Sự thật đằng sau cơn sốt đất; đầu tư vào đất nền hay chung cư để không lỗ… là những tin chính trong bản tin bất động sản mới nhất. (Nguồn: QT) |
Lộ sự thật đằng sau cơn lốc sốt đất
Hình thức giao dịch tại các khu vực sốt đất chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.
Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS quý I/2021, trong đó đề cập tình hình phát triển nóng của phân khúc đất nền.
Theo Bộ Xây dựng, giá đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý I/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên cả nước.
Cụ thể, tại một số khu vực như: Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất…), TP. HCM (TP. Thủ Đức), TP. Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), tỉnh Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), tỉnh Ninh Bình (huyện Gia Viễn), tỉnh Bình Thuận (TP. Phan Thiết và thị xã La Gi), tỉnh Bình Phước (huyện Hớn Quản), tỉnh Quảng Trị (huyện Gio Linh)…
Giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao ở vùng ven Thủ đô Hà Nội như: Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%). Một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%). Mới đây là Thanh Hóa; TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP.HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai…
Bộ Xây dựng lưu ý, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch tại các khu vực nêu trên chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.
Bộ Xây dựng cũng cho biết đến nay sốt đất đã hạ nhiệt, tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn.
Bộ Tài chính nói về đề xuất đánh thuế cao chặn đứng cơn sốt đất điên đảo
Theo Bộ Tài chính, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BĐS thì việc nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách thuế liên quan là cần thiết, cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Mới đây, Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp đặc trị sốt đất, sốt giá nhà.
Theo HoREA, Nhà nước cần thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, chuyển thành sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, phi nông nghiệp thành đất ở, với thuế suất có thể bằng khoảng 15-20% giá đất trong bảng giá đất.
Đồng thời, để bù đắp hụt thu ngân sách nhà nước (NSNN) và tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho NSNN, cần đánh thuế BĐS.
Trước đề xuất trên, Bộ Tài chính cho biết, hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí đối với BĐS hiện hành được ban hành khá đầy đủ, bao gồm: Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS; Lệ phí trước bạ và các khoản phí, lệ phí liên quan khác (như lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...).
Các chính sách thu này đã bao quát đầy đủ quá trình hình thành, sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng BĐS, từng bước được hoàn thiện, góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng BĐS tiết kiệm, hiệu quả, từng bước hạn chế đầu cơ BĐS, sử dụng lãng phí đất đai.
Bộ Tài Chính nhấn mạnh: “Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BĐS, việc nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách thuế liên quan là cần thiết. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có tác động lớn, nhiều nội dung mang tính kỹ thuật đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành địa phương”.
Vì vậy, theo Bộ này vấn đề cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành vào thời điểm thích hợp để đảm bảo tính khả thi, tính đồng thuận cao, góp phần hạn chế đầu cơ BĐS.
Bộ Tài chính cũng cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các luật thuế liên quan đến BĐS để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp gắn với việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030.
Khi sốt đất hạ nhiệt, đầu tư vào đất nền hay chung cư để không lỗ?
Sau khi địa phương thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tình trạng sốt đất có dấu hiệu hạ nhiệt. Để nguồn tiền an toàn trong mùa dịch, nhiều nhà đầu tư lại cân nhắc lựa chọn đầu tư phân khúc chung cư hay nhà đất?
Theo Báo Lao Động, anh Nguyễn Trung Kiên - một nhà đầu tư BĐS nhiều năm kinh nghiệm Hà Nội cho biết, nếu như so với những kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng…, BĐS chính là kênh được đánh giá là đầu tư an toàn, hiệu quả và dễ sinh lời nhất. Tuy nhiên, việc lựa chọn đầu tư vào chung cư, nhà phố hay đất nền là yếu tố quyết định lợi nhuận.
Theo anh Kiên, đối với căn hộ chung cư, phương thức thanh toán của loại hình chung cư khá linh hoạt. Bạn có thể trả góp theo nhiều đợt. Hơn nữa ngân hàng còn hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp tối đa 70% giá trị của căn hộ.
Với loại hình căn hộ chung cư, nhà đầu tư có thể sinh lợi nhanh bằng hình thức đầu tư "lướt sóng". Nhưng vẫn còn nhiều dự án chung cư bị "thổi phồng" quá mức về giá trị so với thực tế.
Đặc biệt, chu kỳ giá ổn định, tăng đều, thế nhưng ít có biến động tăng vọt và mất nhiều thời gian để có thể tìm hiểu thị trường.
Trong khi đó, loại hình đất nền, nhà đầu tư cần phải có nhiều vốn để đầu tư nhưng khả năng thanh khoản, sinh lời của loại hình BĐS này tốt. Đồng thời khả năng rớt giá của nhà đất cũng khá thấp, bởi nó ít chịu những tác động xấu theo chu kỳ tăng trưởng trên thị trường.
Tuy nhiên, tính pháp lý của đất nền tại một số khu vực đất nền hiện vẫn chưa rõ ràng. Điều này đã khiến nhà đầu tư dễ gặp phải rủi ro nên khi đầu tư cần phải chú ý.
Thậm chí như đánh giá của Bộ Xây dựng, mặc dù giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít.
Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.
Phú Thọ: Sửa đổi quy định về đấu giá quyền sở hữu đất
Ngày 6/5, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND sửa đổi Điều 14 Quyết định số 02/2019/QĐ-UBND ngày 27/02/2019 (trước đó, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 05/9/2019 của UBND tỉnh).
Thời hạn nộp tiền trúng đấu giá được quy định tại phương án đấu giá quyền sử dụng đất đã trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc chưa nộp đủ tiền theo đúng phương án được phê duyệt, UBND cấp có liên quan được hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Cơ quan được giao xử lý việc đấu giá quyền sử dụng đất phối hợp với cơ quan thuế hoàn trả lại khoản tiền đã nộp (nếu có) cho người trúng đấu giá sau khi có quyết định hủy kết quả trúng đấu giá (ngoại trừ khoản tiền đặt cọc, tiền chậm nộp đã xử lý theo quy định).
Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trúng đấu giá, cơ quan tài nguyên và môi trường chủ trì phối hợp với cơ quan được giao xử lý và UBND cấp xã nơi có đất đấu giá tổ chức thực hiện bàn giao thực địa và trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu cho tổ chức, cá nhân đã trúng đấu giá; chỉ đạo đơn vị có liên quan thực hiện cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu, hồ sơ địa chính theo quy định hiện hành.