Rất có thể có những trường hợp mắc bệnh đã không được phát hiện. (Nguồn: Sokodirectory) |
Danh sách công dân các quốc gia ngoài Trung Quốc nhiễm Covid-19 vẫn đang tiếp tục dài ra, thì ở châu Phi - lục địa mà người ta lo ngại nhất về khả năng phòng chống dịch mới chỉ xuất hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên cách đây ít hôm (15/2) tại Ai Cập và chưa phát hiện thêm ca nhiễm mới.
"Chưa được phát hiện" hay chỉ là may mắn?
Tính đến chiều ngày 17/2, khoảng 28 quốc gia ngoài Trung Quốc đã xác nhận 71.440 trường hợp nhiễm Covid-19, trong con số vẫn tăng khoảng 1.000 trường hợp/ngày này, chỉ duy nhất một người liên quan đến châu Phi, dù mối liên kết giữa châu lục này với thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc – quốc gia đang là tâm điểm của dịch bệnh, vẫn ngày càng chặt chẽ.
Khoảng 2 triệu người Trung Quốc đang sống và làm việc tại châu Phi. Người dân của "lục địa đen" cũng đến Trung Quốc học tập và kinh doanh ngày càng nhiều. Trước khi dịch Covid-19 hoành hành tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, mỗi ngày có khoảng 8 chuyến bay hoạt động đều đặn qua lại giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Phi. Khách du lịch Trung Quốc hiện là nhóm khách hàng lớn và tiềm năng nhất của hãng hàng không lớn nhất châu Phi - Ethiopian Airlines.
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng người không nhỏ lưu thông giữa Trung Quốc và châu Phi theo đường hàng không là con đường không thể loại trừ nguy cơ lây truyền chủng virus corona mới, vốn đã giết chết 1.775 người và gây nhiễm 71.440 người trên toàn cầu (tính đến 17h ngày 17/2).
Các chuyên gia cũng như nhiều lãnh đạo châu lục này đã bày tỏ lo ngại nếu dịch bệnh Covid-19 lây lan tại châu Phi thì sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng với những nước nghèo, lại rất hạn chế về các nguồn tài nguyên y tế.
Tất nhiên, đến giờ phút này, khi bệnh Covid-19 đã hoành hành tại vùng tâm dịch ở Trung Quốc gần 2 tháng thì Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC) vẫn cho rằng, không có gì là chắc chắn cả, có thể đã có một số ca tại châu Phi nhưng chưa được phát hiện.
Một số người cho rằng, giải thích đơn giản nhất là năng lực thử nghiệm hạn chế của châu Phi. Theo các chuyên gia y tế công cộng, có thể cho đến nay lục địa này chỉ đơn giản là không có khả năng phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh.
Trên thực tế, tính đến cuối tuần trước, chỉ có hai quốc gia châu Phi là Senegal và Nam Phi có các phòng thí nghiệm có khả năng xét nghiệm và xác nhận các mẫu virus.
"Hiện chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn, rất có thể đã có những trường hợp mắc bệnh mà chúng tôi không phát hiện ra”, Isaac Ngere – chuyên gia nghiên cứu dịch bệnh của Kenya cho biết.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khá nhiều so với trước. Theo một thông báo mới đây của WHO tại châu Phi, tuần trước, các chuyên gia y tế từ hơn một chục quốc gia châu Phi đã gặp nhau ở Senegal để tìm hiểu cách chẩn đoán virus mới. Hiện 19 quốc gia châu Phi đã có thể thử nghiệm Covid-19, trong đó có Nigeria, Gabon, Cameroon, Ethiopia, Kenya, Zambia và Sierra Leone.
WHO cũng đã xác định 13 quốc gia ưu tiên ở châu Phi vốn có qua lại thường xuyên với Trung Quốc. Tổ chức quốc tế này cũng đã phái các chuyên gia trực tiếp tới 8 trong số các quốc gia này để phối hợp, cũng như hỗ trợ các nỗ lực chuẩn bị phòng chống Covid-19. Theo đó, công tác tuyên truyền, phòng chống và kiểm tra được triển khai mạnh tại các sân bay, cũng như một số cảng biển.
Tuần trước, tại Sierra Leone, hơn 30 người đến từ Trung Quốc đã bị cách ly ở Freetown. Theo thông tin từ Tiến sĩ Mohamed Alex Vandy, Giám đốc Cơ quan An ninh Y tế khẩn cấp của Sierra Leone, bất cứ người nào đến Sierra Leonean hay Nigeria từ Trung Quốc, kể cả là nhà ngoại giao, miễn là hộ chiếu của họ cho thấy rời Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua sẽ đều bị bắt buộc phải cách ly.
“Đó là một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, giữ an toàn cho tất cả mọi người, chứ không phải vì người đó bị bệnh hay phạm tội", TS. Vandy nói.
Công tác sàng lọc chặt chẽ và khả năng thử nghiệm tại chỗ, đang cho thấy nhiều tiến bộ trong việc phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh, cũng như khả năng phòng, chống dịch do Covid-19 gây ra, chuyên gia Isaac Ngere cho biết.
Tuy nhiên, nhận định về sự “vắng mặt” của Covid-19 tại châu Phi, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh của Anh Paul Hunter coi đó là sự may mắn. "Nếu nhìn vào cách Covid-19 lây lan sang các quốc gia ngoài Trung Quốc cho thấy, phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh đều có nguồn gốc từ sự di chuyển thuận lợi giữa các quốc gia trên toàn thế giới".
Khí hậu quá ấm chẳng trông chờ dịch đến?
Có một giả thuyết khác được đặt ra là lục địa này quá ấm để Covid-19 có thể tồn tại và phát triển mạnh.
Theo lý thuyết, “họ hàng nhà” virus corona, trong đó bao gồm một số loại virus gây bệnh cảm cúm thông thường, thường có tính thời vụ - nghĩa là chúng hoạt động mạnh tại một thời điểm thích hợp trong năm và suy yếu dần theo mùa. Chẳng hạn, trong mùa mà bệnh cúm đạt đỉnh điểm, các hạt nước bọt li ti hình thành khi người nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ dễ dàng được lan truyền trong không khí khô lạnh của mùa Đông, đặc biệt ở những nơi đông người. Nhưng sau đó, khi thời tiết ấm lên, virus này sẽ dần biến mất.
Châu Phi - lục địa mà người ta lo ngại nhất về khả năng phòng chống dịch mới chỉ xuất hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên hôm 15/2 tại Ai Cập. (Nguồn: AP) |
Chuyên gia Yap Boum, đại diện châu Phi tại bộ phận nghiên cứu của Tổ chức Bác sĩ không có Biên giới (MSF) phân tích, khi thời tiết ấm và ẩm hơn, các hạt nước li ti mang virus có xu hướng rơi ra khỏi không khí nhanh hơn, nên hạn chế sự lây truyền. Các nước nhiệt đới khó tránh khỏi tính thời vụ, với đỉnh điểm của bệnh cúm vào mùa khô ở các quốc gia như Cameroon.
Tuy nhiên, không phải tất cả các chủng virus corona đều lây lan qua đường hô hấp. Chuyên gia Boum cho rằng, còn quá sớm để khẳng định, liệu Covid-19 có được truyền theo kiểu tương tự với các họ hàng của nó hay không.
Bởi vậy, "việc tiếp tục theo dõi sát sao sự phát triển của Covid-19 vẫn là giải pháp khôn ngoan đối với các quốc gia như Nam Phi, nơi mùa Đông sắp bắt đầu (kéo dài từ tháng Năm đến tháng Chín).
Nhà dịch tễ học Paul Hunter nhấn mạnh rằng, Covid-19 tồn tại chưa đủ lâu để cho thấy sự lây lan có thể bị ảnh hưởng khi thời tiết chuyển mùa. Nhưng ngay cả khi virus corona đến châu Phi, lục địa này chắc chắn không bị ảnh hưởng nặng nề như Trung Quốc.
"Tôi không cho rằng, một dịch bệnh do Covid-19 sẽ bùng phát tại châu Phi”, GS. Hunter khẳng định.
Một vài ca nhiễm bệnh dường như không phải là vấn đề lớn đối với châu Phi. Chẳng hạn, dịch SARS – bệnh về đường hô hấp cũng do một chủng virus corona gây ra, lây lan qua 26 quốc gia vào năm 2003, nhưng không gây ảnh hưởng quá nhiều tới châu Phi.
Ở châu lục này, người dân thường không sống chen chúc trong những khu vực quá đông dân cư. Đây là những điều kiện không thuận lợi cho sự bùng phát của dịch bệnh về đường hô hấp do Covid-19.
Bởi vậy, những tin đồn trên mạng xã hội kiểu “không có cư dân châu Phi nhiễm bệnh vì họ miễn dịch với Covid-19” là hoàn toàn thất thiệt này. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Paul Hunter khẳng định, cho đến nay không hề có bằng chứng nào nói lên điều đó.
Chống chọi với virus corona chủng mới, lá chắn 'miễn dịch' vô tác dụng? TGVN. Đại dịch viêm phổi kinh hoàng tại Vũ Hán rồi cũng sẽ qua đi, vô số trường hợp bị lây nhiễm, nhiều người tử ... |
Cập nhật 7h ngày 15/2: Số ca tử vong do virus corona tại Hồ Bắc vượt quá 1.500. Ca nhiễm bệnh đầu tiên tại Ai Cập báo hiệu COVID-19 đã đến châu Phi TGVN. Tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, thông báo số ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus ... |
Virus corona - Chưa có thuốc đặc trị, chống đến cùng hay học cách sống chung TGVN. Những đặc tính có phần vượt trội của virus corona chủng mới (2019-nCoV) đang khiến khả năng loại trừ hoàn toàn virus nguy hiểm ... |