📞

Tin bất động sản mới nhất: Giá đất 'lên đồng' khắp nơi; Hà Nội rà soát dự án của Bitexco; quy định mới nhất về xây nhà ở phố cổ Thủ đô

Hoàng Nam 08:30 | 23/03/2021
TGVN. Quy định mới nhất về xây nhà ở phố cổ Hà Nội, rà soát dự án của Bitexco, đất lên cơn sốt giá khắp nơi… là những tin bất động sản mới nhất.
Tin bất động sản mới nhất: Khu phố cổ Hà Nội không được xây quá 4 tầng. (Nguồn: sodulich.hanoi.gov.vn)

Khu phố cổ Hà Nội không được xây quá 4 tầng

Sáng 22/3, TP. Hà Nội tổ chức lễ công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị thuộc 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Tổng diện tích 4 quận nằm trong quy hoạch trên khoảng 2.709 ha, trong đó khu phố cổ rộng trên 81 ha trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Theo bản quy hoạch, khu phố cổ được phép cao từ 3-4 tầng (12-16m); khu vực Hồ Gươm và phụ cận được xây công trình cao không quá 16 m.

Quy hoạch cũng nêu rõ, khu phố cũ được phép xây từ 4-6 tầng (16-22m); các khu vực hạn chế phát triển được xây từ 5-7 tầng (20-25m).

Không gian đô thị ở phố cổ, phố cũ của Hà Nội được xác định chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị. Khu vực có công trình cao tầng, TP. Hà Nội ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích như cây xanh, bãi đỗ xe.

Trong khu vực phố cổ, Hà Nội bảo tồn kiến trúc các tuyến phố hiện có, bảo tồn trục trung tâm thương mại kết hợp nhà ở truyền thống; cải tạo lõi bên trong các ô phố; bảo tồn các công trình công cộng quan trọng, không gian, kiến trúc truyền thống…

Khởi công Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp FLC Hà Giang

Ngày 20/3, Tập đoàn FLC tổ chức Lễ khởi công Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hà Giang tại khu vực núi Mỏ Neo (TP. Hà Giang), trên địa bàn hai phường Trần Phú và Minh Khai. Dự án tọa lạc ở độ cao gần 500m so với mực nước biển. FLC Hà Giang được triển khai trong 2 giai đoạn, với quy mô đáp ứng khoảng 2.000 du khách/ngày.

Dự án quy tụ nhiều hạng mục cao cấp như khách sạn 5 sao, bể bơi vô cực, Trung tâm Hội nghị Quốc tế, khu resort bungalow trải dọc bên triền núi; các phố đi bộ, phố thương mại sôi động và nhiều hạng mục du lịch sinh thái, du lịch thể thao đậm chất Hà Giang.

Trong 5 năm trở lại đây, ngành du lịch Hà Giang tăng trưởng bình quân trên 15%, riêng trong năm 2019, lượng du khách đã tăng đến 23% và thuộc nhóm địa phương có tăng trưởng du lịch tích cực tại Việt Nam.

Hà Giang như một Đà Lạt thứ 2 của Miền Bắc, nơi mà nhiệt độ quanh năm chỉ dao động khoảng 25 độ C. Sự xuất hiện của Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hà Giang được kỳ vọng sẽ thu hút dòng khách cao cấp và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Hà Nội rà soát dự án tỷ đô của Bitexco

Thành phố Hà Nội đang có kế hoạch rà soát toàn bộ nguồn gốc, quá trình triển khai Dự án Khu đô thị Nam đường vành đai 3 của Tập đoàn Bitexco.

Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát toàn bộ nguồn gốc, quá trình triển khai thực hiện, khó khăn, vướng mắc của dự án Khu đô thị Nam đường vành đai 3 và dự án xây dựng đường giao thông bao quanh Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hình thức BT, trên cơ sở đó, xem xét, giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư theo đúng các quy định của pháp luật; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

Dự án Khu đô thị Nam đường vành đai 3 (The Manor Central Park) của Tập đoàn Bitexco từng nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận khi thông tin tuyến đường dài 3,7km bao quanh công viên Chu Văn An được quy đổi lấy 89,9ha quỹ đất đối ứng nằm trải dọc trên đường Nguyễn Xiển của Tập đoàn Bitexco, theo hình thức BT. Quỹ đất gần 90ha này được Bitexco quy hoạch trở thành dự án The Manor Central Park.

Dư luận trước đó từng đặt ra nhiều câu hỏi về việc dự án The Manor Central Park được rao bán từ năm 2018 nhưng tuyến đường bao quanh công viên Chu Văn An vẫn dậm chân tại chỗ. Ngoài ra, dự án này cũng từng bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến đội vốn, chậm thời gian hoàn thiện.

The Manor Central Park còn chưa được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động bảo vệ môi trường hạng mục nhà ở thấp tầng theo quy định, nhưng từ năm 2016, Bitexco đã xây dựng 552 căn dạng liền kề, biệt thự và bán cho khách hàng về ở với mức giá hàng chục tỷ đồng mỗi căn.

Công ty CP Bitexco đã xây khoảng 500 căn nhà thấp tầng khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. (Nguồn: vietnamnet.vn)

Sốt đất khắp nơi

Bất chấp đại dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế khiến nhiều ngành nghề điêu đứng, giá nhà đất trong năm 2020 vẫn tăng tốc không theo quy luật nào. Từ đầu năm 2021 đến nay, sự biến động càng bất thường hơn khi nhiều địa phương ghi nhận hiện tượng giá đất tăng chóng mặt.

Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá đất ở nhiều nơi tăng trung bình 10% sau một tháng, thậm chí một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều nơi người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư bất động sản.

Rầm rộ nhất có lẽ phải kể đến đợt sốt đất ảo ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước chỉ diễn ra vài ngày hồi cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2021 vừa qua.

Chỉ từ thông tin UBND tỉnh Bình Phước có chuyến khảo sát thực địa tại Hớn Quản vào ngày 19/2 để có cơ sở đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng và Chính phủ giao lại Sân bay quân sự Téc-ních để xây dựng sân bay lưỡng dụng (vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng), rất nhiều người ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và những địa phương khác đã đổ xô tìm đến Hớn Quản để mua bán đất, đẩy giá đất lên gấp 3-4 lần so với giá thị trường.

Cũng lấy thông tin "sân bay Phan Thiết sắp khởi công" từ buổi làm việc giữa Bộ Quốc phòng với UBND tỉnh Bình Thuận vào đầu tháng 3, hàng loạt ô tô từ khắp nơi đã ùn ùn kéo về xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết - nơi quy hoạch xây dựng sân bay, để tìm mua đất khiến nhịp sống thường ngày của người dân đảo lộn.

Đặc biệt, thời gian cơn sốt lên đỉnh điểm, giá đất nhảy múa từng ngày, thậm chí từng giờ, mỗi sào đất đường ĐT 715 có lúc lên đến 4 tỷ đồng - gấp 20 lần so với trước đó.

Tại TP. Hà Nội, ngay khi có thông tin về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đất huyện Đông Anh đã tăng giá gấp đôi so với một vài tuần trước.

Không chỉ ở Thủ đô mà các địa phương như Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng... cũng có hiện tượng sốt đất trong thời gian qua.

Quảng Trị 'sốt đất', nhiều lô vượt giá sàn hơn 50%

Giá đất tại một số khu đô thị trung tâm TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, tăng đột biến, có nhiều lô đất được đẩy giá lên rất cao, vượt giá trị thực.

Vào cuối năm 2020, các thửa đất tại Khu đô thị Bắc sông Hiếu (TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), dọc các trục đường nhựa 15,5m được bán với giá chỉ từ 7-8 triệu/m², nhưng sau Tết, đất ở đây đã tăng lên trên 10 triệu đồng/m².

Tương tự, ở khu đô thị Nam Đông Hà (TP. Đông Hà), các lô đất dọc tuyến đường 15,5m nếu cuối năm 2020 giá chỉ từ 5 đến 5,5 triệu đồng/m² thì nay đã tăng lên 6,5 đến 8 triệu đồng/m².

Đặc biệt, trước thông tin nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến Quảng Trị đầu tư về bất động sản, du lịch sinh thái, khu đô thị thương mại,… giá đất nhiều nơi ở khu vực trung tâm tỉnh Quảng Trị tăng đột biến.

Qua tìm hiểu, trong năm 2020, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Đông Hà và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị đã đấu giá nhiều lô đất nhưng giá đấu vượt sàn chỉ khoảng 20%, mỗi lô đất chỉ khoảng vài người tham gia. Còn các đợt đấu giá từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số lượng giá đấu vượt sàn và số lượng người tham gia tăng đột biến.

Hiện UBND tỉnh Quảng Trị khuyến cáo người dân nên tỉnh táo trong các hoạt động giao dịch, mua bán để tránh tình trạng sốt đất ảo.

(tổng hợp)