Toàn cảnh Hội nghị “Nâng cao năng lực xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới”, ngày 21/10 tại Hà Nội. (Ảnh: Vân Chi) |
Hội nghị nằm trong chuỗi các hoạt động chuyên sâu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương mại điện tử tại thị trường trong nước và xuất khẩu, ứng dụng các giải pháp công nghệ số tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp củng cố tài chính, số hóa hệ thống, mở rộng mạng lưới phân phối và dịch chuyển sang phương thức kinh doanh thương mại điện tử.
Hội nghị cũng có sự tham dự nhiều đối tác hàng đầu trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực thương mại điện tử, logistic, tổ chức tài chính, phát triển thương hiệu, digital marketing như Alibaba, Google, Clever Group, Công ty CP Đầu tư và Công nghệ OSB, VPBank, BIDV...
Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được cho là thị trường rất tiềm năng, đã có những phát triển vượt trội và có tốc độ tăng trưởng liên tục cao trong khu vực. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong suốt 7 năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20%.
Chính vì vậy, việc phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm Việt, sản phẩm OCOP, sản phẩm địa phương... một cách bài bản, đúng quy trình sẽ tạo tiền đề vững chắc cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, với quy mô các thị trường nhập khẩu nước ngoài còn nhiều dư địa, tiềm năng cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam là rất lớn, đặc biệt khi các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trở thành động lực mới của nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tới.
Ông Bùi Huy Hoàng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Vân Chi) |
"Cơ hội sẽ mở ra cho các doanh nghiệp có sản phẩm tốt, phù hợp với tiêu dùng tại thị trường nhập khẩu, tận dụng được các thị trường có thương mại điện tử phát triển mạnh để các doanh nghiệp có thể bước chân vào các thị trường khó tính, nơi tồn tại nhiều rào cản về thủ tục và chi phí. Các mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới khác nhau có thể là lựa chọn hiệu quả, phù hợp với hoạt động của mỗi doanh nghiệp", ông Hoàng nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm và câu chuyện thành công trong thương mại điện tử xuyên biên giới trên Alibaba.com - một trong những nền tảng hàng đầu về thương mại điện tử toàn cầu giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc phát triển thị trường và quan hệ chính phủ, đại diện Alibaba Việt Nam cho biết, thành lập năm 1999, Alibaba.com luôn tạo điều kiện thuận lợi cho hàng triệu nhà nhập khẩu và nhà cung cấp toàn cầu giao thương trực tuyến với nhau.
Để nâng cao năng lực chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, thời gian qua Tập đoàn này cũng thường xuyên tiến hành các hoạt động tập huấn đào tạo nâng cao năng lực vận hành thương mại điện tử cho các doanh nghiệp. Với thế mạnh của Alibaba.com là sàn bán sỉ (B2B) có lượng người mua sỉ lớn nên một số ngành như nông sản, thực phẩm chế biến - đóng gói, thủ công mỹ nghệ, may mặc, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, bao bì đóng gói… của Việt Nam hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh trên sàn Alibaba.com về chi phí giá thành.
“Alibaba.com tiếp tục dành riêng cho thị trường Việt Nam các dịch vụ riêng biệt để giúp các doanh nghiệp tăng tốc, giúp họ có cơ hội giới thiệu các sản phẩm đến người mua hàng toàn cầu tốt hơn", ông Tùng cho hay.
Đồng hành với doanh nghiệp trong chuyển đổi số, bà Phạm Minh Châu, Phó Giám đốc Ban chính sách sản phẩm bán buôn - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chia sẻ về giải pháp tài chính toàn diện hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo bà Phạm Minh Châu, với chính sách tài sản đảm bảo cạnh tranh, chính sách lãi suất ưu đãi, các doanh nghiệp xuất khẩu được hỗ trợ nhằm giảm áp lực tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất khẩu dễ dàng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ với thủ tục đơn giản, nhanh chóng.
Các chuyên gia, đối tác thảo luận, trao đổi tại Hội nghị. (Ảnh: Vân Chi) |
Bật mí về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu trên nền tảng số cho doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Hải - Trưởng phòng Kinh doanh và Quan hệ đối tác khối khách hàng nước ngoài của Clever Group cho rằng, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ càng từ việc nghiên cứu thị trường, đối thủ cũng như khách hàng mục tiêu để hiểu rõ vị thế của mình, xác định nền tảng, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển từ hình ảnh doanh nghiệp, nội dung sản phẩm đến việc kết hợp các hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu đa nền tảng như mạng xã hội.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, đối tác đã chia sẻ, giới thiệu nhiều nội dung hữu ích trong lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số như: Giới thiệu tổng thể các chương trình, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam; Chia sẻ hướng dẫn kinh doanh và vận hành thành công trên sàn thương mại điện tử quốc tế; Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp trên nền tảng số, các giải pháp quảng bá trên nền tảng số, mạng xã hội tích hợp các giải pháp tài chính số tiếp sức kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử…