📞

Thương mại Nga-Trung Quốc cao nhất mọi thời đại, cảng Vladivostok có tạo thêm đột phá cho quan hệ 'không giới hạn'?

Hải An 08:15 | 08/06/2023
Kim ngạch thương mại Trung Quốc-Nga trong tháng 5/2023 đạt mức cao kỷ lục. Việc Bắc Kinh đưa cảng Vladivostok ở Viễn Đông Nga trở thành cảng trung chuyển hứa hẹn thúc đẩy thương mại song phương tăng vọt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung ngày 21/3 tại Moscow. (Nguồn: AFP/Sputnik)

Kim ngạch thương mại cao kỷ lục

Theo số liệu chính thức do Trung Quốccông bố hôm 7/6, tổng kim ngạch thương mại của nước này với Nga trong tháng 5 vừa qua đã tăng vọt lên mức cao chưa từng thấy kể từ khi Moscow bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Theo đó, giá trị thương mại giữa hai nước vào tháng 5/2023 đạt 20,5 tỷ USD, với hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga trị giá 11,3 tỷ USD.

Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ tháng 2 - phá vỡ chuỗi tăng trưởng kéo dài hai tháng từ sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19.

Lạm phát toàn cầu gia tăng, nguy cơ suy thoái kinh tế ở nhiều nước và căng thẳng địa chính trị với Mỹ đã làm suy yếu nhu cầu đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Theo dữ liệu của cơ quan hải quan Trung Quốc, năm 2022, nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với giá trị thương mại đạt mức kỷ lục 190 tỷ USD.

Tại cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết thúc đẩy thương mại lên 200 tỷ USD vào năm 2023. Hai nhà lãnh đạo đều ca ngợi mối quan hệ đối tác "không giới hạn".

Tháng trước, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, năng lượng Nga cung cấp cho Trung Quốc sẽ tăng 40% trong năm nay.

Số liệu công bố hôm 7/6 cũng cho thấy, xuất khẩu hàng Trung Quốc sang Nga tăng 75,6% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Trong khi đó, thương mại giữa quốc gia Đông Bắc Á với hầu hết các thị trường lớn ở châu Âu và Mỹ giảm.

Các nhà phân tích của Capital Economics nhận định: “Dữ liệu thương mại của tháng 5 cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng Trung Quốc giảm”.

Chờ cú hích từ cảng Vladivostok

Thương mại giữa Trung Quốc, đặc biệt là khu vực Đông Bắc nước này với Nga sẽ được thúc đẩy hơn nữa với việc Bắc Kinh quyết định đưa thêm cảng Vladivostok của Nga vào danh sách cảng trung chuyển để vận chuyển hàng hóa thương mại nội địa xuyên biên giới. Quyết định này đã có hiệu lực từ ngày 1/6, trong bối cảnh nhu cầu phát triển kinh tế khu vực ngày càng tăng.

Vladivostok hiện là cảng lớn nhất của Nga trên Thái Bình Dương, còn được biết đến với tên lịch sử là Haishenwai trong tiếng Trung Quốc, cho phép các thương nhân đa dạng hóa các tuyến đường và cắt giảm chi phí vận chuyển, đặc biệt là giữa các trung tâm công nghiệp ở phía Đông Bắc và các trung tâm sản xuất, thương mại ở Nam Trung Quốc.

Các chuyên gia cho biết, cảng trung chuyển mới, như một cơ chế hợp tác đôi bên cùng có lợi, dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế khu vực ở Đông Bắc Trung Quốc cũng như Viễn Đông của Nga. Điều này sẽ tạo ra động lực mới cho thương mại và đầu tư song phương.

Từ ngày 1/6, Trung Quốc đưa thêm cảng Vladivostok của Nga vào danh sách các cảng trung chuyển để vận chuyển hàng hóa nội địa qua biên giới tại tỉnh Cát Lâm ở phía Đông Bắc. (Nguồn: Shutterstock)

Theo thông báo gần đây của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), quyết định đưa thêm cảng Vladivostok của Nga vào danh sách các cảng trung chuyển để vận chuyển hàng hóa tại tỉnh Cát Lâm được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh triển khai chiến lược hồi sinh cơ sở công nghiệp cũ ở phía Đông Bắc và thúc đẩy hợp tác với các cảng nước ngoài trong vận chuyển thương mại nội địa xuyên biên giới.

Cảng container Zhoushan Yongzhou và cảng Jiaxing Zhapu ở tỉnh Chiết Giang phía Đông Trung Quốc sẽ được bổ sung làm cảng nhập cảnh để vận chuyển thương mại với Vladivostok.

Trước đây, các tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang ở Đông Bắc Trung Quốc được cho là bị cản trở trong việc phát triển kinh tế và thương mại vì không có đường ra biển.

Theo ông Kang Shuchun, Giám đốc Liên đoàn hậu cần và mua hàng Trung Quốc cho biết: “Tuyến đường trung chuyển thương mại nội địa gần nhất và được sử dụng nhiều nhất trong khu vực hiện nay là qua Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh, với quãng đường di chuyển dài hơn 1.000 km. Trong khi đó, khoảng cách giữa Vladivostok và các trung tâm thương mại lớn của khu vực Đông Bắc Trung Quốc như Suifenhe và Hunchun chỉ khoảng 200 km. Vì vậy, đây được cho là con đường tắt giúp cắt giảm đáng kể chi phí hậu cần”.

Theo ông Kang, với khoảng cách ngắn hơn, phí giao hàng cho mỗi container được vận chuyển từ Hunchun đến cảng container Zhoushan Yongzhou qua Vladivostok có thể giảm ít nhất 2.000 Nhân dân tệ (khoảng 281 USD).

Hiện Trung Quốc có 13 tuyến thương mại với Nga, hầu hết được lên kế hoạch hằng tuần và giao thương qua những nơi này khá tấp nập. Hàng hóa được giao dịch khá đa dạng, từ hàng tiêu dùng cho đến ô tô.

Được biết, sau khi Vladivostok được mở cửa như một cảng thương mại nội địa, việc điều chỉnh hành trình sẽ được thực hiện theo các thỏa thuận sẵn có. Đã có nhiều công ty giao nhận quan tâm đến tuyến đường này.

Các chuyên gia trong ngành nhận định, ngoài việc thúc đẩy nền kinh tế khu vực cũng như hợp tác thương mại giữa Bắc Kinh và Moscow, cảng trung chuyển Vladivostok sẽ cho phép nhiều hàng hóa sản xuất ở Đông Bắc Trung Quốc được xuất khẩu với giá cạnh tranh sang Hàn Quốc, Nhật Bản và thậm chí cả Đông Nam Á.

Ông Zhang Hong, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nói, ngoài việc cung cấp những ưu thế mới cho thương mại hàng hóa số lượng lớn ở Đông Bắc Trung Quốc, cảng trung chuyển Vladivostok sẽ tăng cường hợp tác hậu cần giữa Trung Quốc và vùng Viễn Đông của Nga.

Nhà nghiên cứu này nhận định: “Đầu tư và thương mại trong các lĩnh vực như năng lượng sẽ được khai thác”.

Theo giới truyền thông, trong khi các sản phẩm nông nghiệp và phương tiện giao thông được sản xuất ở Đông Bắc Trung Quốc có thể nhanh chóng được vận chuyển đến thị trường ở phía Nam thông qua tuyến đường mới, các cửa khẩu ở khu vực biên giới lại liên quan đến sự giám sát của hải quan.

Việc đưa Vladivostok của Nga trở thành một phần của hệ thống cảng trung chuyển cho thương mại nội địa là một trong những nỗ lực tiếp theo của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy kinh tế và thương mại khu vực.

Năm 2020, cảng biển Slavyanka và cảng đường cao tốc Kraskino của Nga được đưa vào làm cảng trung chuyển để vận chuyển hàng hóa thương mại nội địa xuyên biên giới ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, cần thời gian để cho thấy hiệu quả kinh tế thực tế của cảng trung chuyển Vladivostok đối với thương mại song phương.

Cảng mới này sẽ là một trong nhiều lựa chọn, chứ không phải là lựa chọn duy nhất. Ông Zhang cho biết, hiện có ba cảng xuyên biên giới ở Cát Lâm đang hoạt động, trong đó có một cảng nối với Triều Tiên và hai cảng còn lại nối tới Nga.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng nhận định, do đất đai rộng lớn và dân số thưa thớt ở Viễn Đông Nga, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể chưa mang lại lợi ích trong thời gian tới.

(theo Global Times, AFP)