📞

Tin bất động sản mới nhất: ‘Hết thời’, phố cổ Hà Nội giảm kịch sàn vẫn ế dài; đất nền đã lên thì khó hạ; 3 áp lực lớn với thị trường

HOÀNG NAM 08:03 | 19/06/2021
Mặt bằng phố cổ Hà Nội giảm giá kịch sàn, ế dài chờ khách thuê; đất nền giảm nhiệt nhưng khó hạ giá; 3 áp lực lớn với thị trường địa ốc… là những tin bất động sản mới nhất.
Tin bất động sản mới nhất: Mặt bằng phố cổ Hà Nội giảm kịch sàn vẫn không có khách thuê. (Nguồn: Vietnamnet)

Mặt bằng phố cổ một thời giành giật, giờ hạ giá hết cỡ vẫn vắng khách thuê

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến nhiều cơ sở kinh doanh tại Hà Nội phải đóng cửa, trả mặt bằng, khiến cho giá mặt bằng cho thuê tiếp tục bị kéo xuống và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Trước đây, các khu phố nổi tiếng tại Hà Nội như phố Huế, Bà Triệu, Lý Quốc Sư, Cầu Gỗ... luôn sầm uất, nhộn nhịp khách mua bán, vui chơi, giải trí.

Mặt bằng tại đây luôn có mức giá cho thuê khá cao, thường được tính theo m2 với giá dao động 1,8 - 3 triệu đồng/m2. Tính ra, mỗi mặt bằng có diện tích khoảng 50 m2 đã có giá thấp nhất 90 triệu đồng/tháng, tùy theo vị trí và chất lượng có thể lên tới 150 triệu đồng/tháng.

Với mức giá thuê cao như vậy, tưởng chừng không ai dám mạo hiểm thuê nhưng theo chị H.P. - nhân viên của một sàn thuê mặt bằng online - khách hàng còn giành giật nhau để thuê, thậm chí còn mất một khoản phí với chủ nhà hoặc chấp nhận đóng trước nhiều tháng hơn để được thuê.

Nhưng hiện nay, theo khảo sát của Dân trí, tại phố Cầu Gỗ, giá thuê thậm chí còn giảm tới 60 - 70% so với trước. Cụ thể, một mặt bằng trên phố này có diện tích 50 m2, thông sàn, mặt tiền lên tới 7 m trước đây được cho thuê làm siêu thị tiện lợi với giá hàng trăm triệu đồng/tháng nhưng nay chỉ còn khoảng 58 triệu đồng/tháng.

Theo người môi giới, nếu đàm phán thêm với chủ nhà, giá sẽ chỉ còn khoảng 50 - 53 triệu đồng/tháng.

Trên phố Lý Quốc Sư, một loạt mặt bằng đang để trống mà chưa có khách thuê. Các mặt bằng có diện tích rất đa dạng, từ 12 m2 đến 300 m2. Với các mặt bằng lớn, người thuê phải thỏa thuận giá, còn lại được cho thuê với giá dao động từ 20 đến 80 triệu đồng/tháng, tùy vị trí và diện tích.

Mức giá này được giới môi giới bất động sản đánh giá là rẻ hơn rất nhiều so với giá 1,8 - 2 triệu đồng/m2 trước dịch.

Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự với các chủ mặt bằng khác tại Hà Nội. Có nơi, chủ mặt bằng giảm giá 50-70% nhưng vẫn vắng bóng khách thuê như tại Kim Mã. Chủ nhà thậm chí còn phải tính đến phương án cho thuê trọ để có thêm thu nhập.

Bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội cho biết, thời điểm trước dịch, yếu tố vị trí thuận tiện và trung tâm đã giúp các chủ cửa hàng mặt phố dễ dàng hút khách, nhất là khách du lịch, nhờ đó có được mức kinh doanh và tăng trưởng ổn định.

Giai đoạn trong dịch Covid-19, các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi đáng kể.

Nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê, hoặc chỉ giảm rất ít, thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20 - 30%, thậm chí 50% nhưng vẫn "mỏi mắt" tìm khách thuê. Theo bà, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp thì cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố sẽ tiếp diễn.

Đất nền giảm nhiệt

Đất nền - phân khúc được cho là cực "nóng" hồi đầu năm nay đã hạ nhiệt. Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, so với tháng 4, mức quan tâm tháng 5 giảm 19% chung cho toàn thị trường.

Đây cũng là mức giảm của thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các tỉnh/thành có mức độ quan tâm giảm sâu nhất là Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%).

Cũng theo thống kê, tại TP. Hồ Chí Minh, lượng quan tâm tìm kiếm đất nền giảm 18% trong khi sản phẩm đất nền dự án giảm đến 29% chỉ trong vòng một tháng. Xu hướng tìm kiếm đất nền giảm mạnh ở các khu vực vùng ven như TP Thủ Đức, quận Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn và Cần Giờ.

Không chỉ TP. Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam cũng cùng "số phận" khi loại hình đất nền gần như đều có nhu cầu tìm mua đi xuống.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, áp lực của thị trường trong bối cảnh các ngành kinh tế khác tiếp tục khó khăn, nguồn cung chính thống tại thị trường sơ cấp không nhiều nên dù tỷ lệ hấp thụ của thị trường thấp, giá đất nền vẫn sẽ khó giảm.

Theo nhận định của ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam, trong kịch bản thị trường hồi phục, bất động sản nhà ở sẽ là thị trường sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân. Song, mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây vì người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng như là vốn chủ sở hữu.

Như một lời khuyên dành cho các nhà đầu tư cá nhân trong nửa cuối năm nay, ông Sử Ngọc Khương đưa ra một số điểm cần lưu ý: "Mỗi nhà đầu tư có nhu cầu khác nhau, kỳ vọng khác nhau, điều kiện tài chính khác nhau, nhưng đây vẫn là thời điểm tốt để các nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

Tuy nhiên, vấn đề pháp lý, năng lực tài chính, cân đối quản trị rủi ro trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn vẫn là những yếu tố cần được cân nhắc khi quyết định đầu tư".Địa ốc đối diện kịch bản màu xám

Sáu tháng cuối năm, bất động sản sẽ trở nên bất định khi thanh khoản kém, thị trường thứ cấp suy yếu, giá leo thang với biến số Covid-19 khó lường.

Trên VnExpress, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP HCM Huỳnh Phước Nghĩa dự báo, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đang đẩy thị trường địa ốc đối diện kịch bản màu xám với 3 áp lực lớn trong những tháng cuối năm.

Thanh khoản kém

Ông Nghĩa cho biết, dòng tiền chảy vào bất động sản đang chậm lại do dịch bệnh diễn biến phức tạp vì giá trị tài sản lớn trong khi tâm lý thị trường thiên về phòng thủ và do dự nhiều hơn.

Thanh khoản kém thể hiện ở giao dịch trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu) lẫn thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) đều giảm tốc trung bình 30-50%

Ở tất cả phân khúc: căn hộ, đất nền, nhà phố, biệt thự đều có dấu hiệu chững lại mỗi khi dịch bệnh bùng phát và ở đợt Covid-19 lần này, dòng tiền chảy vào thị trường tiếp tục bị nghẽn mạch do tác động tâm lý.

Vì khả năng tiêu thụ hàng hóa là đại diện cho sức khỏe thị trường, nếu sức mua kém dần đi có thể đẩy thị trường tiến gần hơn đến kịch bản màu xám trong những tháng tới.

Thị trường thứ cấp suy yếu

Ông Huỳnh Phước Nghĩa xác nhận, đại dịch đang khiến thị trường thứ cấp xuống thấp chưa từng có. Trong 6 tháng tới, các nhà đầu tư thứ cấp (còn gọi là F2) khó có thể kỳ vọng biên lợi nhuận lớn từ việc bán tài sản vì lực cầu thị trường yếu, người mua ít, người bán nhiều.

Giá bất động sản tăng ảo, nợ xấu tăng thật

Ông Nghĩa nhận định, Covid-19 đang lái thị trường về chuỗi giá trị thật hơn là tìm kiếm lợi nhuận ảo nhưng các cơn sốt đất thời gian qua đã hình thành nhiều mặt bằng giá ảo. Sốt đất ảo khiến dòng tiền đã đi vào đất trong đó có lãi vay, cầm cố, tài sản tích lũy, sẽ không có lối ra.

Càng nguy hiểm khi dòng tiền chảy vào bất động sản chỉ là vốn vay ngắn hạn hoặc tỷ trọng vay quá lớn. Chuỗi phản ứng từ sốt đất ảo dẫn đến hệ lụy nợ xấu âm thầm tăng cao, đẩy thị trường đối diện với nguy cơ kịch bản màu xám.

Phối cảnh dự án Ivory Villas & Resort. (Nguồn: Archi ReenCo Hòa Bình)

Ưu thế '2 trong 1' khi đầu tư biệt thự Ivory Villas & Resort

Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Ivory Villas & Resort tại Lương Sơn, Hòa Bình thích hợp để nghỉ dưỡng lẫn đầu tư sinh lời.

Đại diện chủ đầu tư Ivory Villas & Resort cho biết, trong bối cảnh thị trường bất động sản nhiều biến động, những dự án nghỉ dưỡng ven đô có lợi thế về vị trí, pháp lý thu hút nhiều nhà đầu tư.

Ivory Villas & Resort là một trong số đó khi chỉ cách Hà Nội khoảng 45 km và nằm ngay mặt đường quốc lộ 6 nối thủ đô Hà Nội với khu vực Tây Bắc.

Với lợi thế vị trí đắc địa, du khách đến Ivory Villas & Resort cũng dễ dàng di chuyển sang các vùng lân cận hoặc đến trung tâm tỉnh. Dự án cách Hồ Sông Đà 23km, suối nước nóng Kim Bôi 28km, bản Lác Mai Châu 60km... Bán kính 40km quanh dự án là hàng loạt sân golf như Phoenix, Geleximco Kỳ Sơn, Skylake...

Với quy mô lên tới 66ha, Ivory Villas & Resort được chia làm 4 phân khu, mỗi khu như một resort độc lập. Công ty CP Archi ReenCo Hòa Bình - chủ đầu tư áp dụng triết lý thiết kế "phi cản trở" là sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên không có giới hạn theo quan điểm của kiến trúc sư Phillip Kozely người Pháp. Trong đó, thế đất "tọa sơn, hướng thủy" của biệt thự Ivory Villas & Resort mang lại nhiều may mắn cho chủ nhân.

(tổng hợp)