khảo sát.
Doanh số thương mại điện tử nội địa ước chiếm 12% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tỷ lệ dân số Quảng Ninh tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 40%.
Ngoài ra, giá trị giao dịch thương mại điện tử của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu.
Quảng Ninh ở vị trí chiến lược, thuận lợi để đưa hàng hóa sang Trung Quốc và ra thế giới. (Nguồn: BQN) |
Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu
Không thể phủ nhận, thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Thứ nhất, giúp doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt được thông tin của khách hàng, cải tiến sản phẩm đáp ứng nhu cầu nhanh hơn.
Thứ hai, chuyển đổi số và toàn cầu hóa cùng cộng hưởng, không chỉ giúp toàn cầu hóa sản phẩm mà còn toàn cầu hóa thương hiệu sản phẩm.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Quảng Ninh nói riêng, thực tế cho thấy, thương mại điện tử và bán hàng xuyên biên giới đang mở ra những cơ hội mới và tiềm năng lớn. Việc tham gia vào thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng trên toàn quốc và thậm chí trên toàn thế giới, điều này mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo ra nguồn thu lớn.
Tuy nhiên, cùng với lợi thế, việc đưa thương mại điện tử xuyên biên giới vào xuất khẩu cũng đặt ra một số khó khăn và thách thức. Đơn cử như, các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề về cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia; một số quy trình hải quan và vận chuyển quốc tế phức tạp; khó khăn trong hệ thống chính sách, pháp luật...
Để gỡ khó cho doanh nghiệp Quảng Ninh, theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tỉnh cần có sự chỉ đạo quyết liệt, nhất quán của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp. Tăng cường sự tiếp cận với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương.
Ông nhấn mạnh: "Song song với đó, cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới, nâng cao tuyên truyền phổ biến pháp luật và có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông như: tiếp cận vốn, logistics, hạ tầng, thông quan hàng hoá qua cửa khẩu...".
Còn Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thể thì cho rằng, cần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, tiếp tục giảm thiểu các thủ tục không cần thiết, rút ngắn các thủ tục xuất nhập khẩu thương mại, đầu tư. Khuyến khích, phát triển các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường rút ngắn giai đoạn thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy mạnh mẽ hơn kinh tế số và thương mại điện tử, nhằm hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử… tạo thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp và minh bạch hóa trong công tác điều hành, quản lý Nhà nước.
Ông Phạm Văn Thể đề xuất: "Các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của Quảng Ninh và Việt Nam ra thị trường nước ngoài, tập huấn cho các doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu không chỉ đối với thị trường Trung Quốc mà trong tất cả các quốc gia đã ký kết FTA với Việt Nam. Có lộ trình cắt giảm thuế quan, tiến tới phi thuế quan, giảm hoặc xóa bỏ thuế quan sẽ thuận lợi và giảm chi phí cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu".