TIN LIÊN QUAN | |
Tương lai quan hệ thương mại Mỹ - Nhật hậu TPP | |
Đức - Trung Quốc thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư |
Nếu xét theo tiêu chí này, Đức sẽ được coi là nền kinh tế mạnh nhất thế giới (chứ không phải là Mỹ) vì nước này có mức thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất.
Bất đồng gia tăng
Theo bài viết mới đây trên trang Project Syndicate, thặng dư tài khoản vãng lai năm 2016 của Đức là gần 270 tỷ Euro (297 tỷ USD), tương đương 8,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thặng dư thương mại song phương Đức - Mỹ là 65 tỷ USD càng khiến Berlin đối mặt với “những lời phàn nàn” của Tổng thống Trump.
Ảnh minh họa. (Nguồn: occupy) |
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng liên tục tuyên bố sẽ "nhổ tận gốc" các tập quán thương mại "bất công", ám chỉ các nước "góp phần" làm Mỹ bị thâm hụt cao kỷ lục. Ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp, yêu cầu rà soát lại quan hệ thương mại với 16 quốc gia mà Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn, trong đó có Đức. Thặng dư thương mại của Đức so với Mỹ trong tháng 2 vừa qua chỉ là 3,9 tỷ Euro, mức thấp kỷ lục trong vòng 4 năm qua.
Tuy vậy, với vị thế là một quốc gia thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Đức không có tỷ giá hối đoái riêng nên không thể thao túng tiền tệ nhằm làm lợi cho chính nước này. Ngoài ra, Đức cũng có chính sách “cởi mở” với các mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ, hoặc nói một cách cụ thể hơn, Đức tuân thủ các nguyên tắc chống bảo hộ của Liên minh châu Âu (EU) mà nước này là thành viên.
Mặc dù tăng trưởng ấn tượng nhưng kinh tế Đức vốn dựa nhiều vào xuất khẩu vẫn phải đối mặt với một số nguy cơ, như quá trình đàm phán về Brexit (Anh rời khỏi EU), chủ nghĩa bảo hộ thương mại hay sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.
Mới đây, Cơ quan Thống kê Liên bang Đức cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này trong tháng 3/2017 đã lập các mức cao kỷ lục mới. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tăng 0,4% so với tháng 2/2017, lên 105,4 tỷ Euro (114,9 tỷ USD), trong khi nhập khẩu tăng 2,4% lên 85,8 tỷ Euro. Với kết quả này, thặng dư thương mại của Đức trong tháng Ba ở mức 19,6 tỷ Euro, giảm so với mức 21,2 tỷ Euro trong tháng Hai.
Kim ngạch xuất khẩu của Đức sang các nước EU trong tháng Ba tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước lên 68 tỷ Euro và kim ngạch nhập khẩu của Đức từ nhóm nước này tăng 13,5% lên 61,1 tỷ Euro.
Chính phủ Đức hồi tháng 4/2017 đã nâng nhẹ dự báo về nhịp độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 lên 1,5%, từ mức 1,4% đưa ra hồi tháng Một, sau một loạt tín hiệu tích cực hơn từ nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries khẳng định, kinh tế Đức đang tăng trưởng vững chắc bất chấp các nhân tố bất ổn từ bên ngoài.
Đi tìm lời giải
Theo các chuyên gia, việc Đức có mức thặng dư thương mại lớn không phải vì nước này thao túng tiền tệ hay phân biệt đối xử với hàng hóa nhập khẩu, mà chính bởi Đức vốn tích lũy-tiết kiệm nhiều hơn chi tiêu-đầu tư. Lý do chính là do dân số Đức đang trong giai đoạn già hóa. Chính phủ Đức biết rõ người dân nhận thức được việc phải tiết kiệm cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu. Họ tích lũy tài sản để bán khi cần thiết, nhất là khi họ không còn đủ khả năng kiếm tiền.
Thay vì tập trung vào vấn đề tiền tệ, Thủ tướng Angela Merkel đề xuất cắt giảm thuế. (Nguồn: CDN) |
Đó là lý do vì sao những lời khuyên mà giới lãnh đạo Đức thường nhận được từ phía các cố vấn Nhà Trắng, hay thậm chí là cả một số nhà kinh tế người Đức, rằng Berlin nên từ bỏ đồng Euro và sử dụng đồng tiền riêng của nước này, được coi là vô nghĩa. Việc thay đổi tỷ giá hối đoái không phải là yếu tố làm người Đức thay đổi thói quen dành dụm. Ngoài ra, việc áp dụng tỷ giá hối đoái chắc chắn sẽ hạn chế đầu tư trong những lĩnh vực hàng hóa và thương mại cần nhiều vốn.
Thay vì tập trung vào vấn đề tiền tệ, giới quan sát cho rằng, các nhà lãnh đạo Đức tốt hơn hết là tập trung vào giải quyết những lo ngại và khúc mắc liên quan đến vấn đề tiết kiệm hay đầu tư. Đây cũng là điểm mà hai chính đảng lớn chuẩn bị tham gia các cuộc bầu cử vào tháng Chín tới tại Đức có nhiều bất đồng. Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel đề xuất cắt giảm thuế - động thái được cho là khá hợp lý trong bối cảnh Chính phủ Đức có mức thặng dư ngân sách khá cao (năm 2016 đạt mức kỷ lục là 23,7 tỷ Euro).
Tuy nhiên, không có gì chắc chắn là các hộ gia đình Đức - vốn là những người rất chú trọng tới việc tiết kiệm tài chính, sẽ nới lỏng hầu bao sau khi thu nhập tăng. Giảm thuế đầu tư mạnh hơn nữa đối với các doanh nghiệp Đức cũng có thể kích thích chi tiêu, song điều này có thể kéo theo những rủi ro về chính trị tại một quốc gia nơi nguồn thu ngân sách từ thuế đánh vào người lao động ngày một giảm dần.
Trong khi đó, ứng cử viên Martin Schulz của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) lại đề xuất đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng để kích thích chi tiêu. Tuy vậy, với thực tế mức lãi suất gần như bằng 0% tại châu Âu hiện nay, đầu tư công tăng ít có khả năng trở thành yếu tố khích lệ đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, hiện Đức còn cần nguồn vốn đầu tư tại nhiều lĩnh vực khác như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thông tin liên lạc và cơ sở hạ tầng giao thông.
Vấn đề đặt ra là tại sao Đức lại phải hạn chế mức thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ như hiện nay? Câu trả lời là để tránh khỏi “sự phàn nàn” của người đứng đầu Nhà Trắng. Câu trả lời hay hơn nữa, như cách lý giải của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), là việc Đức giảm thặng dư tài khoản vãng lai sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế toàn cầu, nơi đang rất thiếu các nguồn đầu tư. Điều này cũng sẽ tốt cho Nam Âu, nơi cần đẩy mạnh xuất khẩu, song chỉ khi các nền kinh tế lớn hơn như Tây Âu tăng cường nhập khẩu.
Hơn tất cả, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục sẽ có lợi cho chính nước Đức. Đầu tư công có mục đích rõ ràng sẽ tăng năng suất và cải thiện chất lượng cuộc sống hơn nữa, góp phần giải bài toán về bất công xã hội và giúp Đức khắc phục những lỗ hổng trong nền kinh tế. Có một thực tế là trong số 50 trường đại học hàng đầu thế giới, không có một cái tên nào của Đức. Vì vậy, đẩy mạnh đầu tư công trong lĩnh vực này có thể tạo nên sự khác biệt.
Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và kết nối chuỗi cung ứng Sáng 19/5, tại Hà Nội, cuộc họp “Đối thoại Công - Tư APEC lần thứ ba về Thúc đẩy Thuận lợi hóa Thương mại và ... |
Quan hệ thương mại Mỹ - Canada phát sinh căng thẳng mới Ngày 18/5, Mỹ đã chính thức mở cuộc điều tra chống phá giá đối với các máy bay dự kiến sẽ được nhập khẩu từ ... |
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung: Được và mất Những cáo buộc Trung Quốc là “kình địch kinh tế”, “thao túng tiền tệ” đã tan biến sau khi Bắc Kinh hoàn thành một thỏa ... |