Thông tin về quy hoạch đang có nhiều ‘điểm mù’, nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản lợi dụng việc không minh bạch về các dự án để đẩy giá đất lên cao. (Nguồn: Dân Việt) |
Đất ở đâu đang sốt?
Cơ quan quản lý xác nhận vừa qua đất nền tăng "nóng" ở vùng ven Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hoà Bình, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Dương.
Chia sẻ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong quý I/2021, lượng giao dịch bất động sản chỉ bằng 70% so với quý IV/2020 nhưng giá chung cư tăng 5-10% còn giá bán đất nền tăng "nóng".
Ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, giá đất ở Thái Bình, Cần Thơ đã tăng 1,2-1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, một số nơi như Đà Nẵng giá đất tăng cả 100 triệu một lô, Bắc Giang tăng gấp 3 lần sau một tháng hay Hải Phòng tăng hàng chục phần trăm.
Đây cũng là các địa phương chứng kiến hàng loạt thông tin liên quan đến quy hoạch đô thị, giao thông, cũng như nâng cấp các đơn vị hành chính từ huyện lên quận, thành phố, xã lên phường...
Tuy nhiên, các thông tin về quy hoạch đang có nhiều "điểm mù" do các địa phương chưa công khai, minh bạch để định hướng kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản lợi dụng việc không minh bạch về các dự án để đẩy giá đất lên cao.
Bộ Xây dựng đưa một loạt cách "hạ nhiệt" sốt đất
Trước hiện tượng sốt giá bất động sản, lãnh đạo Bộ Xây dựng vừa lên tiếng đưa ra một loạt giải pháp để "hạ nhiệt" thị trường.
Cụ thể, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương vào cuộc và có những giải pháp hết sức cụ thể nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hiện tượng sốt đất ảo ở một số địa phương.
Trong đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản để tháo gỡ khó khăn và đặc biệt tháo gỡ về mặt trình tự, thủ tục đầu tư.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm soát tốt, chặt chẽ hơn các tín dụng, nhất là tín dụng trong bất động sản để tránh rủi ro kép trong lĩnh vực này.
Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương tập trung đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở thương mại giá rẻ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp.
Giải pháp tiếp theo được lãnh đạo Bộ Xây dựng đưa ra đó là: Tiếp tục tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ để đẩy giá, trục lợi một số dự án đã xảy ra trong thời gian vừa qua;
Tiếp đến là có biện pháp chặt chẽ không để tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chia tách phân lô đất, bán nền tại một số khu vực chưa được phép đầu tư. Đồng thời phải quản lý và kiểm soát việc mua đi, bán lại các giao dịch bất động sản trao tay nhiều lần nhằm kiểm soát tốt hơn việc tăng giá đất nhất là thông qua biện pháp quản lý thật tốt các tổ chức, cá nhân trong giao dịch, môi giới kinh doanh bất động sản.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương trong thời gian tới đây tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu tư kinh doanh bất động sản không đúng quy định, nhất là các dự án ma, dự án không đủ hồ sơ pháp lý, điều kiện kinh doanh bất động sản.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Xây dựng đề nghị các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc các trình tự, thủ tục đầu tư, nhất là các thủ tục về giao đất, đầu tư xây dựng để các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản do các doanh nghiệp thực hiện để đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng trong dự án kinh doanh bất động sản.
Lượng bán căn hộ Hà Nội quý I/2021 giảm 12,6%
Thông tin từ phía JLL cho thấy, nhu cầu đầu tư căn hộ tại Hà Nội trong quý I/2021 vẫn ảm đạm. Dịch bệnh bùng phát trở lại cùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý khách mua đầu tư, khiến lượng bán giảm 12,6% so với quý trước.
Theo JLL, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng lựa chọn đất nền và nhà liền thổ tại các tỉnh thành vệ tinh lân cận Hà Nội nhờ mức lợi nhuận đầu tư hấp dẫn hơn so với căn hộ, đặc biệt là trong bối cảnh "sốt" đất đang diễn ra tại các khu vực này trong thời gian gần đây.
Cụ thể, quý I/2021, nguồn cung sơ cấp gồm 24.400 căn, giảm 10% theo quý và giảm -13% theo năm. Tổng số căn bán được đạt gần 4.700, giảm 29% theo quý và 37% theo năm.
Theo đơn vị này, nguồn cung mới hạn chế và hàng tồn kho giá cao gây hạn chế nguồn cầu. Giá chào bán sơ cấp trung bình 1.522 USD/m2, khoảng 35 triệu đồng/m2, tăng 5% theo năm.
Cũng theo JLL, có hiện tượng chủ đầu tư tại ở Hà Nội "găm hàng", chờ tăng giá mới mở bán. Tuy nhiên theo bà Hằng, hiện tượng này không phổ biến.
Những dự án được chủ đầu tư "om" chủ yếu ở vị trí đẹp, đắc địa. Trong khi đó, ở các vị trí ven đô, ngoại thành, dưới áp lực cạnh tranh, chủ đầu tư vẫn phải tăng ồ ạt nguồn cung để tranh thị phần.
Quý I/2021, nguồn cung sơ cấp gồm 24.400 căn, giảm 10% theo quý và giảm -13% theo năm. Tổng số căn bán được đạt gần 4.700, giảm 29% theo quý và 37% theo năm. (Nguồn: KTCK) |
29 nhà đầu tư quan tâm mua lại VietinBank Tower
Lãnh đạo VietinBank cho biết có 2 trong 29 nhà đầu tư quan tâm đang chuẩn bị ra đề xuất tài chính sơ bộ mua lại dự án trụ sở quy mô 10.000 tỷ đồng.
VietinBank Tower - dự án từng được VietinBank nhắm tới để làm trụ sở, với mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng cách đây chục năm.
Tuy nhiên, dự án này nhiều năm không thể hoàn thành, một phần do ngân hàng khó tăng vốn. Năm 2018, ngân hàng đã thống nhất sẽ tái cơ cấu dự án theo phương án chuyển nhượng cho đối tác và thuê lại một tháp 68 tầng làm trụ sở.
Cập nhật với cổ đông về tiến độ dự án này tại đại hội cổ đông thường niên sáng 16/4, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch ngân hàng cho biết, đến hết quý I năm nay, 29 nhà đầu tư quan tâm tới VietinBank Tower. Trong đó, có 21 nhà đầu tư đã ký thoả thuận bảo mật thông tin để tiếp cận hồ sơ và thẩm định dự án. Hai nhà đầu tư đề xuất tài chính sơ bộ.
Cuối 2020, ngân hàng điều chỉnh thời hạn tiến độ tổng thể của dự án đến quý II/2025. Về thời hạn này, ông Lê Đức Thọ khẳng định: "Dù VietinBank hay chủ đầu tư khác thực hiện, VietinBank Tower sẽ hoàn thiện trước thời hạn này".
Dự án VietinBank Tower là công trình tòa nhà trụ sở chính của ngân hàng, nằm tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Ciputra), Hà Nội. Dự án nằm trên diện tích khu đất gần 30.000 m2 gồm 2 tòa tháp 48 tầng và 68 tầng, có tổng vốn đầu tư 10.267 tỷ đồng.
Hà Nội nghiên cứu xây dựng đồng bộ cơ chế chính sách cải tạo, xây dựng chung cư cũ
Sáng 15/4, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì phiên họp tập thể UBND Thành phố để xem xét một số nội dung theo Chương trình công tác của UBND Thành phố và theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố.
Tại phiên họp, tập thể UBND TP Hà Nội cho ý kiến vào dự thảo Chương trình hành động của Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; ban hành Quy định về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của UBND Thành phố; Quyết định quy định tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm; đơn giá thuê đất có mặt nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tập thể UBND Thành phố cũng cho ý kiến về Đề án nghiên cứu xây dựng đồng bộ khung cơ chế chính sách đặc thù cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.