📞

Tiêu điểm quốc tế trong tuần: Thượng đỉnh Mỹ-Nhật Bản 'nhắm' Trung Quốc, Nga-Ukraine chưa ngớt 'nóng', Tết buồn ở Đông Nam Á

Vinh Hà 14:00 | 17/04/2021
Thế giới tuần này tràn ngập tin tức liên quan đến Mỹ với những động thái như rút quân khỏi Afghanistan, lệnh trừng phạt mới với Nga hay Thượng đỉnh Biden-Suga trong khi căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục leo thang...
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide họp báo tại Vườn Hồng ngày 16/4. (Nguồn: Reuters)

Thông điệp của Thượng đỉnh Mỹ-Nhật Bản

Chuyến công du Mỹ từ ngày 16-19/4 của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Mỹ kể từ khi nhậm chức hồi tháng 9/2020 và là chuyến xuất ngoại thứ hai sau chuyến công du Việt Nam hồi cuối năm 2020.

Sự kiện quan trọng của chuyến thăm là cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Suga với Tổng thống Joe Biden vào ngày 16/4 - cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo hai nước kể từ khi Thủ tướng Suga nhậm chức.

Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các biện pháp làm sâu sắc hơn quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, thúc đẩy hợp tác kinh tế, công nghệ 5G, trí thông minh nhân tạo, chuỗi cung ứng chất bán dẫn và hàng loạt vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, như vấn đề hạt nhân Iran, bán đảo Triều Tiên, hợp tác chống biến đổi khí hậu và giải quyết các thách thức an ninh đang nổi lên ở châu Á-Thái Bình Dương.

Đặc biệt, cả Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Suga Yoshihide cùng phát đi cảnh báo về những động thái gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Phát biểu tại buổi họp báo chung, Thủ tướng Suga nêu rõ: “Chúng tôi nhất trí phản đối bất cứ nỗ lực nào làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc hành vi cưỡng ép tại Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

Theo nhà lãnh đạo Nhật Bản, Tổng thống Biden cũng nhắc lại rằng Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật - bao trùm quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) hiện nằm dưới sự quản lý của Tokyo - đang ngày càng trở nên thiết thực hơn.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato đánh giá chuyến thăm rất có ý nghĩa bởi chứng tỏ với thế giới sự đoàn kết của liên minh Nhật-Mỹ và cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương...

Có thể thấy rõ, kể từ khi nhậm chức hồi cuối tháng 1/2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trương củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác thân cận, trong đó có Nhật Bản - một trong những đồng minh gần gũi nhất của Mỹ ở châu Á.

Tháng trước, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đến Tokyo - chuyến công du nước ngoài đầu tiên của hai quan chức này kể từ khi nhậm chức.

Lãnh đạo các nước Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) đã họp thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên để thảo luận cách thức giải quyết “các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, đồng thời trao đổi quan điểm về các lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở và hội nhập”.

Một loạt cuộc tiếp xúc như vậy đã cho thấy nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden rất coi trọng mối quan hệ với Nhật Bản, và cả Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ ở châu Á.

Dịch Covid-19 diễn biến khá phức tạp tại Campuchia chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. (Nguồn: Getty)

Năm Mới đầy lo âu ở nhiều nước Đông Nam Á

Nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đang bước vào mùa lễ hội như Tết Songkran ở Thái Lan hay còn gọi là lễ hội té nước, Tết cổ truyền Boun Pi May của Lào, hay Lễ Chol Chnam Thmay đều là ngày Tết mừng năm mới ở các quốc gia có người Khmer sinh sống như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar...

Tuy nhiên, mùa lễ hội ở các nước lại diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến cho công tác chống dịch thêm phần khó khăn. Hàng loạt sự kiện mừng năm mới tại Campuchia, Thái Lan... đều bị hủy, hoãn.

Indonesia - ổ dịch nghiêm trọng nhất khu vực đã có hơn 1,5 triệu người dương tính với Covid-19, 124 người tử vong. Mỗi ngày quốc gia vạn đảo này ghi nhận thêm hàng nghìn người mắc bệnh.

Chương trình tiêm chủng của Indonesia đang bước vào giai đoạn hai, hướng đến các nhóm đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm, công chức, viên chức, người già và tiểu thương tại các khu chợ. Mục tiêu của nước này là đến tháng 7 tới có thể tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 70 triệu người.

Thái Lan ngày 16/4 thông báo có hơn 1.582 ca mắc mới Covid-19, số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát ở nước này và là số ca mắc cao kỷ lục thứ 5 trong tuần này. Đất nước nụ cười đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba của dịch Covid-19 và cơ quan chức năng đang gấp rút xây dựng thêm nhiều bệnh viện dã chiến.

Còn tại Campuchia, dịch Covid-19 đã diễn biến khá phức tạp chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Từ sau sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2 đến nay, dịch bệnh ngày càng bùng phát dữ dội hơn. Campuchia đã có hơn 4,8 nghìn trường hợp mắc Covid-19, 36 người tử vong, số ca liên quan tới vụ lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2 lên hơn 4 nghìn người.

Chính phủ Campuchia đã quyết định thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội tại thủ đô Phnom Penh hai tuần, từ đêm ngày 14 đến 28/4 tới.

Lào ngày 11/4 ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 1 năm. Hiện giới chức Lào đang đẩy mạnh hoạt động truy vết nguồn lây. Chính phủ Lào cấm tổ chức các sự kiện tập trung đông người nơi công cộng trong dịp Tết. Các lực lượng vũ trang tăng cường giám sát biên giới, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép.

Toàn bộ quân đội Mỹ sẽ rời khỏi Afghanistan trước ngày 11/9 tới. (Nguồn: Getty Images)

Mỹ tuyên bố rút quân sau 20 năm "chinh chiến" ở Afghanistan

Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch rút hoàn toàn quân Mỹ khỏi Afghanistan. Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Joe Biden cho biết sẽ là người chấm dứt cuộc chiến kéo dài 2 thập kỷ của Mỹ tại Afghanistan.

Theo đó, Mỹ sẽ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan từ ngày 1/5 và đến ngày 11/9 năm nay, toàn bộ quân đội Mỹ sẽ rời khỏi Afghanistan. Đây là thời điểm mang tính biểu tượng, đánh dấu 20 năm nước Mỹ bị tổ chức Al-Qaeda tấn công khủng bố.

Sau sự kiện khủng bố kinh hoàng 11/9/2001, Mỹ đã đưa quân đến Afghanistan. Có thời điểm, lực lượng lính Mỹ hiện diện tại đây lên tới 47.000 người. Cuộc chiến tại Afghanistan đã khiến hơn 2.200 binh lính Mỹ tử vong và tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD của Mỹ.

Đầu năm 2020, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã đạt được thỏa thuận với Taliban, theo đó Mỹ cam kết sẽ rút nốt 2.500 lính khỏi Afghanistan trước thời điểm 1/5 năm nay. Đổi lại, Taliban sẽ cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố như Al-Qaeda và tham gia vào những cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan.

Nối tiếp động thái của chính quyền Biden, ngày 15/4, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của 30 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thống nhất rút hết quân của liên minh này khỏi Afghanistan theo lộ trình mà Mỹ đã thông báo.

Hiện số binh sĩ NATO còn ở Afghanistan vào khoảng 9.600 người, trong đó Mỹ có 2.500 binh sĩ và Đức có 1.100 binh sĩ.

Các nhà phân tích nhận định, quyết định rút quân khỏi Afghanistan sẽ giúp Mỹ chấm dứt cuộc chiến hao người tốn của kéo dài nhất trong lịch sử quân đội Mỹ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, việc Mỹ và các nước trong NATO rút quân khỏi Afghanistan khi các thỏa thuận hòa bình chưa đạt được có thể khiến tình hình ở Afghanistan tiếp tục bất ổn. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát của các phe nhóm hồi giáo tại đây được đánh giá có thể sẽ còn kéo dài.

Trước những lo ngại, Mỹ tiếp tục cam kết hỗ trợ tiến trình hòa bình tại Afghanistan bằng nỗ lực ngoại giao giúp các bên đạt được giải pháp chính trị bền vững, công bằng.

Căng thẳng leo thang ở miền Đông Ukraine và giữa Ukraine với Nga. (Nguồn: Reuters)

Miền Đông Ukraine và Ukraine-Nga tiếp tục "dậy sóng"

Tình hình ở Donbass, miền Đông Ukraine đã trở nên phức tạp hơn từ cuối tháng 2/2021. Các vụ xả súng giữa quân đội Ukraine và phe ly khai được ghi nhận trong khu vực hầu như mỗi ngày, bao gồm cả việc sử dụng súng cối và súng phóng lựu đạn.

Các bên đã đổ lỗi cho nhau về sự leo thang căng thẳng. Giao tranh bùng nổ tại khu vực đường giới tuyến ở Donetsk, miền Đông Ukraine đã phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn mà các bên liên quan đạt được hồi tháng 7/2020.

Ngoài căng thẳng ở miền Đông Ukraine, những ngày qua còn chứng kiến sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố tập trận chung với binh sỹ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), còn Nga công khai đưa thiết bị hạng nặng áp sát biên giới Ukraine, đồng thời tiến hành tập trận tại bán đảo Crimea.

Động thái mới của Nga khiến Ukraine, Mỹ, EU và NATO đều không thể ngồi yên. Cùng với việc kêu gọi NATO tập trận chung, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski điện đàm, thảo luận với các đối tác phương Tây và thăm Thổ Nhĩ Kỳ.

Ukraine tiếp tục cáo buộc Nga làm nóng tình hình tại Donbass qua việc hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. Tổng thống Zelenski khẳng định, Mỹ và NATO ủng hộ Kiev ổn định tình hình miền Đông, đối phó việc Nga tăng cường lực lượng sát biên giới.

Trong khi đó, Ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh, Đức và Pháp trong các cuộc điện đàm cũng nhấn mạnh ủng hộ Ukraine.

Diễn biến tình hình hiện tại ở Ukraine và giữa Ukraine với Nga không chỉ khiến cho mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này gia tăng căng thẳng và đối địch mà còn đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và Nga cũng như giữa Nga với EU và NATO đến nhiều thách thức mới.

Nhiều nước đã kêu gọi các bên kiềm chế hành động có thể khiến căng thẳng tiếp tục leo thang. Các nước cho rằng, cần duy trì cơ chế đàm phán hòa bình 4 bên, giữa Nga, Đức, Pháp và Ukraine và triển khai đầy đủ thỏa thuận Minsk đã đạt được hồi năm 2015, nhằm khôi phục an ninh tại miền Đông Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, nước này sẽ có hành động đáp trả các lệnh trừng phạt mới của Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Mỹ bất ngờ áp lệnh trừng phạt, Nga đáp trả

Ngày 15/4, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất về một cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, chính quyền Mỹ vẫn công bố các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, trục xuất 10 nhân viên ngoại giao và trừng phạt 32 cá nhân.

Lý do được đưa ra là đáp trả những hành động mà Washington cáo buộc là sự can thiệp của Điện Kremlin vào bầu cử Tổng thống Mỹ và tấn công mạng quy mô lớn.

Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo trừng phạt 8 cá nhân và thực thể liên quan tới việc Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Australia và Canada đã áp dụng biện pháp trừng phạt Nga vì vấn đề tương tự. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố ủng hộ quyết định mới này của Mỹ.

Phản ứng được các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, Moscow đã phủ nhận mọi cáo buộc này và ngày 16/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, nước này quyết định trục xuất 10 nhà ngoại giao và đưa 8 quan chức Mỹ vào danh sách đen.

Các lệnh trừng phạt đáp trả lẫn nhau này được nhận định sẽ tiếp tục làm leo thang căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ. Trước đó, trong cuộc điện đàm vào ngày 13/4 giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Vladimir Putin, ông Biden đã bày tỏ lo ngại về việc Nga tăng quân đột ngột tại Crimea và biên giới Ukraine, đồng thời khẳng định sẽ hành động cương quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Các quan chức Mỹ cho biết sẽ nỗ lực kết hợp với các đồng minh nhằm nâng cao khả năng phát hiện và phản ứng với các hành động gia tăng ảnh hưởng của Nga.

Tuy nhiên trong cuộc điện đàm này, Tổng thống Biden nêu đề xuất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh song phương với Tổng thống Putin tại một nước thứ ba.

Nga kỷ niệm 60 năm ngày chuyến bay đầu tiên đưa con người vào vũ trụ và trở về an toàn. (Nguồn: AFP)

Dấu mốc 60 năm của công cuộc thám hiểm chinh phục vũ trụ

Ngày 12/4, nước Nga long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày nước Nga thực hiện thành công chuyến bay đưa người đầu tiên trên thế giới lên vũ trụ.

Cách đây 6 thập niên, ngày 12/4/1961, tàu vũ trụ Vostok chở theo nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin đã được phóng đi từ sân bay vũ trụ Baikonour ở Kazakhstan, khi đó còn thuộc Liên Xô.

Chuyến bay kéo dài chỉ 108 phút khi tàu hoàn thành một vòng quay quanh quỹ đạo trái đất và trở về nhưng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử khám phá không gian và trở thành niềm tự hào của nước Nga.

Kể từ đó, ngày nhà du hành vũ trụ Gagarin thực hiện chuyến bay vào vũ trụ đã được lấy làm Ngày Du hành vũ trụ Nga.

Sau 60 năm, phi hành gia Yuri Gagarin, vẫn được người Nga nhắc tới như một người anh hùng của dân tộc. Hằng năm, rất đông người dân Nga vẫn tới đặt hoa tại các địa điểm tưởng niệm ông trên cả nước trong ngày 12/4.

Phát biểu nhân dịp kỷ niệm 60 năm sự kiện lịch sử trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, Nga cần phải duy trì vị thế là một trong những cường quốc hàng đầu trong sự nghiệp chinh phục không gian vũ trụ, cũng như ứng dụng hạt nhân vào các mục đích hòa bình. Ông đề nghị tăng 50% mức lương cho các phi hành gia Nga và 70% mức lương cho các ứng viên du hành vũ trụ.

Cũng trong ngày 12/4, Tổng thống Putin đã đến đặt hoa tại Đài tưởng niệm được xây dựng ở vùng Saratov (Nga), gần thành phố Engels, nơi chiếc tàu vũ trụ chở phi hành gia Yuri Gagarin hạ cánh sau chuyến bay lịch sử đầu tiên của con người vào không gian vũ trụ.

Quần thể công viên và đài tưởng niệm những người chinh phục vũ trụ được khánh thành đúng ngày 12/4 năm nay, nhân kỷ niệm tròn 60 năm dấu mốc đáng nhớ của nước Nga nói riêng và của công cuộc thám hiểm chinh phục vũ trụ của nhân loại nói chung.