TIN LIÊN QUAN | |
Bộ Ngoại giao nhận Thư khen của Thủ tướng | |
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội: Câu chuyện chưa kể của lễ tân Ngoại giao |
Chuyến thăm hữu nghị chính thức tới Việt Nam của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhân Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội đã khiến giới săn tin thực sự “phát cuồng”. Hơn 3.000 nhà báo quốc tế “đổ bộ” đến Thành phố vì Hòa Bình không chỉ bởi hội nghị lịch sử mà còn bởi đây là cơ hội hiếm hoi để họ kiếm tìm những manh mối thông tin về nhà lãnh đạo Triều Tiên đương nhiệm.
Kể từ khi kế nhiệm vai trò lãnh đạo đất nước sau khi cha ông là Kim Jong-il qua đời, Kim Jong-un đã cải thiện đáng kể quan hệ của Triều Tiên với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là với Mỹ - sau hai cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore (tháng 6/2018) và tại Hà Nội (tháng 2/2019). Ngoài 4 chuyến thăm tới Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới mà nhà lãnh đạo Triều Tiên tới thăm kể từ khi đảm nhiệm cương vị này. Chuyến thăm hữu nghị chính thức tới Việt Nam của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra trong hai ngày (từ 1-2/3), ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 kết thúc.
5 ngày của Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội không khiến báo giới tốn nhiều giấy mực như họ kỳ vọng bởi sự hoạt động quá hiệu quả của lực lượng an ninh. Là người đảm nhiệm vai trò điều phối công tác lễ tân ngoại giao trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của ông Kim Jong-un và sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, Cục trưởng Mai Phước Dũng có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đây cũng là dịp để ông biết thêm nhiều điều về nhân vật quan trọng này.
Đoàn tàu bọc thép chở Chủ tịch Kim Jong-un đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), ngày 26/2. |
Chuyến tàu đặc biệt tới Đồng Đăng
Trước và sau khi đoàn tàu bọc thép của ông Kim Jong-un khởi hành tới Hà Nội, cả thế giới vẫn đồn đoán về phương tiện thực sự mà nhà lãnh đạo Triều Tiên sử dụng. Ít người tin rằng ông Kim có đủ kiên nhẫn cho hành trình kéo dài 60 giờ đồng hồ thay vì vài giờ đồng hồ di chuyển bằng máy bay.
“Việt Nam, không chỉ với vai trò là nước chủ nhà cho sự kiện Thượng đỉnh Mỹ - Triều mà còn cho cả chuyến thăm của ông Kim tới Hà Nội, vì thế, từ ngày 17/2, các cơ quan chức năng phía Việt Nam và đoàn tiền trạm của Triều Tiên đã đi khảo sát ga Đồng Đăng để chuẩn bị cho việc đón tiếp ông Kim tại đây” – Cục trưởng Mai Phước Dũng tiết lộ.
Mặc dù cỡ đường ray từ ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) tới ga Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) cũng phù hợp với đoàn tàu của Chủ tịch Kim Jong-un, tuy nhiên, phía bạn lo ngại hạ tầng kỹ thuật của tuyến đường sắt này có thể không đáp ứng được yêu cầu của đoàn tàu bọc thép. Chính vì vậy, phương án được cả hai bên nhất trí là đoàn tàu sẽ dừng ở ga Đồng Đăng, sau đó, Chủ tịch Kim Jong-un sẽ tới Hà Nội bằng chuyên xa. Đoàn tiền trạm của Triều Tiên tỏ ra khá chu đáo khi cung cấp luôn bản vẽ kỹ thuật về cầu đón Chủ tịch Kim và hai chiếc xe limousine đặc chủng (nặng khoảng 6 tấn mỗi chiếc) xuống ga Đồng Đăng an toàn và đảm bảo thời gian.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un xuống tàu tại ga Đồng Đăng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
“Trên thực tế, sáng 26/2, sau khi tàu vào ga, đội hỗ trợ chỉ mất đúng 3 phút để di chuyển hai chiếc xe xuống sân ga. Điều khó khăn nhất không phải là việc chuẩn bị cho hạ tầng ở sân ga mà là chuẩn bị làm sao để không gây sự chú ý của truyền thông. Trong thời điểm đó, nhất cử nhất động ở ga Đồng Đăng đều được báo chí soi rất kỹ ” – ông Mai Phước Dũng chia sẻ.
Theo kế hoạch, sáng 26/2 đoàn tàu bọc thép đến Lạng Sơn thì các phương án chuẩn bị được giữ kín đến ngày 25/2. Trong một đêm, 400 lá cờ Triều Tiên được in xong và chuyển ngay lên Lạng Sơn để treo dọc các tuyến phố chính và hàng ngàn lá cờ vẫy được chuẩn bị để phát cho quần chúng chào đón ở hai bên đường, khi đoàn xe chở Chủ tịch Kim Jong-un đi qua.
Tuy nhiên, từ ngày 26/2 cho đến trước khi Chủ tịch Kim có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Trump vào chiều 28/2, dư luận không tìm được thông tin nào đáng kể về Kim Jong-un, trừ hoạt động của ông ở Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội. Có ống kính truyền thông quốc tế cho rằng đã nhìn thấy ông ngồi hút thuốc ngoài một ban-công của khách sạn Melía Hanoi và phán đoán đó không phải ban-công của phòng Tổng thống mà khách sạn dành cho ông; Hay là chuyện 6 tầng của khách sạn Melía dành riêng cho đoàn Triều Tiên được bảo vệ nghiêm ngặt, nội bất xuất, ngoại bất nhập; Đến chuyện đầu bếp riêng của ông Kim Jong-un cũng đi cùng từ Triều Tiên qua và đảm nhiệm việc nấu ăn cho ông trong gần suốt 5 ngày ở Hà Nội... Tất cả chỉ là những tin đồn chưa kiểm chứng.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần đầu tiên của ông kể từ khi lên vị trí Lãnh đạo tối cao tại Triều Tiên vào năm 2011. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Lắng đọng những nghĩa tình
Trưa 28/2, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 kết thúc mà không có thỏa thuận nào được ký kết. Sau cuộc họp báo nhanh tại Khách sạn Marriott, Tổng thống Donald Trump lập tức chào từ biệt nước chủ nhà Việt Nam để về nước. Riêng đoàn Triều Tiên thì vẫn ở lại Hà Nội để tiếp tục kế hoạch thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un, diễn ra từ ngày 1-2/3. Có lẽ, chính Chủ tịch Kim Jong-un cũng không ngờ rằng, những hoạt động sôi nổi, trọng thị và thân tình trong chuyến thăm Việt Nam đã làm thay đổi gần như hoàn toàn tâm trạng kém vui của ông sau cuộc đàm phán với Tổng thống Trump.
Ngay tối 28/2, buổi tổng duyệt Chương trình nghệ thuật nằm trong khuôn khổ tiệc chiêu đãi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dành cho phái đoàn của Triều Tiên được tiến hành. Theo yêu cầu đặc biệt từ phía bạn, chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam đã từng giành giải cao tại Liên hoan nghệ thuật hữu nghị Mùa xuân Bình Nhưỡng, trong đó có NSND Quang Thọ, NSND Thái Bảo, NSƯT Hoàng Xuân Bình…
Những hoạt động sôi nổi, trọng thị và thân tình trong chuyến thăm Việt Nam đã làm thay đổi gần như hoàn toàn tâm trạng của ông Kim Jong-un. (Ảnh: Tuấn Mark/Soha) |
Chiều 1/3, Lễ đón chính thức Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức đón Nguyên thủ quốc gia. Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sau lễ đón, Chủ tịch Kim Jong-un đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành khi Việt Nam đã dành cho cá nhân ông và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Triều Tiên sự tiếp đón trọng thị, thân tình và chu đáo, cũng như tích cực hỗ trợ cho việc tổ chức Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, tại Hà Nội.
Tại tiệc chiêu đãi tối 1/3, những người ngồi gần Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong–un đều không khó để nhận ra mắt ông rưng rưng và miệng lẩm nhẩm hát theo khi nghe NSND Thái Bảo thể hiện ca khúc Đam mê, ca ngợi cha mình là cố Chủ tịch Kim Jong-il. Cuối chương trình, nhà lãnh đạo Triều Tiên yêu nghệ thuật đã dành bó hoa tươi thắm để cảm ơn ca sĩ đã tặng ông món quà tinh thần vô giá này. Ông cũng tỏ ra thích thú khi tìm hiểu những nhạc cụ dân tộc Việt Nam khi ngồi thử chơi đàn bầu và đàn K'lông pút...
Ông Kim Jong-un chắp tay cảm ơn, chào tạm biệt Việt Nam tại ga Đồng Đăng, ngày 2/3. (Ảnh: Tuấn Mark/Soha) |
Người ta dễ dàng nhận thấy, ông Kim Jong-un tỏ ra khá tươi tắn và thoải mái trong suốt chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Ông đặc biệt xúc động khi ngắm lại những bức ảnh về hai chuyến thăm Việt Nam của ông nội mình – cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), vào năm 1958 và 1964; hay khi ông nhận món quà lưu niệm từ Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là bức tranh phủ vàng, khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Triều Tiên năm 1957… Không riêng những cử chỉ thân mật mà các Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dành cho nhau trong suốt chuyến thăm mà cả hành động chắp hai tay giơ lên cao thay cho lời chào cảm tạ Việt Nam của Chủ tịch Kim ở ga Đồng Đăng hôm 2/3 đã nói lên rất nhiều điều.
Nếu như cả thế giới dõi theo Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vì vấn đề phi hạt nhân hóa thì chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Triều Tiên lần này là một trong những cơ hội hiếm hoi để người ta nhận ra rằng không chỉ có một nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần gũi và đời thường đến thế, mà còn có một Triều Tiên – chắc chắn không đến mức "bí ẩn" như người ta vẫn nghĩ.
Khánh Nguyễn (ghi)
“Quả ngọt” hậu Thượng đỉnh Mặc dù không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng, song Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội vẫn ... |
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong truyền thông Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều là một sự kiện quốc tế quan trọng, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Công tác ... |
Chuyện “ăn uống” tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều Câu chuyện "ăn uống" có thể là nhỏ bé tại sự kiện chính trị có tầm ảnh hưởng lớn đối với thế giới, nhưng lại ... |