Ảnh minh họa. |
Chính phủ đã chỉ đạo từ năm 2014 trở đi, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng năm chủ động xây dựng kế hoạch và các biện pháp tiết giảm chi phí quản lý, giảm giá thành cùng với kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, báo cáo nêu giải pháp đã được áp dụng. Một trong 10 giải pháp chủ yếu thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2015 được Chính phủ đề cập là tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành sẽ được hoàn thành, toàn bộ vốn nhà nước ở các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối sẽ được giảm và bán theo nguyên tắc thị trường. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, việc thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật, tách bạch nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích cũng được đề cập rõ.
Tuy nhiên, đánh giá quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp có chuyển biến, song Ủy ban Tài chính - Ngân sách khẳng định chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu. Hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các doanh nghiệp còn thấp, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp vẫn chậm, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Một số đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ khó đòi lớn, để hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển, hiệu quả sử dụng vốn thấp. Tình trạng chi vượt dự toán vẫn xảy ra, còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, để xảy ra lãng phí. Năm 2014, hệ thống kho bạc nhà nước đã phát hiện 36.500 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối chưa thanh toán với số tiền 40 tỷ đồng, từ chối thanh toán 90 tỷ đồng vốn đầu tư do một số chủ đầu tư đề nghị thanh toán không đúng quy định.
P.V