Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 6/2012. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Một trong những trọng tâm tại Phiên họp là Chính phủ tái khẳng định, trong những tháng cuối năm 2012, quan điểm nhất quán là vẫn kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, chưa thay đổi, điều chỉnh bất cứ mục tiêu nào.
Theo đó, tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2012 mà còn cho cả các năm tiếp theo, đây cũng là nền tảng để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững.
Kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực
Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2012, các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Theo đó, về giá cả, lạm pháp, nhờ thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các biện pháp kiềm chế lạm phát như thắt chặt tiền tệ, quản lý chặt chẽ chi tiêu và giảm bội chi ngân sách nhà nước, cắt giảm vốn đầu tư và đổi mới nâng cao hiệu quả đầu tư công… nên tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm ngay từ tháng 7/2011 và liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2012.
So với tháng 12/2011, CPI tháng 6/2012 tăng 2,52% so với tháng 12/ 2011 và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là cơ sở để điều hành lạm phát mục tiêu năm nay ở mức 7-8% và tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tiền tệ nhằm giảm chi phí lãi vay vốn trong những tháng còn lại của năm.
Nhiều biện pháp đã được thực hiện nhằm giảm mặt bằng lãi suất như giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, liên ngân hàng, trần lãi suất tiền gửi. Từ đầu năm đến nay, sau 3 lần điều chỉnh, trần lãi suất huy động đã giảm từ 14% xuống 9%. Hiện lãi suất cho vay các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ phổ biến ở mức 12%-13%/năm, cho vay sản xuất kinh doanh khác 14%-17,5%... Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng, do phải tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2012 đạt thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước và thấp hơn so với kế hoạch đề ra, nhưng bắt đầu có xu hướng cải thiện hơn trong quý 2 (GDP quý 1/2012 đạt 4%, quý 2/2012 đạt khoảng 4,66%). Tính chung, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 4,38%.
Trong những tháng đầu năm, ngành công nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn do giá đầu vào và lãi suất ở mức cao, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao… song nhờ thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp 4 tháng gần đây đã có chuyển biến và có chiều hướng cải thiện khá rõ nét, nhất là công nghiệp chế biến. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển tương đối ổn định, tăng 3,8%, trong đó nông nghiệp tăng 3%, lâm nghiệp tăng 5,7%, thủy sản tăng 5,8%...
Về thực hiện mục tiêu bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như, hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số để ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; trợ cấp xã hội (thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên cho gần 2,3 triệu người thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội); đào tạo nghề cho lao động nông thôn; điều chỉnh mức lương tối thiểu… Ngoài ra, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tiếp tục có chuyển biến tích cực. So với cùng kỳ, trong 6 tháng đầu năm 2012, số vụ tai nạn giao thông giảm 21,6%, số người chết giảm 16,7% và số người bị thương giảm 21,6%.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế-xã hội vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do lãi suất còn cao và không đáp ứng được các điều kiện vay; chỉ số tồn kho vẫn ở mức cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng…
Ổn định kinh tế vĩ mô, nền tảng để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững
Nhấn mạnh giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô được coi là yếu tố quyết định, mang tính nền tảng, nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, bên cạnh việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, nhưng phải nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để bảo đảm thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã đề ra.
Cho biết những khó khăn, thách thức mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt, trong đó có khó khăn về thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản như lúa gạo , cao su, cá tra… cùng với đó, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ nông dân thông qua tái cơ cấu nợ, cho vay mới; có chính sách hợp lý để hỗ trợ các hộ nông dân nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh… đồng thời cũng cho rằng các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ rừng…
Khẳng định chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp để giải quyết hàng tồn kho qua xúc tiến thương mại ở cả thị trường ngoài nước và thị trường nội địa.
Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích sản xuất đối với những lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, các hoạt động dịch vụ, du lịch chất lượng cao. Thực hiện các biện pháp để duy trì đà tăng trưởng cao của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, tạo nhiều việc làm như lúa gạo, hải sản, dệt may, giầy dép. Theo dõi sát trị trường ngoại hối, bảo đảm tỷ giá ở mức hợp lý, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng nhấn mạnh quan điểm cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng như tăng cường hoạt động bảo lãnh khoản vay; bảo hiểm tín dụng xuất khẩu; dành ưu tiên tín dụng đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động.
Chung sức, chung lòng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều khẳng định sự quyết tâm cao độ trong việc bám sát, triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2012 và các năm tiếp theo, nhất là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giữ tăng trưởng ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội.
Lãnh đạo các địa phương nhận định, trong những tháng gần đây, nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục; các chỉ số tăng trưởng sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ, tiêu dùng đã đạt mức tăng khá; số doanh nghiệp ngừng hoạt động đã giảm hẳn, cùng với đó nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu khôi phục sản xuất; công tác bình ổn giá, đưa hàng hóa về nông thôn, hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế được thực hiện tốt, mang lại hiệu quả tích cực trong kiềm chế lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lai Châu, Nghệ An, Phú Yên, Gia Lai… đã nêu những kiến nghị, đề xuất của địa phương như đề nghị Chính phủ tiếp tục có sự chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với các địa phương trong tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; chỉ đạo thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế nhưng không làm tràn lan, làm ảnh hưởng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát; xem xét việc tạm ứng vốn ngân sách 2013 cho các dự án, công trình cấp bách, có khả hoàn thành trong năm 2012 để phục vụ các mục tiêu tăng trưởng và phát triển; kiểm soát, giải quyết tốt vấn đề về nợ xấu ngân hàng; sớm điều chỉnh các tiêu chí về nông thôn mới theo hướng mềm dẻo và linh hoạt hơn cho phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương; hỗ trợ địa phương thực hiện công tác di dân, tái định cư khi xây dựng các dự án thủy điện.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế khả thi để các địa phương thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ ngư dân bám biển và làm giàu từ biển; kiểm soát tốt trị trường ngoại hối, bảo đảm tỷ giá ở mức hợp lý.
Kiên định các mục tiêu đã đề ra
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, với nỗ lực chung của cả nước, 6 tháng đầu năm 2012, kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra. Những kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực đặc biệt là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; tái cơ cấu kinh tế; bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm cho thấy triển vọng 6 tháng cuối năm sẽ có tăng trưởng, chuyển biến tốt hơn.
Sau khi phân tích, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện những tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong những tháng cuối năm 2012 quan điểm nhất quán là vẫn kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, chưa thay đổi, điều chỉnh bất cứ mục tiêu nào. Theo đó, tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2012 mà còn cho cả các năm tiếp theo, đây cũng là nền tảng để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững. Đồng thời tập trung duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 5,2%-5,7%), duy trì tăng trưởng hợp lý nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, làm lạm phát cao trở lại ; không vì tăng trưởng mà để lạm phát cao cho những năm tiếp theo.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ, phù hợp với các cân đối vĩ mô; đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay theo chiều hướng giảm dần của chỉ số giá tiêu dùng; điều hành ổn định tỷ giá ; đánh giá thực trạng tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng, cũng như các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của toàn hệ thống nhằm kịp thời đề xuất các giải pháp điều hành tín dụng hợp lý. Chủ động, linh hoạt trong xử lý nợ xấu; khẩn trương cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (7-8%); nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tập trung tháo gỡ, hỗ trợ cho sản xuất, trong đó có tăng tín dụng, giải ngân cho hết số vốn đã bố trí . Ưu tiên tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; sản xuất hàng xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; thực hành tiết kiệm triệt để, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu qua các hàng rào kỹ thuật, nhất là kiểm soát, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm nông sản. Xây dựng cơ chế chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, mặt khác kiểm soát chặt chẽ lượng hàng nhập khẩu; thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Tài c hính tính toán các khả năng về thu chi ngân sách, không để đảo lộn thu chi ngân sách; kiểm soát kỹ lại nguồn thu. Giữ mức bội chi ngân sách không vượt quá chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Thực hiện chính sách tài khóa một các hợp lý, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ, tín dụng, nhằm tăng tổng cầu của nền kinh tế; t hực hiện các biện pháp hỗ trợ thuế đúng đối tượng ưu tiên nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh và kích thích tổng cầu phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Khẩn trương rà soát, xử lý vốn đối ứng nhằm thúc đẩy nhanh các dự án ODA. Thu hút mạnh đầu tư nước ngoài vào các công trình, nhà máy sử dụng công nghệ cao. Tiếp tục chỉ đạo khẩn trương tính toán, tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia... nhằm kích thích nhu cầu trong nước. Quan tâm hơn nữa tới công tác bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động mất việc từ các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, giải thể hoặc ngừng hoạt động; dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân; đưa bảo hiểm y tế trở thành một trong những chỉ tiêu phấn đấu trong phát triển kinh tế-xã hội vào năm 2013. Đồng thời tăng cường công tác giải quyết khiếu nại tố cao, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, gây tổn hại sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp, định hướng thông tin, đối thoại về các chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công. Các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân; thông tin trung thực, khách quan về mọi mặt kinh tế-xã hội nhằm định hướng dư luận xã hội, tạo đồng thuận, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong năm 2012 và các năm tiếp theo.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo, thảo luận về lộ trình và phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; phương án thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước theo cơ chế thị trường; dự thảo chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; Tờ trình về dự án Luật Phòng chống khủng bố; Tờ trình về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai./.