📞

Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp và câu chuyện 'vừa chống dịch vừa nghiên cứu'

TRỌNG VŨ 16:00 | 14/06/2020
TGVN. Giữa Kagoshima - thành phố phía nam Nhật Bản luôn có thời tiết ôn hòa và ấm áp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp cùng gia đình nhỏ trải qua những tháng ngày vừa làm nghiên cứu khoa học vừa phòng chống dịch đáng nhớ...
Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp tại một phòng nghiên cứu.

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng như thế nào tới cộng đồng người Việt tại tỉnh Kagoshima?

Rất may cho tới thời điểm này, thành phố Kagoshima chỉ có vài ca mắc Covid-19 từ nơi khác chuyển tới, được phát hiện và cách ly kịp thời nên không có sự lây lan trong cộng đồng. Giãn cách xã hội được thực hiện tốt, người dân rất ý thức đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người. Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Hội người Việt và Hội sinh viên Đại học Kagoshima thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin cần thiết về cách kiểm soát lây lan, phòng tránh dịch bệnh.

Khi tình trạng khẩn cấp toàn quốc được ban bố, hàng hóa vẫn được cung cấp đầy đủ tại các siêu thị, ngoại trừ thời gian đầu khẩu trang khan hiếm nên khó mua được. Có lẽ khó khăn hơn là các em du học sinh không có học bổng, việc làm thêm bị gián đoạn, hay hạn chế nên thu nhập bị ảnh hưởng. Từ cuối tháng Năm, mọi hoạt động ở Kaghoshima và cuộc sống sinh hoạt của chúng tôi đã trở lại bình thường.

Vậy còn công việc anh đang nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Thú y, Đại học Kagoshima?

Nghiên cứu của tôi hiện tập trung vào một số virus gây bệnh trên lợn như bệnh tai xanh (PRRS), bệnh tiêu chảy thành dịch trên lợn (PED). Ở đây, chúng tôi có hợp tác với công ty vaccine để nghiên cứu đánh giá hiệu quả của vaccine khi đưa vào sử dụng trên thực địa. Ngoài ra, chúng tôi còn phát triển theo hướng các dòng tế bào giúp phân lập virus hiệu quả từ mẫu thực địa cũng như nâng cao sinh khối virus trong sản xuất vaccine. Công việc nghiên cứu của tôi vẫn diễn ra bình thường vì được thực hiện hoàn toàn trong phòng thí nghiệm với môi trường an toàn.

Được biết, để mở rộng kiến thức, anh đã tự tìm công việc này và được nơi công tác tạo điều kiện cho đi làm nghiên cứu sau tiến sĩ?

Cá nhân tôi đã chuẩn bị cho hướng đi này ngay từ những ngày đầu bước vào khóa học tiến sĩ để có thể giúp mình nâng cao được kiến thức, tầm nhìn, mối quan hệ, các yếu tố giúp ích rất nhiều cho công việc nghiên cứu, giảng dạy về sau.

Trong quá trình là nghiên cứu sinh, tôi luôn chủ động đề xuất, tham gia các dự án nghiên cứu nhiều nhất có thể, để qua đó có cơ hội tích lũy kiến thức, tiếp cận kỹ thuật mới và có được kết quả để công bố. Với ngành kỹ thuật, tham gia thực hành và làm thí nghiệm là cách học tốt nhất bởi kết thúc khóa học tiến sĩ, bạn có thành tích nghiên cứu càng tốt, cơ hội cho bạn tìm được công việc nghiên cứu sau tiến sĩ càng cao.

Mỗi người sẽ có những tiêu chí riêng cho mình để chọn nơi nghiên cứu tiếp sau tiến sĩ. Cá nhân tôi chọn trường Kagoshima vì công việc nghiên cứu tại đó phù hợp với hướng nghiên cứu của tôi, hơn nữa nó cũng phù hợp cho các thành viên khác của gia đình - nơi vợ tôi có thể tham gia học tiến sĩ đúng ngành cô ấy mong muốn và con gái tôi có thể thuận lợi khi học tiếp tiểu học bằng tiếng Nhật.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp và gia đình.

Khi còn học tại Đại học Miyazaki, anh đã nghiên cứu FED gây ra bởi một loại virus corona. Lý do gì anh vẫn theo đuổi lĩnh vực này tại Nhật Bản cho đến hôm nay?

PED là một trong những bệnh đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi lợn toàn cầu. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh, tỷ lệ nhiễm và gây chết cao ở lợn con sơ sinh (tới 100%), nên thiệt hại kinh tế khi bùng phát là rất lớn. Virus này biến đổi nhanh, những vaccine sản xuất trước đó không còn bảo hộ hiệu quả được với chủng virus mới đang lưu hành. Do có một số khó khăn trong việc phân lập và nhược độc hóa các chủng virus, nên đến nay trên thế giới vẫn chưa có vaccine hiệu quả để phòng chống lại các biến chủng mới xuất hiện và đang lưu hành phổ biến.

Khi học tiến sĩ, tôi chủ yếu nghiên cứu dịch tễ học phân tử, đặc điểm bệnh lý và các phương pháp xét nghiệm virus. Tuy nhiên, ở Kagoshima, tôi chủ yếu làm về phân lập, nuôi cấy, xác định đặc tính sinh học của virus PED, những kết quả đó giúp cải thiện hiệu quả phân lập virus từ mẫu thực địa, đồng thời qua đó có thể nhược độc hóa virus và chọn lọc được các ứng viên tiềm năng cho việc sản xuất vaccine phòng bệnh.

Ngành chăn nuôi ở Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi PED và các chủng virus rất phức tạp, nên về lâu dài, có thể tôi sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu về PED theo hướng chọn được vaccine hiệu quả đưa vào sử dụng hoặc tự mình phát triển được vaccine PED hiệu quả (mặc dù việc này tốn nhiều năm). Ngoài ra, tôi cũng đang thực hiện một số kỹ thuật về tái tổ hợp protein của virus PED, chúng sẽ là những công cụ hiệu quả giúp tôi nghiên cứu chế tạo các kít về chẩn đoán hay đánh giá hiệu quả vaccine, tình trạng miễn dịch của đàn lợn với virus PED.

Hiện nay, nhiều người đi du học ở nước ngoài thường tìm mọi cách ở lại làm việc trong môi trường quốc tế, dù họ vẫn có thể cống hiến cho quê hương theo cách này hoặc cách khác. Còn suy nghĩ của anh?

Đối với tôi, không ở đâu bằng quê hương. Việt Nam có nhiều điều kiện tốt để phát triển kinh tế như tài nguyên thiên nhiên phong phú, rừng vàng biển bạc, đất đai trù phú, vị trí giao thương quốc tế thuận tiện... Nhưng khi nhìn vào thực tại, tôi luôn đặt ra câu hỏi tại sao nước ta vẫn chậm phát triển và thu nhập người dân vẫn thấp như vậy? Tôi càng đau lòng khi thấy tài nguyên cạn kiệt nhanh chóng, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, lãnh thổ ông cha để lại bị xâm phạm.

Có rất nhiều điều cần làm để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn trên quê hương của mình, cho chính chúng ta và thế hệ con cháu. Tôi hy vọng có thể góp một phần sức lực nhỏ bé của mình thực hiện điều đó thông qua đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục bậc đại học, cũng như hỗ trợ người chăn nuôi, doanh nghiệp trong việc quản lý dịch bệnh. Mặc dù điều kiện sống và làm việc ở Việt Nam còn có nhiều mặt hạn chế, nhưng thực sự tôi nhìn thấy nhiều cơ hội để bản thân có thể phát triển và cống hiến ở quê nhà.

Với những kiến thức và công trình nghiên cứu tại Nhật Bản, hẳn anh sẽ có nhiều dự định sau khi về nước và công tác tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam?

Quản lý dịch bệnh đang là một đòi hỏi quan trọng để giảm thiểu các thiệt hại do dịch bệnh truyền nhiễm gây ra, mà chủ yếu là các bệnh do virus. Về Việt Nam, tôi sẽ tiếp tục triển khai các nghiên cứu về bệnh trên lợn như PED, PRRS, lở mồm long móng.

Trên thực tế tôi vẫn đang phối hợp với đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm trọng điểm về thú y ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong nghiên cứu và công bố quốc tế. Ngoài nghiên cứu chuyên sâu về virus, để có thể phối hợp chặt chẽ, thiết thực hơn với các cá nhân, tổ chức chăn nuôi lợn, tôi vẫn đang kiên trì tích lũy kiến thức để thành một chuyên gia về quản lý dịch bệnh trên lợn.

Tuy nhiên, để thành một chuyên gia thực sự, tôi cần có kiến thức sâu rộng về nhiều mảng, từ chăn nuôi, thú y, đến lâm sàng và các kỹ thuật xét nghiệm phòng thí nghiệm!

Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp sinh năm 1983, quê Hải Dương, nhận học bổng toàn phần Monbokagakusho và lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành bệnh lý thú y tại Đại học Miyazaki (Nhật Bản) năm 2013. Năm 2015, anh cùng cộng sự Khoa Thú y - Học viện Nông nghiệp Việt Nam giành giải thưởng Sinh viên Xuất sắc nhất tại Hội nghị Quốc tế “Bệnh mới nổi và tái xuất hiện trên lợn lần thứ 7” tổ chức ở Kyoto, Nhật Bản. Hiện tại, ngoài công việc nghiên cứu khoa học sau tiến sĩ, anh còn mở lớp dạy tiếng Việt miễn phí cho người Nhật.