Phiên họp của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn quyết định cho phép Thụy Điển gia nhập NATO tại Ankara, ngày 26/12. (Nguồn: BSS/AFP) |
Với quyết định trên, Thụy Điển đã tiến đến gần hơn với tư cách thành viên NATO mà quốc gia Bắc Âu này vẫn đang tìm kiếm kể từ sau khi xung đột quân sự bùng nổ tại Ukraine.
Tiếp theo, nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển sẽ được đưa ra thảo luận tại đại hội đồng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, nơi liên minh cầm quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chiếm đa số ghế.
Stockholm vẫn phải chờ phiên họp này thông qua mới có thể “đặt một chân” vào NATO. Hiện Ankara vẫn chưa ấn định ngày họp.
Thụy Điển cùng với Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm 2022 do những lo ngại về an ninh liên quan đến việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan nhưng lại phản đối đơn xin gia nhập của Thụy Điển, cáo buộc Stockholm bảo vệ các nhóm bị Ankara coi là khủng bố, chẳng hạn như một số tổ chức hoặc nhóm người Kurd thân cận với giáo sĩ Fethullah Gulen - nhân vật bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ chủ mưu vụ đảo chính thất bại hồi năm 2016.
Nếu đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển được quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn, Tổng thống Erdogan sẽ ký luật ban hành chính thức, qua đó khép lại một quá trình đã kéo dài suốt 19 tháng qua khiến một số đồng minh của Ankara thất vọng, trong khi mối quan hệ giữa quốc gia này với phương Tây cũng phải đối mặt với không ít thử thách.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, hiện vẫn còn Hungary cũng chưa chấp thuận tư cách thành viên NATO đối với Thụy Điển. Tuy nhiên, Ankara vẫn được xem là trở ngại lớn nhất đối với Stockholm trong việc gia nhập NATO và giúp tăng cường năng lực của liên minh quân sự này tại khu vực Biển Baltic.