Ngày 25/4, Thụy Sỹ đã chính thức trở thành thành viên sáng lập thứ 37 của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. Cùng với sự kiện này, Thụy Sỹ cam kết sẽ đầu tư hơn 700 triệu USD vào nguồn vốn chung 100 tỷ USD của AIIB. Sau khi hoàn thiện các thủ tục, Thụy Sỹ đã có thể cung cấp số vốn góp đầu tiên trị giá 28,26 triệu USD.
Ngoài ra, từ nay, Thụy Sỹ được tham gia đề cử thành viên vào Ban Thống đốc, có quyền hạn đối với Ban Giám đốc của ngân hàng, đồng thời có quyền đóng góp ý tưởng trong quá trình xây dựng thể chế cho AIIB. Trong dịp này, Thụy Sỹ cũng đã đề xuất Tổng thống Johann Schneider-Ammann và Ngoại trưởng Didier Burkhalter vào các vị trí Thống đốc và quyền thống đốc của AIIB.
Tranh biếm họa về sức hấp dẫn của AIIB. (Nguồn: Greatsilkroad.com) |
Tuy Mỹ và một số nước hiện đang chỉ trích việc Trung Quốc thành lập AIIB, song Thụy Sỹ lại hoan nghênh bước đi này của Bắc Kinh, đồng thời coi việc trở thành thành viên của AIIB là công cụ để củng cố các lợi ích chính trị và kinh tế tại khu vực châu Á.
AIIB được chính thức thành lập vào ngày 25/12/2015 và đặt trụ sở tại Bắc Kinh, tính đến nay đã có 57 thành viên, với số vốn cơ bản 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là những cổ đông lớn nhất. Trung Quốc chiếm 30,34% cổ phần và nắm giữ 26,06% quyền biểu quyết. AIIB bắt đầu đi vào hoạt động ngày 16/1/2016, dự kiến sẽ cung cấp các khoản cho vay đối với các dự án đầu tư đầu tiên vào giữa năm 2016.
Ngân hàng AIIB là thể chế tài chính đa phương mới, cung cấp hỗ trợ tài chính cho hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối khu vực châu Á. Nhiều đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Italy, Đức… đã gia nhập AIIB, bất chấp sự phản đối của Mỹ. Mối lo ngại lớn của Mỹ là việc Trung Quốc sẽ có quyền phủ quyết các quyết định cho vay, tương tự vai trò của Mỹ ở Ngân hàng Thế giới (WB).
Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ nhìn thấy lợi ích trong việc gia nhập AIIB. Hiện nhu cầu đầu tư hạ tầng ở châu Á dự kiến sẽ rất lớn. Ước tính châu Á sẽ cần khoảng 8.000 tỉ USD đầu tư hạ tầng trong vòng 10 năm tới và AIIB sẽ là một kênh đầu tư quan trọng. Các nước hy vọng, việc gia nhập AIIB sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước họ kiếm được hợp đồng đầu tư tại châu Á trong thời gian tới.