Khu chợ hải sản ở Nijo Ichiba, trung tâm Sapporo, Nhật Bản. (nguồn: Japan Guide) |
Sản lượng và giá cả ổn định
Theo Niên giám thống kê của Cục Thống kê Nhật Bản, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng của Nhật Bản năm 2015 là 1,06 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2014. Sản lượng thủy sản nuôi trồng đã chiếm 22,8% tổng sản lượng thủy sản của Nhật Bản.
Sự gia tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng trong hệ thống siêu thị là một bằng chứng cho thấy sự thay đổi trong cách bán hàng của các nhà bán lẻ và thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân. Với những biện pháp công nghệ hiện đại trong chăn nuôi, nguồn thức ăn được đảm bảo, thủy sản nuôi ngày càng được ưa chuộng hơn.
Thêm vào đó, sự thay đổi này càng được đẩy mạnh do sự phát triển của các chuỗi siêu thị với các chương trình khuyến mãi có quy mô lớn, yêu cầu số lượng hàng lớn hơn.
Bên cạnh đó, những công ty hoạt động trong ngành công nghiệp thực phẩm từ lâu đã ưa thích thủy sản nuôi vì giá cả và nguồn cung cấp ổn định hơn. Điều đó cho phép họ chủ động hơn trong việc lên chiến lược về giá đối với người tiêu dùng. “Giờ đã đến lúc các nhà bán lẻ cũng mong muốn có được sự ổn định đó”, đại diện Seafood Source nhấn mạnh.
Do dân số giảm và việc áp dụng các chế độ ăn theo kiểu phương Tây nên sức tiêu thụ thủy sản tại Nhật Bản đang giảm xuống. Tuy nhiên, sự bùng nổ và ngày càng phổ biến của món sushi đã đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu cá cam Nhật, đặc biệt là vào thị trường Bắc Mỹ. Khối lượng xuất khẩu cá cam philê đông lạnh trong năm 2015 là 6.569 tấn, tăng 60% trong ba năm qua. Được biết, 2016, ước tính giá trị xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản đã tăng 18%, lên tới 275,7 tỉ Yên (2,65 tỷ USD). |
Một số mặt hàng có giá thấp hơn như: cá mòi, cá thu, cá thu ngựa và cá thu đao, là những loài thường được trữ đông. Giá cả và sự rủi ro của thị trường đầy biến động khiến những mặt hàng này thường bị mất giá. Vì vậy, một xu hướng mới mà các nhà bán lẻ và chuỗi nhà hàng áp dụng là lưu trữ số lượng các mặt hàng này ít hơn, ví dụ như giảm số lượng từ 10 - 20% xuống còn 5%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm cũng đã “bắt tay” với các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản để có nguồn cung sản phẩm ổn định, giá thành đầu vào thấp và tăng lợi nhuận.
Trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn cho vật nuôi chiếm phần chi phí lớn nhất. Do vậy, kiểm soát chi phí cho thức ăn là chìa khóa để duy trì và gia tăng lợi nhuận. Trong khi đó, theo luật thủy sản của Nhật Bản, các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản có quyền ưu tiên đầu tiên, trước cả các tập đoàn, các trang web nuôi trồng thủy sản.
Cũng đã có một xu hướng để thay thế “văn hóa cá cam Nhật tự nhiên” bằng cá ngừ vây xanh có lợi hơn, mặc dù cá ngừ Mexico nhập khẩu vẫn có lợi thế về giá trên thị trường.
Do dân số giảm và việc áp dụng các chế độ ăn theo kiểu phương Tây nên sức tiêu thụ thủy sản tại Nhật Bản đang giảm xuống. (Nguồn: Seafood News) |
Nuôi trồng thủy sản với công nghệ cao
Theo The Fish Site, các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản ở Nhật Bản đang ngày càng áp dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi, trong đó có sử dụng các robot thông minh.
Năm 2014, tại tỉnh Tottori miền Tây Nhật Bản - nơi ngành nuôi trồng cá hồi rất phát triển, các hộ nuôi cá đã áp dụng công nghệ mới, sử dụng robot cho ăn tự động có tên Nissui. Những con robot này sẽ cung cấp đủ lượng thức ăn cho cá nuôi ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu.Chúng được gắn chip cảm biến để nhận biết xem cá đang ăn thức ăn hay không. Dựa trên các kết quả thu được, lượng thức ăn cho cá được phân phối bởi những máy xay của robot được điều chỉnh, giúp làm giảm lượng thức ăn dư thừa, nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tác động đối với môi trường biển.
Ngoài ra, các robot này còn được gắn cảm biến để đo lượng oxy trong nước, nhiệt độ nước và cả một chiếc máy ảnh, giúp người nuôi cá có thể kiểm tra thông tin về hồ cá trên máy tính hoặc điện thoại thông minh một cách dễ dàng.
Gần đây, nhà điều hành viễn thông DoCoMo cũng phát triển thiết bị đo nhiệt độ nước biển với chiếc phao thông minh tại trang trại nuôi hàu và rong biển ở khu vực Tohoku, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất sóng thần ngày 11/3/2011.
Mục đích của DoCoMo là cải thiện năng suất của các trang trại nuôi hàu và rong biển bị ảnh hưởng bởi thảm họa sóng thần và giúp họ sản xuất các sản phẩm chất lượng cao.
Tám chiếc phao thông minh đã được đặt tại các trang trại ở thành phố Higashi Matsushima, tỉnh Miyagi. Ở độ sâu 1,5 - 2m, những chiếc phao này đo nhiệt độ nước mỗi giờ. Dữ liệu được chuyển tới một máy chủ, cung cấp thông tin đến điện thoại di động của các chủ trang trại.
Nuôi trồng thủy sản công nghệ cao đã được phát triển để trang trải sự suy giảm trong sản lượng đánh bắt cá. (Nguồn: Japan Hoppers) |
Các thử nghiệm trên phao thông minh đã được DoCoMo bắt đầu tiếng hành vào tháng 3/2016 và dự kiến sẽ kéo dài 1 năm. Nếu đạt kết quả tốt, công ty này sẽ chia sẻ và phát triển công nghệ của họ với các trang trại nuôi cá trên khắp Nhật Bản, đồng thời sẽ trang bị thêm nhiều cảm biến đo các thông số khác (như hướng gió, tốc độ gió, độ cao sóng và thông tin thời tiết) để ngư dân có thể nâng cao năng suất thu hoạch hàu và rong biển vào đúng thời điểm trong năm.
Hơn thế nữa, với xu hướng ưa thích sử dụng thủy sản nuôi ngày càng gia tăng của người Nhật, một số công ty nuôi trồng đang cố gắng tạo sự khác biệt cho thương hiệu sản phẩm của mình như tuyên bố công khai về nguồn gốc và thành phần thức ăn cho cá của họ như: lá trà, cỏ chanh, thảo dược hoặc thậm chí là vỏ cam, chanh để loại bỏ mùi tanh.