TIN LIÊN QUAN | |
Hãng phim không níu “bầu sữa bao cấp” | |
Người dân Hà Nội thích thú với không gian bao cấp |
Thời bao cấp là những tháng ngày gian khó, nhọc nhằn nhưng quả là một thời kỳ lịch sử đặc biệt, với những câu chuyện "cười ra nước mắt". Ai đã từng sống trong khoảng thời gian này chắc chắn sẽ không quên những câu vè mà đến giờ vẫn được nhắc lại trong những cuộc gặp gỡ bạn bè...
Hạnh phúc từ điều giản dị
Nghĩ về thời bao cấp đã lùi xa từ hơn 30 năm trước, GS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vẫn cho rằng đây quả là một thời kỳ thật đặc biệt của đất nước. Thế nhưng, thời đó, con người sống tràn đầy niềm tin, tình nghĩa và rất gắn bó. Ông nhớ rõ kỷ niệm những lần phải “đặt cục gạch” từ 1, 2 giờ sáng, thậm chí từ tối hôm trước để giữ chỗ. Mỗi người có khi phải cùng lúc xếp hàng ở hai, ba nơi, mỗi nơi, lại đặt một cục gạch đánh dấu vị trí của mình.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể, bà không thể nào quên nét mặt rạng rỡ của một đồng nghiệp khi mua được hai mớ rau muống một lúc tại một cửa hàng mậu dịch. Anh ấy đã hát vang: “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho hai ngày sau”.
Hình ảnh tái hiện cảnh xếp hàng trước cửa hàng mậu dịch tại Triển lãm “Thương nhớ thời bao cấp”. |
“Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thỉnh thoảng nửa đêm đột ngột thấy mình đang giữa thời bao cấp... Sau đó chẳng ngủ tiếp được cứ nằm miên man nhớ lại” - Nhà văn Bảo Ninh, Hội viên hội Nhà văn Việt Nam. |
Có thể thấy, con người thời bao cấp đã biết vượt lên những khó khăn vật chất để tìm thấy niềm vui, để tự động viên mình tiếp tục sống và làm việc. “Trước khi đặt viên gạch xuống, phải dặn những người xung quanh đây là viên gạch của tôi, để họ làm chứng và không bị người khác tranh chỗ. Một mẩu gạch vỡ có muôn hình vạn trạng, nhưng con người ta vẫn đặt niềm tin dành cho nhau”, bà tâm sự.
Bà Phạm Chi Lan chia sẻ, người ta thường giúp đỡ nhau trong những tình huống như thế. Những người đang xếp hàng sẽ tự động đẩy viên gạch lên theo đúng thứ tự. Hình ảnh một dãy gạch dài thẳng tắp là mỗi số phận của mỗi con người, mỗi gia đình khác nhau. Điều đó thể hiện sự thiếu thốn trong thời bao cấp, ai cũng phải trông chờ để mua được một thứ gì đó về cho gia đình.
Trong xã hội bao cấp, mậu dịch viên luôn là những cán bộ có "quyền" rất lớn bởi cơ chế xin cho vẫn còn nặng nề. Là những người nắm trong tay quyền quyết định người khác có được mua hàng hay không nên thường xuyên bắt gặp hình ảnh những cô mậu dịch viên “không biết cười” hoặc “suốt ngày cau có”.
Thế nhưng, bà Phạm Chi Lan vẫn nặng lòng về hình ảnh một người mậu dịch viên tên Thủy. Khi đó, bà đang mang bầu, mỗi lần ra xếp hàng, chị Thủy đều nói mọi người nhường cho bà mua trước. Khi gần hết hàng, chị thường nhẹ nhàng nói với những người đến sau: “Gần hết hàng rồi, mọi người đừng xếp hàng nữa mất công, ngày mai trở lại.” Chính những cử chỉ nhỏ như thế đã góp phần động viên lẫn nhau để cùng vượt qua khó khăn.
“Cái thời bao cấp lạ lùng ấy. Tôi nói lạ lùng bởi đến giờ phút này, thật khó phân định rằng nó dở tệ, nó tai hại, hay nó cho tôi được một quãng đời êm đềm, thanh thản. Cái gì qua thì đã qua, và thời gian luôn làm cho người ta bao dung hơn. Tôi nghĩ, dù sao thì những tình thế như thời bao cấp đã làm phát lộ phẩm chất hóm hỉnh, hài hước của dân ta. Thương nhớ thời bao cấp để thấy rằng, về căn bản, mọi sự bây giờ đã khác, rất khác” - Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. |
“Cái khó ló cái khôn”
Với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bối cảnh nước ta khủng hoảng những năm trước Đổi Mới là do ba nguyên nhân: hậu quả chiến tranh, tình trạng bị cô lập kinh tế và cơ chế tập trung bao cấp. Theo bà, hệ thống kinh tế thời bao cấp không phù hợp với điều kiện phát triển và điều kiện tự nhiên của nước mình. Nhưng nhờ đó mà sức sống tự thân thời bao cấp của những người làm kinh tế tư nhân được dịp phát triển. Vì vậy, trong cái khó, cái nghèo đói mà người lao động phải tự “ló cái khôn”. Nó giống như cây cỏ, cho dù có đè nén, không công nhận thì nó vẫn vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Bà chia sẻ, thời bao cấp, tất cả mọi thứ nhu yếu phẩm nhà nước đều quyết định, từ mớ rau, lạng thịt đến cân đường, hộp sữa... Những tiểu thương thường buôn bán bằng cách đến gõ cửa từng nhà để bán hàng. Thời đó, họ được gọi bằng một cái tên không mấy tôn trọng là “con phe”. Theo tiêu chuẩn nhà nước, con trai bà được phát 1 lạng thịt trong một tháng. Để cải thiện bữa cơm cho con, bà phải thường xuyên mua thịt ở bên ngoài của một người phụ nữ tên Loan. Chính nhờ những “con phe” như bà Loan mà bữa ăn của nhiều gia đình thời đó được cải thiện, đủ chất hơn.
Đối với sản xuất nông nghiệp, hầu hết các hộ nông dân sống được nhờ "mảnh ruộng 5%". Đó là mảnh vườn để trồng trọt chăn nuôi thêm, từ đó có thêm thu nhập cho mỗi hộ gia đình. Bà Lan cho rằng: “95% ruộng đưa vào hợp tác xã không đủ bữa cơm mỗi ngày nhưng 5% ruộng còn lại thì có thể nuôi sống họ.”
“Sức sống tự nhiên của người dân đã phần nào giúp ích cho xã hội. Điều đó chứng minh rằng cơ chế có thể bị hạn hẹp, tư duy có thể bị hạn chế bởi kinh tế bao cấp nhưng tự thân người dân có thể nuôi dưỡng và hỗ trợ cho nhau sống vui vẻ”, bà khẳng định.
GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ, ở cơ quan ông có người cả tháng không cắt được ô tem phiếu nào, vì cửa hàng chỉ có cám, không có gạo mà bán. Những cảnh ăn độn bo bo, gạo hẩm, gạo mọt... khá phổ biến.
“Gạo chỉ có Nhà nước cung cấp, ai có quê thì còn ghé về quê mua được mớ rau, con cá, củ khoai mang lên ăn kèm, chứ gạo mà mất sổ thì coi như nhịn ăn cả tháng. Cũng vì thế mà có cụm từ “ăn vã” dành cho trẻ con, thức ăn là phải kèm cơm, ăn thức ăn không là ăn vã, hoang phí, thế nào cũng bị mắng. Hộ khẩu cũng vậy, nếu bị cắt là không còn gì, toàn bộ nhu yếu phẩm bị cắt hết”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, khi nhìn lại, chính sự khó khăn lại là động lực để người ta thay đổi một cách toàn diện và trong sự thiếu thốn đó, người ta lại thương yêu nhau hơn. Có thể khẳng định, tinh thần cố gắng, tự bươn chải của người dân Việt Nam không chỉ thể hiện trong chiến tranh, mà trong cuộc sống thường nhật mỗi ngày, tinh thần đùm bọc lẫn nhau, “lá lành đùm lá rách” ấy cũng được phát huy, như một đức tính quý báu của người Việt.
Trung tâm thương mại đã hết thời? Thực tế này đến từ sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người dân và sự bùng nổ của thương mại điện tử. |
Nhà giá thấp "tái hiện" nhà tập thể bao cấp? "Với loại nhà bao cấp ngày xưa, tôi vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân. Trước đây, khi lãnh đạo TP Hà Nội, tôi ... |
Hình ảnh Việt Nam xuất hiện trên toàn thế giới Ngày 14/7 tới đây, đài truyền hình NBC sẽ quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến với 170 quốc gia trên toàn thế giới ... |