Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo và đại diện 6 nhà tài trợ lớn cho Việt Nam gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Cuộc họp nhằm thống nhất các biện pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi trong bối cảnh những năm gần đây tỷ lệ giải ngân của nhóm 6 ngân hàng có xu hướng giảm.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn nước ngoài đang là vấn đề lớn mà Chính phủ Việt Nam quan tâm thúc đẩy.
Năm 2018, mức giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi cấp phát từ ngân sách Trung ương chỉ đạt 53,6% kế hoạch Quốc hội giao.
Những tháng đầu năm 2019, mới giải ngân được gần 2 nghìn tỷ đồng, đạt 7% trên tổng số hơn 28 nghìn tỷ đồng kế hoạch được giao.
“Thực tiễn trên đòi hỏi chúng ta phải xác định rõ các căn nguyên, những vương mắc cản trở việc thực hiện và giải ngân các dự án, đưa ra được các giải pháp khắc phục và kế hoạch hành động hiệu quả để thúc đẩy”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội 2021-2025. Đối với nguồn vốn nước ngoài, Chính phủ chủ trương tiếp tục huy động và sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, Việt Nam đã chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình, đã không còn được nhận các khoản vay của Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới và nguồn vốn từ Quỹ phát triển Châu Á (ADF) của Ngân hàng phát triển châu Á. Nguồn vốn ODA của các đối tác phát triển khác cũng đang giảm đáng kể, thay vào đó là các nguồn vốn vay ưu đãi.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1489/QĐ-Ttg ngày 6/11/2018 phê duyệt Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn 2021-2025 làm cơ sở để các cơ quan của Việt Nam và các đối tác phát triển xác định các lĩnh vực ưu tiên, lựa chọn các dự án tốt để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Khung quan hệ đối tác ODA giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mong muốn nhận được sự tham gia, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Nhóm 6 nước Ngân hàng phát triển, các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình xây dựng Kế hoạch 5 năm phát triển của Việt Nam, trong đó xác định nhu cầu, lập kế hoạch và bố trí nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi để tránh những bất cập trong việc bố trí kế hoạch vốn nước ngoài như trong giai đoạn vừa qua.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đề nghị các đại biểu thảo luận để xây dựng một cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả giữa Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi và Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận động, quản lý và thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn của các đối tác phát triển này.
Tính đến năm 2018, Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới, trong đó khoảng 80% là của 6 ngân hàng trên. Trong số 80 tỷ USD, 7 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại, trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2% và 1,62 tỷ USD vốn vay kém ưu đãi nhưng lãi suất vẫn thấp hơn vốn vay thương mại. Năm 2018, tổng số vốn cam kết của 6 ngân hàng là 28,9 tỷ nhưng vốn cam kết chưa giải ngân hiện vẫn ở mức cao, khoảng 16,9 tỷ USD, bằng khoảng 7% GDP của Việt Nam. |