Chương trình giúp các bạn sinh viên hiểu rõ về lịch sử quê hương đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. (Ảnh: Xuân Sơn) |
Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) và kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Học viện Ngoại giao phối hợp với Bảo tàng tuổi trẻ Việt Nam và Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tổ chức chương trình “Tuổi trẻ DAV và biển đảo quê hương”.
Đến dự chương trình, về phía Học viện Ngoại giao có: Chủ tịch Công đoàn Học viện Ngoại giao, Phó Chánh Văn phòng Học viện Ngoại giao Đỗ Tư Hiền, Trưởng phòng đào tạo Học viện Ngoại giao Hoàng Mai Hương, Trưởng khoa Lý luận chính trị, TS. Lý Thị Hải Yến; về phía các đơn vị phối hợp có: Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam Nguyễn Việt Hùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương Trần Vũ Thành.
Phát biểu khai mạc, Trưởng khoa Lý luận chính trị Lý Thị Hải Yến cho biết, trong trái tim của người dân Việt Nam, biển đảo là một phần thiêng liêng không thể tách rời. Khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển ngày 10/4/1956, Bác Hồ đã nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển”.
Cha ông ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, xuống biển để khai phá xây dựng non nước, biển cả vốn là một phần gia tài mà cha ông ta từ ngàn xưa vốn đã hy sinh xương máu và công sức gìn giữ, truyền lại cho con cháu. Ngày hôm nay, tình yêu Tổ quốc đi đôi với trách nhiệm của mỗi công dân trước số phận dân tộc.
Trưởng khoa Lý luận chính trị, TS. Lý Thị Hải Yến phát biểu khai mạc chương trình “Tuổi trẻ DAV và biển đảo quê hương”. (Ảnh: Xuân Sơn) |
Trong chuyên đề “Tự hào một dải non sông”, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương Trần Vũ Thành chia sẻ về đời sống cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, về vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, phong cảnh ở các vùng biển đảo Việt Nam.
Theo ông Thành, vào dịp Tết, đất liền vẫn gửi mùa xuân ra đảo thông qua những món quà, khẩu phần Tết quý báu, chẳng hạn như chuyển những gói lá dong ra đảo bằng tàu thay quân cuối năm. Hơn nữa, Học viện Ngoại giao có thể đồng hành cùng Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương để gửi những phần quà ra đảo để làm đẹp mâm ngũ quả ngày Tết. Ngoài ra, vì bộ đội rất thích đọc thư tay nên người dân có thể chuẩn bị những tấm thiệp Tết để chia sẻ và động viên tinh thần chiến sĩ.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương Trần Vũ Thành phát biểu trong chuyên đề “Tự hào một dải non sông”. (Ảnh: Xuân Sơn) |
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam, TS. Lý Thị Hải Yến cho biết, chương trình giúp các bạn sinh viên hiểu rõ về lịch sử quê hương đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Trong thời gian tới, Học viện Ngoại giao có kế hoạch tổ chức các hoạt động, cuộc thi nhằm nâng cao trách nhiệm và bản lĩnh sinh viên trong nhiệm vụ gìn giữ lãnh thổ quê hương.
Bên cạnh chương trình giao lưu, chia sẻ về biển đảo, Học viện Ngoại giao tổ chức triển lãm giới thiệu 50 hình ảnh sống động phản ánh các hoạt động tại Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK1 và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển vượt qua mọi khó khăn, thách thức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc, cùng với đó là giới thiệu bản đồ "Tự hào biển đảo Việt Nam" với 33 lá cờ Tổ quốc từ 33 điểm đảo tại Trường Sa.