Chuyển biến mạnh mẽ của công nghệ đang đặt thế giới tiền ảo trước những vòng xoáy mới. (Nguồn: Getty Images) |
Thế giới tiền ảo vẫn thay đổi mạnh mẽ. Bất chấp những đợt sóng tiêu cực, vẫn có nhiều người muốn đầu tư vào một thứ tài sản khó đoán định.
Bitcoin vẫn thống trị
Bitcoin được giao dịch nhiều nhất và vẫn là kênh đầu tư mang lại mức lãi “khủng” nhất trong 10 năm qua. Người ta tính được rằng, nếu chi 1 USD mua Bitcoin vào đầu thập niên này, thì khoản đầu tư đó hiện có giá trị hơn 90.000 USD.
Trải qua một thập kỷ đầy thăng trầm, từ khởi đầu chỉ là một phần mấy của một Cent Mỹ, hiện tại Bitcoin đang có giá khoảng trên dưới 8.000 USD, dù thấp hơn khá nhiều so với đỉnh cao lịch sử gần 20.000 USD. Bitcoin vẫn là một kênh đầu tư có mức độ rủi ro cực lớn, nhưng đã khẳng định là đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất, nổi tiếng nhất và được chấp nhận rộng rãi nhất thế giới. Nhiều nhà bán lẻ hiện đã chấp nhận Bitcoin như một phương tiện thanh toán, một số công ty đầu tư và sàn giao dịch đã mở dịch vụ giao dịch Bitcoin tương lai…
Tiền ảo lớn thứ hai là Ethereum đang được giao dịch ở mức 150 USD, nhưng dự đoán năm 2020 khá lạc quan. Sức mạnh của Ethereum dựa trên nền tảng xử lý ứng dụng công nghệ phổ biến, bởi vậy, có người tin rằng, Ethereum có thể tiếp cận gần mức giá của Bitcoin.
Tuy nhiên, trong năm 2019, không phải Bitcoin hay “những người anh em” như Ethereum, XRP mà Litecoin mới là tiền ảo tăng mạnh nhất - tăng hơn 360% kể từ đầu năm. Đồng tiền này được đánh giá là có các điều kiện tiên quyết về kỹ thuật để trở thành một mạng lưới giao dịch toàn cầu.
Hai loại tiền điện tử khác có tiềm năng chiếm lĩnh thị trường tương lai là Ripple và Neo. Lúc này, Ripple mới chỉ có giá 0,3 USD, nhưng mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng, nếu nó trở thành giải pháp chính thức cho cơ sở hạ tầng ngân hàng. Một số báo cáo mới đây cho biết, Visa và Western Union có thể sớm nắm lấy Ripple là công nghệ ngầm của họ. Hãy chờ những diễn biến mới của Ripple, nếu điều đó xảy ra. Còn Neo hiện đang giao dịch dưới 8 USD, nhưng đồng tiền này có cơ sở đầy tiềm năng để tăng trưởng đáng kể vào năm 2020. Đó là lý do chính Trung Quốc đã nghĩ đến việc tham gia vào nền tảng tiền điện tử này.
Cơn sốt tiền ảo dù đã lắng xuống và không còn quá “hot” như những năm trước, nhưng blockchain (chuỗi khối) - công nghệ hậu thuẫn tiền ảo - được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ đến lúc giữ một vị thế quan trọng trong hệ thống tài chính và các hoạt động khác trong đời sống trên phạm vi toàn cầu trong tương lai không xa. Hiện mới có 3% người đang giao dịch bằng tiền kỹ thuật số, nhưng số lượng nhà đầu tư đang tăng trưởng đều đặn trên toàn cầu.
Là nơi trú ẩn mới
Giới quan sát vừa phát hiện ra một hiện tượng “lạ”, thị trường chứng khoán đã phản ứng im ắng trước căng thẳng leo thang ở Trung Đông, giá dầu trượt khỏi các mốc vừa đạt được, giá vàng cũng giảm sau khi chạm mốc cao nhất 7 năm, tuy nhiên, thị trường tiền ảo tiếp tục xu hướng tăng giá mạnh. Lần đầu tiên tiền ảo giữ vững xu hướng tăng giá bền vững trước sự đi xuống của các tài sản chính thống hơn.
Hai cách lý giải trái ngược cho cùng một hiện tượng này đã được đưa ra. Nhóm thứ nhất cho rằng, các nhà đầu tư đang ngày càng xem tiền ảo như một loại "vàng ảo" - "vịnh tránh bão" an toàn khỏi những can thiệp của chính phủ, rủi ro địa chính trị hay dư thừa nguồn cung do can thiệp của các ngân hàng trung ương. Căng thẳng địa chính trị leo thang, các tài sản đầu tư phi chủ quyền và phi tập trung như tiền ảo đã được chọn làm nơi gửi gắm niềm tin.
Chẳng hạn, đối với các tài sản truyền thống như dầu mỏ, một cú sốc về địa chính trị có thể khiến tăng giá, nhưng cũng có thể ngay lập tức giảm xuống mức giá dưới trung bình, khi những khoảng khắc lo sợ qua đi. Nhưng tiền ảo đang được cho là đứng ngoài mọi tác động địa chính trị, bởi nó chẳng liên quan gì đến mối quan hệ giữa Mỹ và Iran.
Nhóm thứ hai đánh giá cao tiền ảo hơn, nó được xem như một công cụ để dịch chuyển vốn chứ không chỉ là “vịnh tránh bão”. Theo đó, giới đầu tư đã bắt đầu nhìn nhận tiền ảo theo một cách khác, được coi như một cách để dịch chuyển vốn từ một tài sản chính thống sang một loại tài sản khác được cho là an toàn hơn.
Tính ẩn danh của tiền ảo cộng với việc các giao dịch được bảo mật bằng mã hoá đã khiến tiền ảo trở thành một tài sản không tồi trong mắt các nhà quản lý tài chính. Trong khi tại các nền kinh tế ổn định, tiền ảo bị nghi ngại có thể tạo điều kiện cho hoạt động phi pháp và rửa tiền, thì ở các nền kinh tế bất ổn như Iran, Venezuela… tiền ảo lại có thể là một công cụ để chuyển tiền an toàn. Trên thực tế, hàng nghìn lao động nhập cư ở Trung Đông đang tin tưởng vào Tether - tiền ảo có liên hệ mật thiết với USD, có thể chuyển đổi từ các đồng nội tệ của nước sở tại sang USD.
2020 – tiền ảo đi đâu?
Tháng 6/2019, giới đầu tư hồ hởi khi Facebook thông báo sẽ triển khai tiền điện tử Libra và dự kiến giao dịch chính thức từ năm 2020. Không may, nhiều ngân hàng và các tổ chức tài chính quốc tế vẫn chưa thể “thông”.
Tình hình cho thấy, nếu như sự quan tâm của các tổ chức là chất xúc tác thúc đẩy thị trường tiền số, thì việc tham gia của các Chính phủ dường như đang gây hiệu ứng ngược lại. Các ngân hàng trung ương chưa thể nghĩ thoáng, điều kiện “các tài sản kỹ thuật số phải được đặt dưới sự quản lí của ngân hàng trung ương để ngăn ngừa rủi ro ngoại hối và bảo vệ chính sách tiền tệ của chính quyền” vẫn chưa thể nới lỏng.
Trong khi đó, chuyển biến mạnh mẽ của công nghệ lại đang đặt thế giới tiền ảo trước những vòng xoáy mới. Dù dự báo cho năm 2020, giới phân tích và giao dịch chuyên nghiệp tin Bitcoin sẽ sớm trở lại mức giá trên 10.000 USD, thậm chí có thể trở lại năm con số, nhưng sự suy yếu của Bitcoin được cho là đã được báo trước, khi các nền tảng công nghệ mới, trong đó có sự ra đời máy tính lượng tử của Google. Khi các công ty công nghệ đầu tư vào công nghệ blockchain và dành thời gian, sức lực cần thiết để nuôi dưỡng các loại tiền kỹ thuật số mới, Bitcoin khó có thể theo kịp những “ngôi sao mới”.