Thích ứng và linh hoạt
Trên thế giới, nhiều nước đã chuyển đổi chiến lược, xác định quan điểm sống chung, thích ứng với dịch bệnh, và vaccine, thuốc điều trị được nhận định là chiến lược lâu dài, công cụ quyết định.
Điển hình như Israel - nơi tiêm chủng nhiều nhất thế giới song vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm mỗi ngày, đã chấp nhận sống chung với virus. Người đứng đầu nước này cam kết, chính phủ của ông sẽ không lạm dụng “lockdown”, chỉ coi đó là biện pháp cuối cùng khi không còn cách nào khác.
Hay tại Singapore, đảo quốc sư tử này cũng đang nỗ lực hướng tới sống chung với Covid-19 như một "căn bệnh theo mùa", và sẽ đẩy mạnh tiêm chủng, cũng như có biện pháp giảm lây lan mà không phải quay lại tình trạng phong tỏa.
Việt Nam hướng tới sống chung an toàn với Covid-19 bằng cách tiêm vaccine phòng Covid-19 cơ bản 100% đối tượng theo quy định của Bộ Y tế để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất. (Nguồn: Nikkei Asia) |
Điều này là tất yếu, bởi thực tế, không thể khống chế tuyệt đối dịch Covid-19. Virus SARS-CoV-2 tồn tại chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt và có thể sẽ tiếp tục sản sinh ra nhiều biến thể không lường được, ngay cả người tiêm đủ vaccine vẫn nhiễm và lây truyền virus.
Do vậy, cách tiếp cận của Việt Nam vẫn theo phương châm 5K + vaccine + công nghệ. Đồng thời dần điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch bệnh giai đoạn mới trên tinh thần “dịch đến đâu xử lý gọn đến đấy”.
Cụ thể, những tỉnh đang kiểm soát được dịch bệnh sẽ tiếp tục nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện sớm, truy vết khoanh vùng, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả. Những địa phương bị dịch nhiễm sâu và nặng phải có biện pháp chống dịch đặc biệt tương tự như các nước phát triển. Dần nới lỏng các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới sau khi tiêm vaccine đạt được miễn dịch cộng đồng…
Chiến lược phòng, chống dịch giai đoạn mới cũng được chuyên gia khuyến cáo cần có biện pháp, quy định cụ thể để bảo đảm an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự cho người dân khi dịch bệnh diễn biến phức tạp; có những điều chỉnh tích cực để hình thành các mô hình chung sống an toàn, như giáo dục an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn…
Ưu tiên mở cửa doanh nghiệp trụ cột
Đến thời điểm này phải thẳng thắn nhìn nhận, sức chịu đựng của doanh nghiệp đã tới hạn, không thể 100% doanh nghiệp có thể quay trở lại được, cũng như không phải doanh nghiệp nào cũng có thể hoạt động với năng lực sản xuất như trước.
Do đó, cần ưu tiên vực dậy cho những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế, có vai trò đảm bảo năng lực cạnh tranh quốc gia, ví dụ ở các ngành thiết bị điện tử, dệt may, thủy sản...
Theo ông Bùi Đức Thụ - chuyên gia kinh tế - xét ngành nghề cho hoạt động trở lại nên ưu tiên theo thứ tự: Ngành sản xuất trong không gian rộng, khả năng lây lan thấp như sản xuất nông nghiệp; những nhà máy xí nghiệp sản xuất tập trung lớn và nhiều không gian chật hẹp, không gian kín (trường hợp này căn cứ vào khả năng kiểm soát dịch để cho phép các doanh nghiệp này từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh)...
Doanh nghiệp thủy sản cũng là một trong những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có những chính sách hỗ trợ chung như giãn, hoãn, giảm các khoản thuế, phí… và phải được thực hiện kịp thời, không để chậm trễ như năm ngoái, nhưng với nguồn lực có hạn, cần chọn chỗ để “bỏ thóc giống”, nên các chuỗi giá trị, trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế phải được ưu tiên. Những doanh nghiệp yếu, không đủ năng lực cạnh tranh, không đủ sức theo kịp xu thế phát triển sẽ phải chấp nhận dừng lại.
Theo TS.Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), từng doanh nghiệp cũng phải có kế hoạch trước mắt, lâu dài, phải nhìn vào khả năng phát triển. Nếu lúc này, doanh nghiệp nào không thấy cơ hội vượt qua, sẽ phải tìm phương án mới, có thể đóng cửa, làm lại.
"Việc hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực hiện mạnh mẽ hơn, vì tổn thất của doanh nghiệp quá lớn. Với doanh nghiệp đang tạm ngừng, khó khăn, thì cần hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ doanh nghiệp trong vùng dịch tiếp cận vốn. Chính phủ, địa phương, các bộ, ngành sẽ đồng hành với doanh nghiệp trong từng ngành, lĩnh vực để tháo gỡ rào cản, tháo bỏ các loại quy định gây ách tắc lưu thông, giảm tối đa các loại chi phí, không đặt thêm các mệnh lệnh hành chính...", ông Cung cho hay.
Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, không nên tái khởi động một cách ồ ạt. Doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tái khởi động ở mức 30-50% so với trước dịch bệnh. Doanh nghiệp có tiềm lực lớn hơn thì ở mức 70% và cân nhắc về tình hình đơn hàng để tái khởi động một cách phù hợp.