📞

Tin bất động sản hôm nay 22/1: Giá đất Đà Nẵng ‘chìm nghỉm’; Tòa nhà văn phòng đắt nhất Hà Nội; Lý do nhà hướng Nam ‘đại cát, đại lợi’

Hoàng Nam 08:25 | 22/01/2021
TGVN. Thị trường địa ốc Đà Nẵng giảm sâu, nhất là đất nông nghiệp; TP. HCM dư thừa nhà ở cao cấp ở mức báo động, lý do nhà hướng Nam được cho là ‘đại cát, đại lợi’… là những tin bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản hôm nay 22/1: Tòa nhà văn phòng đắt nhất Hà Nội. (Nguồn: Savills Việt Nam)

Tin bất động sản hôm nay ở miền Bắc

Theo Báo cáo Bất động sản 6 tháng cuối năm 2020 của Savills Việt Nam, thị trường văn phòng đã có sự cải thiện đáng kể trong quý IV, cả về giá và công suất thuê.

Theo đó, thị trường đón nhận nguồn cung mới từ một vài dự án, nổi bật như tòa Century Tower tại Times City với trên 30.000m² sàn, hay tòa Capital Place với 94.000m² sàn.

Nguồn cung văn phòng Hà Nội tính đến hết năm 2020 ước tính đạt 2 triệu m², mặt bằng giá thuê khoảng 20 USD/m².

Trong đó, chiếm đa số là văn phòng hạng B, phân bố khá đồng đều trên toàn Hà Nội. Đồng thời, hạng C cũng có nguồn cung khá lớn, tập trung nhiều nhất tại khu vực Cầu Giấy, giá thuê dao động từ 13-19 USD/m².

Trái lại, nguồn cung hạng A khiêm tốn hơn. Ngoài ra, hầu hết những dự án văn phòng hạng A đã được phát triển từ rất lâu nên gặp khó khăn trong việc tăng giá thuê.

Tuy nhiên, dù là một dự án có tuổi đời hơn hai thập kỷ nhưng tòa nhà International Centre tại số 17 Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn đang chào thuê với mức giá "đắt xắt ra miếng".

Theo Savills Việt Nam, tòa nhà văn phòng cho thuê này đang đưa ra mức giá được coi là cao nhất tại thị trường Hà Nội hiện nay.

International Centre được đầu tư xây dựng bởi tập đoàn Keppel Land (Singapore), đưa vào sử dụng từ năm 1995. Công trình gồm 8 tầng, diện tích sàn khoảng 1.000m², diện tích cho thuê là 7.000m².

Tòa nhà tọa lạc tại một trong những vị trí vàng của trung tâm thành phố, cùng khu vực các tòa hạng A, Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thương mại, Ngân hàng Nhà nước, Bưu điện Trung tâm, Khách sạn Sofitel Metropole, Hilton Opera Hà Nội và Hồ Hoàn Kiếm với nhiều quán cà phê, quán rượu và nhà hàng nổi tiếng.

Sau khi cải tạo và ra mắt trở lại thị trường vào cuối quý IV/2020, mức giá chào thuê tại đây đã đạt mức 48 USD/m², gấp gần 2,5 lần so với bình quân thị trường.

Với việc cho thuê mặt sàn có diện tích tiêu chuẩn là 110m², 197m², 226m², 324m², 500m², ước tính các công ty phải trả ít nhất từ 116 triệu đến 528 triệu đồng mỗi tháng nếu muốn ngồi làm việc tại đây.

Tin bất động sản hôm nay ở miền Trung

Sau cuộc sốt đất đi vào lịch sử cách đây khoảng 2 năm, thị trường đất tại Đà Nẵng đã ở giai đoạn giảm sâu và phần nào "đóng băng" ở một số phân khúc.

Khảo sát thị trường cho thấy, đất nền ở Đà Nẵng tiếp tục giảm giá. Một số khu vực thuộc khu đô thị Phước Lý (quận Cẩm Lệ), giá đất nền đã giảm rất sâu so với giai đoạn trước Tết Nguyên đán 2020 và sau đợt dịch đầu tiên.

Tại KĐT sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), KĐT Nam Hòa Xuân (quận Ngũ Hành Sơn), thời điểm giá sốt lên đến 4 tỷ đồng/lô thì nay giảm còn khoảng 3 tỷ đồng/lô. KĐT FPT City, thời điểm giá cao nhất 3 tỷ đồng/lô, diện tích 90m² thì nay còn được rao dao động khoảng 2 tỷ đồng.

Không chỉ đất nền, đất thổ cư rớt giá, mà đất nông nghiệp tại Đà Nẵng cũng rớt sâu, chỉ dao động khoảng vài trăm ngàn đồng/m².

Trên trang muaban, một mảnh đất vườn có diện tích 1.456m² ở quận Liên Chiểu có giá là 900 triệu đồng, tương đương khoảng 618.000 đồng/m². Mảnh đất này được quảng cáo là đã có sổ đỏ, thậm chí có nhà, chuồng trại và một số công trình phụ khác.

Những người tham gia môi giới cho rằng, bất động sản Đà Nẵng đã bị đẩy giá lên cao, có khu vực tăng đến gấp 10 lần giai đoạn 2011-2013. Một số khu vực nóng ở Hòa Xuân (Cẩm Lệ), Bắc Hòa Liên, Hòa Sơn (Hòa Vang), ven sông Cổ Cò (Ngũ Hành Sơn) đã có sự tăng vọt giá đất, nhất là đất nền vì liên quan các dự án quy hoạch hạ tầng. Nhiều khu đất từ 400 triệu đồng đã có giá 3 tỷ đồng/lô đất nền trong vòng chưa đến hai năm.

Nhiều người nhận định, với tình hình thị trường đất hiện tại ở Đà Nẵng, khả năng cao việc "đóng băng" sẽ còn kéo dài ít nhất đến khi dịch Covid-19 ổn định.

Tin bất động sản hôm nay ở miền Nam

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa công bố báo cáo nhà ở năm 2020 với quan ngại thừa nguồn cung nhà cao cấp đang khiến thị trường bất động sản TP. HCM phát triển kém bền vững.

Việc thừa nhà cao cấp, thiếu nhà giá rẻ ảnh tại TP. HCM hưởng đến đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người dân có thu nhập trung bình. (Nguồn: Jamona Eco)

Khảo sát từ thực tế dự án nhà ở đang chào bán trên thị trường, phân khúc cao cấp chiếm tỷ lệ khoảng 70%. Đây là thế áp đảo trên thị trường bất động sản năm 2020.

Phân khúc nhà ở trung cấp chiếm khoảng trên 25% tổng số nhà ở. Đáng quan ngại là phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn nhà, chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được huy động vốn năm 2020.

Nếu so sánh với thời hoàng kim của thập kỷ vừa qua, số lượng dự án nhà ở năm 2020 lao dốc kỷ lục so với năm 2017. Rổ hàng nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện chào bán ra thị trường 15.275 căn hộ, 1.617 căn nhà thấp tầng, trong đó nhà cao cấp chiếm 99%, nhà ở bình dân chỉ có 163 căn, chỉ chiếm tỷ lệ 1%.

Việc thừa nhà cao cấp, thiếu nhà giá rẻ ảnh hưởng đến đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người dân có thu nhập trung bình.

Đồng thời, hệ lụy đáng quan ngại hơn nữa là biểu hiện thừa cung của phân khúc nhà ở cao cấp trên thị trường đầu tư và đầu cơ.

Hiện tỷ trọng nhà đầu tư thứ cấp trong phân khúc nhà cao cấp chiếm tỷ lệ rất cao, trên dưới 60%, là dấu hiệu cảnh báo vì đe dọa sự phát triển bền vững của thị trường.

Tại sao nhà hướng Nam lại mang vượng khí tốt cho gia chủ?

Do vị trí địa lí và đặc thù khí hậu của Việt Nam là nhiệt đới, nóng ẩm và gió mùa, nên hướng Nam là hướng thuận lợi nhất để xây dựng nhà cửa.

Đón sáng tốt

Theo quan niệm, hướng Nam là hướng dương, ngược với hướng Bắc là âm, do đó sẽ mang lại thế đất, thế nhà tốt. Trên thực tế, rất hiếm ngôi nhà nào ngự trọn vẹn hướng Nam. Thay vào đó, hướng Nam hơi nghiêng về Đông hoặc Tây cũng không gặp phải trở ngại gì.

Còn nếu không, chủ nhà cũng có thể xây giếng trời hoặc mở cửa sổ hướng Nam để ngôi nhà nhận thêm được ánh sáng.

Đối lưu không khí, khí hậu ôn hòa

Nhà hướng Nam có ưu thế vượt trội nhất trong việc lưu thông gió tốt và đón sáng tối ưu do thừa hưởng đặc ân của tự nhiên quanh năm mát mẻ, bởi lẽ có thể tránh được cường độ mạnh của ánh nắng từ phía Đông hắt sang vào mỗi buổi sáng.

Thêm vào đó, buổi chiều lại khá mát mẻ do nắng gay gắt phía Tây không với tới được. Đồng thời cũng tránh được gió Bắc lạnh tràn về vào mùa Đông cũng như gió Tây nóng thổi khi Hè đến.

"Đại cát, đại lợi”

Theo Tiên thiên bát quái, phía Nam có tượng là quẻ Càn (trời, vua…), nên phía Nam được coi là hướng của bậc đế vương. Còn theo Hậu thiên bát quái, hướng Nam có tượng là quẻ Ly, biểu tượng của lửa, ánh sáng.

Do vậy, các bậc vua chúa thường "tọa Bắc, hướng Nam" để hướng về lẽ sáng mà xử lý công việc, cai trị thiên hạ; cung điện, thành quách được xây theo hướng này nhằm bảo vệ vị trí chí cao vô thượng.

Mặt khác, hướng Nam là hướng mặt trời lên cao, tượng trưng cho lửa, dương lực, mùa hạ, sự ấm áp…, cũng chính là hướng tượng trưng cho thời kỳ mạnh mẽ nhất của cuộc đời con người, phát huy khả năng, sức mạnh của bản thân mỗi người. Địa vị xã hội, tiền tài, năng lực lãnh đạo, trí tuệ, tài năng đều có liên quan đến hướng Nam.

Nếu nhà ở hướng Nam nhưng lại không hợp với mệnh của chủ nhà, thì có thể sử dụng gương bát quái để hóa giải, bên cạnh đó có thể sử dụng các hình thức bài trí nội thất trong nhà, đặc biệt là ở bếp và phòng ngủ để dung hòa, tạo sự tương tác hài hòa giữa hướng nhà và mệnh chủ nhà.

(tổng hợp)