“Thư phê chuẩn” được Tổng thống Mỹ ký có nội dung hoan nghênh Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Đây là bước chấp thuận cuối cùng của Mỹ đối với 2 quốc gia Bắc Âu và được coi là một phần của quá trình định hình lại thế trận an ninh tại châu Âu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Khoảnh khắc Tổng thống Mỹ Joe Biden ký 'thư phê chuẩn', đồng ý cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. (Nguồn: AP) |
Phát biểu sau khi đặt bút ký vào văn bản trên, ông Biden chia sẻ: “Đây là một thời khắc mang tính bước ngoặt… đối với nền an ninh và ổn định to lớn hơn không chỉ của châu Âu và nước Mỹ, mà còn cả thế giới”.
Tổng thống Biden nhận định, Phần Lan và Thụy Điển sẽ trở thành “đồng minh mới vững chắc, đáng tin cậy và có năng lực tốt” nhờ việc thực hiện “cam kết thiêng liêng” về phòng thủ lẫn nhau trong liên minh xuyên Đại Tây Dương do Washington dẫn đầu.
Đầu tháng 8 này, với tỷ lệ 95 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của 2 quốc gia Bắc Âu, đưa Mỹ trở thành nước thứ 23 trong số 30 quốc gia thành viên của tổ chức này đưa ra sự tán thành chính thức.
Biến chính sách khôi phục các liên minh truyền thống của Mỹ trở thành nền tảng trong chính quyền của mình, ông Biden ca ngợi NATO là “nền tảng của an ninh Mỹ”, đồng thời khẳng định: "Mỹ luôn nỗ lực vì liên minh xuyên Đại Tây Dương".
Ông cũng ca ngợi Phần Lan và Thụy Điển, đánh giá rằng “thể chế dân chủ vững chắc, quân đội mạnh, nền kinh tế bền vững và minh bạch” của 2 quốc gia Bắc Âu sẽ hỗ trợ cho NATO.
Theo Hiến chương NATO, việc kết nạp thành viên mới cần phải nhận được sự tán thành của tất cả 30 quốc gia thành viên hiện nay của liên minh, thông qua quá trình đàm phán với rất nhiều thủ tục. Thông thường, việc kết nạp thành viên mới thường cần khoảng từ 8-12 tháng.
Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết đã nói chuyện với nguyên thủ của cả hai quốc gia Bắc Âu trước khi ký phê chuẩn và kêu gọi các thành viên NATO còn lại hoàn thành quá trình phê chuẩn của riêng họ “càng nhanh càng tốt”.