Đề xuất cách dẹp loạn giá bất động sản
Xử lý nghiêm, xem xét hình sự hóa hành vi "thổi giá" gây sốt ảo; môi giới phải được cấp bằng cấp để hoạt động... là một số đề xuất được đưa ra nhằm ngăn chặn sự hỗn loạn về giá bất động sản.
Xử lý nghiêm, xem xét hình sự hóa hành vi "thổi giá" gây sốt ảo; môi giới phải được cấp bằng cấp để hoạt động... là một số đề xuất được đưa ra nhằm ngăn chặn sự hỗn loạn về giá bất động sản. (Nguồn: Dân trí) |
Theo dữ liệu của các tổ chức nghiên cứu về thị trường bất động sản, thị trường Hà Nội ghi nhận nhu cầu bất động sản tăng, đặc biệt trong các phân khúc như biệt thự và nhà liền kề, đất thổ cư, các loại đất đấu giá, và đất dịch vụ.
Hàng loạt địa phương khác đã xuất hiện nhiều hiện tượng mua bán đất nền, và cũng có rất nhiều cảnh báo được đưa ra liên quan đến tính chất pháp lý cho vấn đề này.
Một trong nhiều giải pháp để xử lý tình trạng thị trường hỗn loạn được Bộ Xây dựng đưa ra đó là cần tổ chức công bố công khai thông tin quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ để đẩy giá, trục lợi một số dự án đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
Đồng thời, Bộ cho biết phải quản lý thật tốt các tổ chức, cá nhân trong giao dịch, môi giới kinh doanh bất động sản, xử lý nghiêm chiêu trò tung tin thổi giá.
Tin liên quan |
Giá bất động sản ven Hà Nội ‘lên đồng’, kê đơn ‘cắt sốt’ như thế nào? |
Góp ý về vấn đề này, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills nhận định: "Trên thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc khá nhiều vào các loại giấy tờ. Vì vậy, chúng ta có thể nghĩ đến hoạt động chuyển đổi số, tức là số hóa các giấy tờ đó vào một hệ thống quản lý chung mang tính quốc gia, và việc này đòi hỏi tầm nhìn dài hạn".
Theo vị chuyên gia này, có được một hệ thống dữ liệu ở tầm quốc gia sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó có việc kiểm soát các môi giới cố tình tung tin đồn và đẩy giá đất lên cao.
Ông Matthew Powell dẫn chứng ở Anh hay Hong Kong (Trung Quốc), các môi giới phải được cấp bằng cấp để hoạt động trong lĩnh vực này. Vấn đề quan trọng không nằm ở riêng mỗi chính sách, bởi thị trường cũng cần được đảm bảo ổn định cung cầu. Các chính sách cũng cần làm rõ được việc bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư, song song với việc đảm bảo tránh lạm phát và làm tốt việc kiểm duyệt giá nhà đất.
Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP. HCM, cũng cho rằng, để hạn chế sốt đất trong tương lai rất cần tiếp tục minh bạch, công khai các thông tin quy hoạch sử dụng đất, các dự án đầu tư lớn đã được phê duyệt.
Đáng chú ý theo vị luật sư này, cần xem xét hình sự hóa hành vi "thổi giá" gây sốt đất ảo thu lợi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Bởi đây là một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, nghiên cứu xây dựng tội danh mới trong Bộ Luật Hình sự liên quan đến hành vi này, dù hiện đã có quy định tội Đầu cơ tại Điều 196 Bộ luật hình sự 2015.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, sự tăng giá đất thời gian vừa qua chủ yếu là đầu cơ thay vì dựa trên nhu cầu có thực.
Cũng theo bà Hằng, việc siết tín dụng có thể được xem là một biện pháp để kiểm soát tình trạng đầu cơ lướt sóng. Khi nền kinh tế của Việt Nam đang đạt tăng trưởng dương thì các biện pháp đưa ra sẽ cần được xem xét cẩn thận bởi khi được áp dụng trên diện rộng, chúng chắc chắn tạo ra hiệu ứng với độ trễ nhất định.
Nghi có "tiền bẩn" chảy vào bất động sản, cần kiểm soát rửa tiền
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) - vừa đưa ra một loạt đề xuất đặc trị "sốt đất", "sốt nhà".
Trong đó, đáng lưu ý, ông Châu cho rằng, cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn "tiền bẩn" mua bất động sản để "rửa tiền".
Theo vị này, trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản 3%, tuy có cao hơn tăng trưởng tín dụng chung chỉ tăng 2,93%, nhưng không quá bất thường.
Như vậy, một câu hỏi lớn đặt ra là nguồn vốn đầu tư rất lớn làm cho thị trường bất động sản sốt nóng "bong bóng" hiện nay đến từ đâu?
Ông Lê Hoàng Châu đề nghị: Chúng tôi nhận thấy, ngoài nguồn tiền nhàn rỗi, tiền để dành, vàng cất giữ trong dân, tiền từ chốt lời chứng khoán và nguồn tiền "kiều hối" (khoảng 20% "kiều hối" đầu tư vào bất động sản), thì đề nghị Nhà nước cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn "tiền bẩn" (có nguồn gốc tội phạm, hoặc có thể do tham nhũng) mua bất động sản để "rửa tiền".
Cũng theo lãnh đạo HoREA, Chính phủ cần sớm có quyết định thuế suất chống đầu cơ, để kịp thời xử lý và bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động.
Đồng thời khi có dấu hiệu đầu cơ, sốt "bong bóng" bất động sản, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét thực hiện kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
Đất miền núi Thanh Hóa bắt đầu "đóng băng"
Trong thời gian ngắn, giá đất tại nhiều nơi ở Thanh Hóa bỗng lên cơn "sốt", giá đất nền tăng liên tục. Nhiều cá nhân đổ xô vào đầu cơ, hưởng chênh lệch, đẩy giá lên cao, tạo ra những cơn sóng "sốt đất" đến khó tin. Trong đó, huyện miền núi Như Thanh, giá đất bất ngờ tăng vọt 10 lần so với bình thường.
Nguyên nhân đẩy giá đất tăng được cho là từ thông tin sẽ có dự án đầu tư hệ thống cáp treo và du lịch quy mô lớn của Tập đoàn Sun Group tại khu vực Vườn Quốc gia Bến En.
Tại xã Xuân Thái, địa phương vùng sâu, vùng xa cách trung tâm thị trấn Bến Sung của huyện Như Thanh gần 20 km, giao dịch mua bán vô cùng nhộn nhịp. Biển treo bán đất, dán số điện thoại giao dịch đất xuất hiện bên đường đi vào các thôn bản, thậm chí dán trên bờ tường nhà dân - điều chưa từng thấy ở xã được coi là vùng sâu, vùng xa nhất nhì của huyện miền núi này.
| 'Tỉnh giấc' sau nhiều năm, giá đất nền Hà Nội tăng chóng mặt, có nên ‘găm tiền’ đầu tư? TGVN. Không ít chủ đất và cả "cò" đất sau khi biết tin về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã vội vàng ... |
Dù cho đến thời điểm này, dự án vẫn đang "còn trên giấy", người dân địa phương đã khẳng định vị trí đặt nhà ga cáp treo, khu sân golf, hệ thống nhà hàng, các khu dịch vụ của một khu du lịch. Từ đó, giá đất liên tục biến động, nhất là khu vực sát hồ sông Mực, xã Xuân Thái.
Thực tế, có mảnh đất bán ra trước Tết Nguyên đán giá 80 triệu đồng, sau Tết đã tăng lên hơn 1 tỷ đồng. Mảnh đất giá 400 triệu đồng, qua nhiều tay mua đi bán lại đã lên hơn 5 tỷ đồng. Hiện tượng giá đất "nhảy múa" diễn ra nhiều nơi ở xã Xuân Thái cũng như nhiều xã lân cận.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, những ngày gần đây, tại các xã Hải Long, Xuân Thái, thị trấn Bến Sung - nơi được cho là "đất vàng" khi dự án đi qua đã không còn cảnh người mua, kẻ bán. Các đối tượng "cò" đất ở xuất hiện ở khu vực này hay mọi giao dịch gần như không còn. Tại xã Xuân Thái - nơi cơn "sốt đất" khủng khiếp nhất diễn ra sau Tết Nguyên đán cũng trong tình cảnh "vắng như chùa bà đanh".
Ông Nguyễn Khắc Đại, Chủ tịch UBND xã Xuân Thái, cho biết, có khoảng gần 30 gia đình chuyển nhượng đất trong thời điểm đất lên cơn sốt vừa qua. Nhưng khoảng 20 ngày trở lại đây, mọi hoạt động đã diễn ra bình thường, không còn hiện tượng mua bán, giao dịch đất như sau Tết Nguyên đán.
Hà Tĩnh: Thanh kiểm tra trong giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền
Căn cứ các Văn bản số: 6374/UBND-NL 2 ngày 25/9/2019, 435/UBND-NL 2 ngày 20/01/2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về thanh tra, kiểm tra tổng thể, xử lý sai phạm trong việc giao đất trái thẩm quyền của các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-STNMT ngày 17/3/2021 về việc kiểm tra việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm trong giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền trên địa bàn các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh. Ngày 26/3, Quyết định số 127/QĐ-STNMT đã được công bố.
Theo đó, thành phần Đoàn Kiểm tra gồm có 7 thành viên do bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Chánh Thanh tra Sở làm trưởng đoàn; ông Nguyễn Văn Thảo, Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Phó trưởng đoàn. Thời gian tiến hành kiểm tra là 30 ngày làm việc, không kể ngày nghỉ theo quy định.
Sau khi công bố Quyết định, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cũng đã đề nghị UBND huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh tạo điều kiện, cung cấp hồ sơ, tài liệu, bố trí cán bộ phối hợp với Đoàn kiểm tra; yêu cầu Đoàn trong quá trình làm việc không được làm cản trở đến hoạt động bình thường của địa phương.
Hiện Đoàn kiểm tra đang tiến hành thanh kiểm tra việc giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền tại các địa phương nêu trên. Đồng thời hoàn tất hồ sơ để chuyển, bàn giao cho cấp trên xử lý sai phạm (nếu có) theo quy định.