Các nhà khảo cổ thuộc Đại học Quốc gia Australia vừa tìm thấy các mảnh vỡ của một chiếc rìu cổ ở miền Tây nước này. Độ tuổi của chiếc rìu được xác định khoảng 44.000 đến 49.000 năm.
“Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra rằng, những chiếc rìu tìm thấy ở Australia có niên đại cổ xưa hơn những vật dụng cùng loại ở nhiều nơi khác" - Giáo sư Peter Hiscock (Đại học Sydney), người đã phân tích các mảnh vỡ cho biết.
Hai mặt của chiếc rìu đá tiền sử. (Nguồn: CNN) |
Các nhà khoa học tin rằng, những người cổ đại đã chế tạo công cụ này sau khi họ di cư từ khu vực Đông Nam Á đến châu lục Australia. Những lưỡi rìu đá đã giúp họ tồn tại và thích nghi với khí hậu khác biệt.
"Vì chưa tìm thấy chiếu rìu cổ đại nào thuộc kỷ Băng Hà ở khu vực Đông Nam Á, nên phát hiện này cho chúng ta thấy rằng, khi con người đến Australia, họ bắt đầu thử nghiệm chế tạo công cụ mới, tìm cách để khai thác các nguồn thực phẩm từ thiên nhiên tại đây" – Giáo sư Hiscock nói.
Người cổ đại ở Australia tạo hình lưỡi rìu bằng cách mài nó vào đá sa thạch (loại đá tương đối mềm) và sử dụng nó làm vũ khí, chặt cây cối và bóc tách vỏ sò...
Ông cho biết thêm, các lưỡi rìu như thế này chưa từng được tìm thấy ở nơi nào trên thế giới, cho đến sau khi nền nông nghiệp cổ đại ra đời vào khoảng 10.000 năm trước đây.
"Hiện vật bằng đá tìm thấy ở Australia trước đây thường được mô tả khá đơn giản. Nhưng trong trường hợp này thì không phải vậy. Những chiếc rìu có tay cầm vừa được tìm thấy đã được chế tạo sớm hơn ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới" – vị Giáo sư Đại học Sydney khẳng định.