Diễn đàn còn có sự tham dự của Ban Giám hiệu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng 27 Giáo sư, sinh viên cao học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ngoài ra, 50 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và 200 sinh viên xuất sắc tại các trường đại học tại Hà Nội cũng góp mặt.
Phát biểu mở đầu diễn đàn, Đại sứ Ted Osius đã giới thiệu những hỗ trợ của Chính phủ Mỹ cho khởi nghiệp tại Việt Nam, tiêu biểu là cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo của Đại sứ quán vào năm 2017. Sau bài phát biểu, Đại sứ Ted Osius đã trả lời nhiều câu hỏi của các cựu sinh viên, sinh viên các trường Đại học về hỗ trợ vốn đầu tư, visa, và kết nối các trường đại học trong việc thúc đẩy thương mại hóa nghiên cứu khoa học.
Tại sự kiện, ông Đỗ Hoài Nam - đại diện Công ty cổ phần Up đã trao Thẻ thành viên danh dự trọn đời cho Đại sứ Ted Osius.
Đại sứ Ted Osius phát biểu tại Diễn đàn. (Nguồn: BTC) |
Giáo sư Đinh Văn Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa đã đọc tham luận về công tác đưa nghiên cứu khoa học vào thực tiễn tại trường. Về phía Học viện Công nghệ Massachusetts, Giáo sư Neil Hartman và các đại diện là Aileen Hagerman (ứng dụng phân tích nhu cầu thời trang), Min Hao Wong (ứng dụng cảm biến trong nông nghiệp) và Matt Carey (thiết bị mô phỏng cử động) đã trình bày cách thức MIT thương mại hóa các nghiên cứu khoa học cụ thể thông qua các quy trình rõ ràng với những hỗ trợ thiết thực từ phía Học viện MIT.
Giáo sư Đinh Văn Phong, Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc BKholding, bà Lisa Danielle Conn - cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng Thống Obama, phụ trách các dự án Trí tuệ nhân tạo tại MIT, ông Min Hao Wong và anh Trần Quang Hưng - Phó Ban Thanh niên trường học Thành đoàn Hà Nội đã trao đổi về những cách thức phối hợp giữa MIT và các trường đại học tại Hà Nội để đẩy mạnh thương mại hóa nghiên cứu khoa học công nghệ.
Các diễn giả của Tọa đàm Thương mại hóa nghiên cứu khoa học. (Nguồn: BTC) |
Anh Trần Quang Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn chia sẻ: "Nghiên cứu khoa học luôn là một trong những hoạt động được chú trọng tại tất cả các trường Đại học. Tuy nhiên, các sản phẩm của quá trình nghiên cứu chưa được đưa ra ứng dụng tại thị trường một cách rộng rãi, mà nói vui là hay bị ‘bỏ xó’. Từ ví dụ của MIT, chúng ta có thể thấy những bước rõ ràng để xây dựng các hệ thống hỗ trợ ngay trong các trường đại học, để nghiên cứu của sinh viên và giảng viên có thể được thương mại hóa, tiếp cận với thị trường và nhà đầu tư".