Sinh hoạt chuyên đề với chủ đề "Các nguyên tắc trong việc lựa chọn thực đơn chiêu đãi đối ngoại". (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tại buổi sinh hoạt chi bộ, các đồng chí Đảng viên hai chi bộ đã cùng nghe chia sẻ và trao đổi về thực đơn trong tiến trình lịch sử quan hệ quốc tế; các nguyên tắc lựa chọn thực đơn và thực tiễn trong lựa chọn thực đơn chiêu đãi đối ngoại thời gian qua.
Theo đó, từ “thực đơn” có nguồn gốc tiếng Pháp là Menu (tiếng Latinh minutus). Vào thế kỷ 17, “Menu” lần đầu được dùng để chỉ thứ tự các món dọn ra trong một bữa ăn, ban đầu là cho đầu bếp biết thứ tự nấu, sau này mới được dùng cho thực khách.
Thực đơn chiêu đãi đối ngoại gắn liền với lịch sử quan hệ quốc tế, trong đó phải kể đến các bữa tiệc nổi tiếng thế giới, có ý nghĩa làm thay đổi “cục diện” như bữa tiệc vào tháng 6/1790 mà ông Thomas Jefferson mời James Madison và Alexander Hamilton, thuyết phục họ đồng ý cho phương án lựa chọn địa điểm đặt thủ đô của nước Mỹ.
Hay năm 1814-1815, Đại hội Vienna (Vienna Congress) mở ra năm hòa bình cho châu Âu, Hoàng đế và Hoàng hậu Áo mở yến tiệc với 10.000 thực khách; tiệc chiêu đãi năm 1972 trong chuyến thăm của Richard Nixon tới Trung Quốc – Tuần lễ thay đổi cả thế giới.
Và tại Việt Nam, thực đơn chiêu đãi đối ngoại đã xuất hiện trong các bữa đại yến, cỗ bàn được tổ chức để tiếp các sứ thần, quan chức hay cho các vị tân khoa đỗ tiến sĩ.
Đảng viên Nguyễn Thị Bình (Chi bộ Cục Lễ tân Nhà nước) chia sẻ về các nguyên tắc trong việc lựa chọn thực đơn chiêu đã đối ngoại. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Việc lựa chọn thực đơn thể hiện sự chu đáo, tôn trọng khách, giúp tạo ra bầu không khí thân mật, gần gũi, góp phần đạt được các mục tiêu đối ngoại.
Chính vì vậy, việc chọn thực đơn trong chiêu đãi chính thức luôn được xem xét cẩn trọng, phù hợp với tính chất, bối cảnh, thời gian diễn ra buổi tiệc.
Đây cũng là kênh tốt để nước chủ nhà giới thiệu ẩm thực của mình một cách tinh tế, mặt khác, thể hiện sự tôn trọng, chu đáo đối với khách.
Vậy nguyên tắc lựa chọn thực đơn là gì?
Trước hết, việc lựa chọn thực đơn cần phải phù hợp với hình thức, tính chất buổi tiệc. Trong đó, có một số hình thức tiệc đặc thù như ăn sáng thì sẽ lựa chọn các món như truyền thống, bánh mì, nước quả, trà cà phê..; tiệc trà thì thường sẽ có trà, đồ ngọt, đồ ăn vặt, nước quả…; tiệc cocktail thường sẽ có rượu, đồ nguội…
Thứ hai, lựa chọn thực đơn cần đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, ngon miệng, hài hoà gắn kết giữa các món với nhau.
Thứ ba, có cách trình bày phù hợp, thực đơn chiêu đãi chính thức thường có quốc huy; tên món ăn được đặt tinh tế, hấp dẫn nhưng tránh rườm rà, khó hiểu và không phù hợp.
Thứ tư, thực đơn phải phù hợp với đối tượng được mời bao gồm chức danh, thứ bậc, sở thích, khẩu vị và các thông tin ăn kiêng, văn hóa, phong tục, tôn giáo của người được mời; tránh các loại đồ ăn kén người dùng.
Thứ năm, trong các tiệc chiêu đãi, nhiều nước sử dụng nó như một phương thức ngoại giao nhằm giúp truyền tải thông điệp, quảng bá văn hoá ẩm thực, làm nổi bật di sản ẩm thực của dân tộc đồng thời thể hiện khả năng thích ứng và cởi mở với thế giới.
Sau khi lắng nghe những chia sẻ, Đảng viên hai chi bộ đã có những trao đổi liên quan đến chủ đề của buổi sinh hoạt như cách bài trí thực tiễn tại một buổi chiêu đãi cụ thể, hay cách sắp xếp bàn tiệc, cách làm sao để truyền tải thông điệp qua những món ăn trong bữa tiệc chiêu đãi.
Thông qua buổi sinh hoạt chi bộ, cán bộ đảng viên hai chi bộ đã hiểu thêm được ý nghĩa, cách lựa chọn thực ra chiêu đãi đối ngoại, từ đó, góp phần vào công việc thực tiễn trong quá trình công tác, giúp các bữa tiệc diễn ra một cách thành công, mang lại những giá trị tích cực, chuyển tải hình ảnh về một Việt Nam trọng thị và hiếu khách.