|
Cùng Công sứ Nguyễn Đức Minh, người vừa trở về Tokyo cùng đoàn thực địa tới Ishikawa (tâm chấn của loạt trận động đất những ngày đầu năm mới) nhìn lại một hành trình đặc biệt của thời gian, của xúc cảm để thấy một nước Nhật kiên cường và mối tình Việt-Nhật bền chặt tựa kim cương, sự chở che, đùm bọc giữa những người đồng bào nơi xứ lạ… và nhiều hơn thế tùy mỗi góc nhìn và cảm nhận! |
Thưa Công sứ, từ Tokyo đến Ishikawa mất bao xa? Ông và đoàn di chuyển bằng phương tiện nào và hành trình đó gợi cho ông những suy nghĩ gì? Ishikawa cách Tokyo khoảng 500km. Thông thường, phải mất khoảng hơn 5 giờ đồng hồ để di chuyển bằng ô tô trên đường cao tốc từ Tokyo tới trung tâm tỉnh Ishikawa. Tuy vậy, trong bối cảnh những ngày đầu năm mới giao thông bận rộn và hậu quả của động đất, Google Map thông báo việc di chuyển bằng ô tô có thể kéo dài hơn gấp đôi, lên tới 12 tiếng. Do đó, sau khi tìm được vé cho đủ thành viên trong đoàn, chúng tôi quyết định đi bằng máy bay (giờ bay Tokyo - Ishikawa chỉ hơn 1 giờ). Kế hoạch là thế nhưng để trải nghiệm 1 giờ đồng hồ đó cũng không ít gian nan. Đất nước Mặt trời mọc những ngày đầu năm mới có lẽ chỉ có thể diễn tả bằng một từ “buồn”, mùng Một xảy ra đại động đất tại Ishikawa với hơn 20 trận động đất với các mức độ liên tiếp trên diện rộng, mùng Hai xảy ra tai nạn máy bay hi hữu tại sân bay trung tâm Haneda (Tokyo) do va chạm của một máy bay chở khách và một máy bay của lực lượng bờ biển làm công tác cứu hộ vùng động đất… Nỗi buồn nhuộm cả bầu không khí làm vương vấn nét trầm lắng, lặng lẽ trong bộn bề. Chúng tôi muốn tới Ishikawa sớm và quay lại Tokyo trong đêm, song vì điểm đến là tâm chấn của động đất, điểm xuất phát là nơi vừa xảy ra tai nạn máy bay nên hành trình thật “khó bình thường”. Quả vậy, ngay trước giờ xuất phát chúng tôi được thông báo chặng về Tokyo bị hủy do đường băng Haneda cần thời gian sửa chữa, buộc phải cắt giảm nhiều chuyến bay. Giải pháp về Tokyo bằng đường hàng không bế tắc. Nhưng tới Ishikawa sớm là mục tiêu cao, chúng tôi quyết định cứ lên đường, vừa đi vừa tính cách về. Tới sân bay, lên máy bay, chúng tôi cũng phải chờ đợi trên đường băng gần 1 giờ mới có thể cất cánh. Nhìn quanh mình, trên gương mặt những hành khách Nhật Bản đều thoáng nét buồn nhưng họ vẫn bình tĩnh làm tốt nhất công việc của mình. Họ trấn an chúng tôi yên tâm vì an toàn bay đã được kiểm soát rất kỹ càng. Chuyến bay hướng tới tâm chấn vùng động đất nên bất kỳ hành khách nào tới đó đều có lý do. Hẳn nhiều trong số họ có nhà cửa, gia đình, người thân là nạn nhân của thiên tai, không thấy những nụ cười năm mới, sự trầm tư, lo lắng bao trùm tất cả. Chúng tôi cũng chung tâm trạng đó! Những nghĩ suy lo lắng cho đồng bào mình, cho những người bạn Nhật, đồng cảm và tiếc thương với họ… quanh quẩn trong đầu tôi suốt chuyến bay. Ấy là chưa kể nỗi băn khoăn trong chính lòng mình về sự nguy hiểm nơi tâm chấn có thể ập đến bất cứ lúc nào! Dù vậy, chúng tôi vẫn quyết tâm lên đường dù phía trước có ra sao. Với mong muốn sớm tiếp cận hiện trường, trực tiếp nắm tình hình, nơi có hàng trăm đồng bào đang khó khăn và hoang mang trên đất khách, chúng tôi sẵn sàng tâm lý rằng kể cả Tỉnh không thu xếp gặp thì sẽ vẫn đến để làm việc với doanh nghiệp Nhật đang tiếp nhận sử dụng lao động Việt Nam, cũng như các hội nhóm thiện nguyện người Việt Nam tại khu vực, tiếp cận những người đang ở khu tạm trú và thậm chí người đang ở trong tâm chấn. Đó là câu chuyện về chuyến xuất hành đầu năm mới rất đặc biệt của chúng tôi! |
Có những hình ảnh nào khi đặt chân tới bán đảo Noto này chạm đến xúc cảm của ông nhiều nhất? Khi hạ cánh xuống sân bay, Ishikawa đón chúng tôi với bầu trời trong xanh cùng những làn mây trắng nhẹ nhàng, nắng đẹp, cảnh đẹp và bình yên đến ngỡ ngàng. Thật khó tin nơi đây vừa xảy ra thiên tai lớn. Lẽ nào nắng lên để dịu bớt nỗi buồn, để lòng người ấm áp hơn một chút? Người dân Ishikawa chúng tôi gặp lặng lẽ và trầm mặc, nhưng mặc nhiên không thấy sự hoảng hốt. Cảnh vật hai bên đường vào thành phố và cả trên những con đường hướng vào tâm chấn khiến chúng tôi ngạc nhiên bởi những ngôi nhà xây ngói mới, gọn gàng, đẹp đẽ, bao quanh bởi những mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận. Hỏi ra mới biết trong lịch sử, Ishikawa không mấy khi có động đất, do đó, ở đây vốn còn nhiều nhà cổ, không thật kiên cố. Nhưng tháng 8/2023, tại Ishikwa đã xảy ra động đất, tuy không lớn bằng trận đại động đất vừa qua, nhưng đã làm hư hại nhiều nhà cửa. Vì thế, giờ đây, ta có thể thấy ở dọc đường có rất nhiều nhà mới, tuân thủ tiêu chuẩn chống động đất hiện đại của Nhật Bản nên không bị hư hại sau trận động đất vừa qua. Thiệt hại của thảm họa lần này chủ yếu ở những vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Nơi đó xa khu dân cư đông đúc, có nhiều nhà máy sử dụng lao động, bao gồm cả các thực tập sinh Việt Nam. Tới sân bay, đã có hai chiếc xe của hai thành viên thiện nguyện tích cực của cộng đồng chờ đón chúng tôi. Họ là những cá nhân xông pha thiện nguyện ngay từ khi động đất xảy ra, bằng chính phương tiện cá nhân của mình, liên tục tìm kiếm và chuyển đồ cứu trợ cho các nhóm người Việt Nam bị thiệt hại sau động đất. Chúng tôi chào hỏi như những người quen từ trước, khẩn trương lên xe tiến vào khu vực bán đảo Noto, tâm điểm của trận đại địa chấn. Dù khoảng cách không xa, thường chỉ mất khoảng gần 1 giờ để đến thành phố Nanao - khu vực tâm chấn gần sân bay nhất. Tuy nhiên, do không thể sử dụng đường cao tốc và phải vòng tránh các khu vực sụt lở, đứt gãy, chúng tôi được thông báo sẽ mất 2,5 giờ di chuyển. Theo chỉ dẫn, đoàn xe chúng tôi di chuyển trên các tuyến đường an toàn, còn nguyên vẹn. Từ đó, chúng tôi vẫn thấy được hình ảnh những đoàn xe cảnh sát, cứu hỏa, cứu thương di chuyển tất bật trên các tuyến đường dành riêng cho công tác cứu hộ. Khi kể cho bạn câu chuyện này, tôi thấy mình may mắn vì trong cả ngày hôm đó, chúng tôi không gặp trận dư chấn đáng kể nào. Qua thực tế, chúng tôi thấy thêm một điều may mắn khác là tâm chấn xảy ra ở đất liền, nếu lùi ra xa ra ngoài phía biển khoảng một chục hải lý thì sẽ kích hoạt sóng thần lớn và không biết điều gì có thể xảy ra. Đến nay, cảnh báo sóng thần đã được rút đi và không còn nguy hiểm. |
Được biết, ông đã có buổi làm việc với chính quyền tỉnh, đại diện nghiệp đoàn tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại khu vực để nắm tình hình, những nội dung chính được trao đổi là gì? Điều ông mong mỏi nhất ở phía chính quyền địa phương và nghiệp đoàn lúc này? Trước khi tiến vào vùng tâm chấn, chúng tôi có cuộc hẹn với đại diện lãnh đạo Tỉnh tại trụ sở hành chính. Trong bối cảnh hiện tại, lãnh đạo tỉnh Ishikawa và tất cả sở, ban, ngành đều dồn lực hoàn toàn vào công tác cứu hộ, không còn tâm trí đón năm mới. Tuy tiếp khách đối ngoại không phải là ưu tiên lúc này, Giám đốc Sở ngoại vụ của Tỉnh đã chờ đón đoàn dù biết máy bay tới chậm 1 giờ. Đoàn ta cũng là đoàn khách đối ngoại đầu tiên đến thăm địa phương. Chúng tôi trao thư thăm hỏi của Đại sứ cho Thống đốc Tỉnh với lời lẽ chân tình, sẻ chia. Dù các bạn đều đeo khẩu trang, nhưng tôi vẫn thấy những khóe mắt đỏ lên vì xúc động. Có thể nói, năm 2023 hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với rất nhiều hoạt động kỷ niệm trọng thể, cho thấy quan hệ hữu nghị hợp tác tích cực và sự thân tình giữa chính phủ và nhân dân hai nước. Nhật Bản mời Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tháng 5/2023. Tháng 11/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có chuyến thăm chính thức đặc biệt tới Nhật Bản, nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Tiếp đó, tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản lần thứ hai trong năm, dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN-Nhật Bản. Trước đó, Hoàng Thái tử và Công nương Nhật Bản cũng công du Việt Nam trong tháng 9. Các chuyến thăm cấp cao cùng rất nhiều hoạt động kỷ niệm khác đưa hình ảnh đất nước, con người Nhật Bản xuất hiện tưng bừng suốt cả năm trên các phương tiện truyền thông Việt Nam và ngược lại. Khi động đất lớn xảy ra ở Nhật Bản, lãnh đạo Việt Nam, từ trung ương tới địa phương cùng đông đảo người dân đều quan tâm, lo lắng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi thư chia buồn tới những người đồng cấp, thể hiện tình cảm của ta với bạn, coi trọng quan hệ cấp địa phương, giao lưu văn hóa và con người. Đại diện tỉnh Ishikawa cho biết, tại tỉnh có khoảng 5.000 người Việt Nam sống, học tập, lao động (trong đó có gần 4.000 người là lao động, thực tập sinh). Có 600 người Việt Nam sống ở bán đảo Noto - tâm chấn của trận động đất vừa qua. Trong trao đổi, chúng tôi chia sẻ với phía bạn rằng, không chỉ Đại sứ quán mà toàn thể cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản cũng như Chính phủ và nhân dân Việt Nam đều dõi theo và mong muốn chia sẻ với chính quyền và nhân dân tỉnh Ishikawa cũng như các tỉnh lân cận bị thiệt hại bởi trận động đất vừa qua; đề nghị Tỉnh cho biết những gì phía Việt Nam có thể hỗ trợ và chúng tôi sẵn sàng làm hết mức trong phạm vi có thể; đồng thời mong muốn Tỉnh sớm khắc phục khủng hoảng, nhanh chóng khôi phục và phát triển. Tôi cũng đề nghị chính quyền Tỉnh quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam tại địa phương và giúp cung cấp tất cả các thông tin liên quan tới tình hình cộng đồng người Việt Nam tại các khu vực bị ảnh hưởng của động đất. Bên cạnh đó, chúng tôi thông tin với Tỉnh rằng, các hội đoàn người Việt Nam trên khắp đất nước Nhật Bản đang hướng về Ishikawa. Do vậy, mong tỉnh tạo điều kiện cho các hội đoàn tiếp cận và hỗ trợ địa bàn; đồng thời đề nghị chính quyền Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các nghiệp đoàn, doanh nghiệp trong khu vực đang quản lý thực tập sinh Việt Nam để nắm và cập nhật thông tin về tình hình người lao động Việt Nam tại đây. Ngoài ra, chúng tôi đề nghị Tỉnh phối hợp với các nghiệp đoàn, doanh nghiệp, hội đoàn và các nhóm thiện nguyện nói trên để chuyển các chỉ dẫn, hướng dẫn liên quan tới công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai cần thiết cho cộng đồng người Việt Nam. Các nghiệp đoàn hội đoàn ấy sẽ hỗ trợ chuyển thông tin sang tiếng Việt và phổ biến tới mọi người. Đáp lại, chính quyền Tỉnh đánh giá cao sự kịp thời và chủ động của đoàn công tác Đại sứ quán, bày tỏ áy náy khi không thể cử người tháp tùng, lo lắng cho sự an toàn của đoàn, đề nghị ta hết sức chú ý bảo đảm an toàn trong chuyến đi. Sau khi thông báo đầy đủ tình hình thiên tai và công tác cứu hộ tại địa phương, đại diện Tỉnh bày tỏ cảm động vì thấy đoàn nắm và cung cấp nhiều thông tin chi tiết, cho thấy sự quan tâm sâu sắc từ sớm của lãnh đạo Đại sứ quán và tình cảm chân thành mà chính quyền và nhân dân Việt Nam dành cho Ishikawa nói riêng và Nhật Bản nói chung. Hai bên đã trao đổi số hotline của nhau – đây là một trong những mục đích quan trọng của chuyến đi – và cam kết giữ liên lạc chặt chẽ, thường xuyên. Rời trụ sở Tỉnh, chúng tôi tới thăm một trung tâm cứu trợ của nghiệp đoàn Oreon-Vietnam. Nghiệp đoàn này đang quản lý 514 lao động Việt Nam. Chủ tịch nghiệp đoàn chờ đón chúng tôi từ đường cái và sốt sắng dẫn chúng tôi tới phòng khách nơi các bạn thực tập sinh Việt Nam đã tập trung chờ sẵn. Cảm giác ấm áp ngập tràn khi chúng tôi nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ của các bạn trẻ Việt Nam. Các em đón nhóm cán bộ Đại sứ quán và lãnh đạo các hội đoàn người Việt Nam tại Nhật Bản chúng tôi như những người thân trong gia đình từ quê hương, tiếng cười nói thăm hỏi ríu rít. Không khí chỉ trầm xuống khi các em băn khoăn lo lắng kể về những đổ vỡ, thiệt hại tại nơi mình sống trong khu vực bán đảo Noto và những khó khăn của các bạn đồng nghiệp đang bị kẹt, bị cô lập ngoài bán đảo, nơi các em sống và làm việc mấy năm qua. 15 bạn trẻ Việt Nam ở đây tự cho mình là may mắn. Động đất xảy ra khi các bạn vắng nhà trong chuyến du lịch dịp nghỉ đầu năm. Không thể quay về nhà do nhà đã bị hư hại và đường về sạt lở, đứt gãy, các bạn liên lạc được với nghiệp đoàn và được đón đưa về trung tâm cứu trợ trong đêm. Hiện các bạn được cung cấp cơ bản đầy đủ nơi ăn nghỉ và đồ dùng sinh hoạt thiết yếu. Chúng tôi đã có buổi làm việc chi tiết, cụ thể với ban lãnh đạo nghiệp đoàn. Sau khi lắng nghe báo cáo và thống kê chi tiết tình hình các nhóm người lao động Việt Nam do nghiệp đoàn quản lý tại địa phương cũng như phương án cứu trợ, hỗ trợ nghiệp đoàn đang triển khai và sẽ thực hiện trọng thời gian tới, tôi đề nghị các nghiệp đoàn tiếp tục rà soát cập nhật tình hình quản lý thực tập sinh, đưa thực tập sinh gặp khó khăn về các trung tâm cứu trợ an toàn, hỗ trợ bảo đảm sinh hoạt và an toàn cho các thực tập sinh bị ảnh hưởng; giữ liên hệ báo cáo tình hình thường xuyên và nêu các yêu cầu hỗ trợ nếu cần tới các cơ quan chức năng địa phương và Đại sứ quán, hỗ trợ các nhóm thiện nguyện người Việt Nam tại địa phương, phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại để thông tin đầy đủ các chỉ dẫn, hướng dẫn và trợ cấp của chính quyền địa phương cho các thực tập sinh Việt Nam... Sau khi trao đổi, nghiệp đoàn thống nhất sẽ phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán, chính quyền địa phương và các hội đoàn Việt Nam, sẵn sàng tham gia hỗ trợ các nhóm cộng đồng người Việt gặp khó khăn dù không nằm trong đối tượng quản lý của nghiệp đoàn (khi tôi kể lại câu chuyện này, được biết nghiệp đoàn đã nhất trí cung cấp riêng một nhà kho để các hội nhóm thiện nguyện người Việt Nam tại địa phương tập trung hàng cứu trợ trước khi phân phát tới những người cần). Đoàn chúng tôi lưu luyến chia tay lãnh đạo và các bạn thực tập sinh nghiệp đoàn Oreon-Việt Nam, trong lòng thấy an tâm hơn bởi sự bình tĩnh và lạc quan của các bạn trẻ Việt Nam, ấm áp hơn bởi sự chân tình, chu đáo, trách nhiệm và nghiêm túc của các bạn Nhật Bản. Tôi tin lãnh đạo nghiệp đoàn và các bạn thực tập sinh này đã sẵn sàng tham gia vào công tác cứu trợ cho cộng đồng người Việt Nam bị ảnh hưởng – sứ mệnh chắc chắn sẽ khiến họ bận rộn kéo dài trong những ngày tới. Rời trung tâm cứu trợ, chúng tôi hướng về thành phố Nanao, một trong 4 thành phố tâm điểm của đợt đại địa chấn này, nơi có các đồng bào Việt Nam khó khăn hơn đang chờ. |
Chưa có thương vong nào đối với cộng đồng người Việt ta tại Ishikawa, thông tin đó đã đủ khiến ông an tâm vào thời điểm hiện tại? Theo thống kê của các cơ quan chức năng Nhật Bản cũng như thông tin từ các nhóm cộng đồng, chưa có thông tin nào về việc người Việt Nam bị thương vong, đây là tin mừng nhưng vẫn còn lo nhiều lắm! Theo các nguồn tin đã nhận được, may mắn là động đất xảy ra vào dịp nghỉ, nhiều lao động Việt Nam sống ở vùng tâm chấn đang vắng nhà, đi chơi và thăm hỏi bạn bè ở các thành phố khác. Tuy bị cô lập bên ngoài, nhưng các bạn may mắn ở xa vùng nguy hiểm và đã được các cơ quan chức năng nhanh chóng hỗ trợ. Phải nói rằng, công tác bảo hộ công dân là công tác quan trọng và thường xuyên của Đại sứ quán. Lần này, đoàn công tác chúng tôi tới đây còn có nhiệm vụ chuyển tải cho đối tác và bạn bè Nhật Bản tình cảm, tấm lòng chân tình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, trong đó có Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đối với chính phủ, các địa phương và người dân Nhật Bản (lúc này, chính là sự lo lắng và mong muốn sẻ chia, hỗ trợ sau thảm họa). Với đồng bào mình, chúng tôi luôn muốn họ cảm nhận và vững tâm rằng, phía sau họ luôn là quê hương! Sau hơn một giờ đi xe, cảnh sắc thanh bình, ngăn nắp, đẹp đẽ vùng quê Ishikawa dần được thay bằng những bằng chứng của thiên tai. Chúng tôi bắt đầu thấy những căn nhà bị hư hại, những con đường bị nứt vỡ và tiếng còi xe cứu thương, cứu hỏa dồn dập hơn. Rời đường lớn, chúng tôi rẽ vào đường nhỏ hướng tới những dãy núi. Nơi chúng tôi đến là khu “ký túc xá” của các thực tập sinh đang làm việc tại các nhà máy chế biến thực phẩm tại thành phố Nanao, tỉnh Ishikawa – một nhóm mới liên lạc được với mạng lưới cứu trợ. Khu ký túc xá chúng tôi đến thực chất là những khu nhà nằm rải rác trong một làng nhỏ, gồm cả các dãy nhà mới xây gần đây cho công nhân và một vài biệt thự kiểu truyền thống địa phương (nhà cổ) công ty thuê thêm cho công nhân ở. Đón chúng tôi là gần 20 bạn nữ tuổi còn rất trẻ, ngoài chị quản lý người Việt lấy chồng Nhật đã sống trong vùng 20 năm, các bạn còn lại đều mới sang Nhật chưa đầy 3 tháng. Dù tiếp chúng tôi bằng những nụ cười nhưng tôi vẫn thấy trong ánh mắt các bạn sự hoảng hốt, lo lắng. Khu nhà cổ chịu thiệt hại lập tức khi động đất cường độ cao. Dẫn chúng tôi đi xem các góc nhà bị sập, các căn phòng đổ vỡ tan hoang, những cô gái Việt kể với chúng tôi bằng chất giọng miền Trung: Đã mấy ngày rồi mà chúng em vẫn chưa hết cảm giác rung lắc đáng sợ chưa bao giờ trải qua ấy. Nhiều lúc em không rõ đang có dư chấn thật hay chỉ là cảm giác chóng mặt, nôn nao dội lại của chính mình… Hàng loạt trận động đất ập tới liên tiếp chiều mùng Một Tết khi các em đang tụ tập thăm hỏi, ăn uống ở nhà. Từ chỗ không hiểu chuyện gì đang xảy ra, tới hoảng hốt và sợ hãi, không biết làm thế nào. Một số ôm chặt lấy nhau khóc. Có bạn hoảng hốt chạy ra ngoài sân, ngồi bệt xuống hay ôm chặt những người hàng xóm Nhật Bản bắt gặp. Mọi thứ xung quanh bắt đầu đổ vỡ, rung lắc với những âm thanh kỳ lạ. Có em không biết làm sao cứ ôm chặt chiếc tivi mới mua. Nghe thôi cũng thấy lòng nghẹn lại và mắt cay xè! Chúng tôi thông tin lại với các em về tình hình chung, về các chương trình mà chính quyền, công ty chủ quản đang triển khai, sự vào cuộc của Đại sứ quán và cộng đồng trong khu vực và trên toàn quốc; đồng thời động viên các em an tâm, nhắc nhở các em hết sức cẩn thận giữu gìn sức khỏe để có thể hỗ trợ người khác; cần cảnh giác, cẩn thận đối phó với các dư chấn và rủi ro có thể xảy ra sau động đất, nhất là trong mùa Đông lạnh giá, điện nước không đầy đủ; tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn, chỉ dẫn của các cơ quan chức năng sở tại; tự học hỏi nâng cao kỹ năng cứu hộ, cứu nạn; an tâm vì có cộng đồng, hậu phương lớn luôn sẵn sàng chia sẻ hỗ trợ các em. Đặc biệt, chúng tôi mong các em tích cực chia sẻ hỗ trợ cho công ty mình đang làm việc trong lúc khó khăn chung, đây là phẩm chất và truyền thống đáng tự hào của người Việt Nam đã được các nghiệp đoàn, công ty Nhật Bản ghi nhận và đánh giá cao. Hoàng hôn dần buông xuống, một ngày sắp trôi qua, chúng tôi phải nói lời chia tay để trở ra. Nhận các túi quà của đoàn, các em bịn rịn xin số điện thoại, xin chụp ảnh chung, hẹn giữ liên lạc và ngày gặp lại. Lên xe quay về đường cái, rời thành phố Nakao, nhìn bóng tối bao phủ những sườn núi và những cánh rừng, chúng tôi nghĩ tới những nhóm cộng đồng khác còn đang bị cô lập, khó khăn mà các tình nguyện viên đang í ới chia sẻ thông tin, gọi nhau trên bộ đàm. Khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt có thể qua đi trong những ngày tới. Điều tôi trăn trở hơn cả là vấn đề việc làm của các bạn trong những tháng sau này. Nhà máy và đường xá hỏng hóc phải mất khá nhiều thời gian mới có thể phục hồi trở lại, lao động Việt sẽ phải xoay sở ra sao? Có những bạn mới chỉ nhận được và gửi về nhà những tháng lương đầu tiên trên đất khách quên người… Đây còn là chủ đề quan trọng mà chúng tôi trao đổi với chính quyền và các nghiệp đoàn, công ty tiếp nhận sở tại. Trước mỗi thảm họa thiên nhiên, người ta lại nhắc và nhấn mạnh đến tinh thần thép của con người Nhật Bản ở sự bình tĩnh, kỷ luật và sẻ chia… Ông cảm nhận điều đó thế nào? Người Nhật là như vậy! Họ đã quen và chấp nhận sống với thiên tai – có thể ập đến bất cứ lúc nào. Dù thiên tai chỉ mang đến mất mát và nỗi buồn nhưng họ không hoảng loạn, không sốc và bình thản cùng nhau vượt qua, thậm chí họ không muốn nhận viện trợ từ bên ngoài. Người Nhật luôn quan tâm đến vấn đề thuốc men đã được Bộ Y tế kiểm tra hay chưa, đồ ăn có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hay không… Họ có khả năng chịu đựng tốt. Khoảng thời gian trên, tôi nhận thấy, dù họ không hoang mang nhưng đều buồn và vẫn giữ thái độ tương đối bình thản và làm những việc cần làm, tuân thủ nguyên tắc, chỉ dẫn chung từ hệ thống. Theo lời thực tập sinh Việt Nam, người dân Nhật Bản tận tình giúp đỡ, che chở cho những người khác. Sự kỷ luật còn thể hiện ở việc khi nhà cửa đổ, họ giữ nguyên hiện trường để tạo điều kiện cho công tác kiểm kê. Trân trọng cảm ơn ông! Thực hiện: Phương Hằng | Đồ họa: Lim Dim | Ảnh: NVCC, TTX... |