📞

Tin bất động sản mới nhất: Không xây thêm sân bay; đất vàng Hà Nội ‘khốn đốn’ vì Covid-19 và tiền chảy vào địa ốc từ tín dụng?

Hoàng Nam 06:30 | 11/05/2021
Không bổ sung sân bay mới vào quy hoạch cảng hàng không, đất vàng Hà Nội ‘khốn đốn’ vì Covid-19 và tiền chảy vào địa ốc có phải đến từ tín dụng… là những tin chính trong bản tin bất động sản mới nhất.
Tin bất động sản mới nhất: Không bổ sung sân bay mới vào quy hoạch cảng hàng không. Trong ảnh là khu tái định cư dự án sân bay Long Thành, Đồng Nai đang được khẩn trương hoàn thiện. (Nguồn: Báo Xây dựng)

Không bổ sung sân bay mới vào quy hoạch cảng hàng không

Cục HKVN cho biết, dự thảo quy hoạch lần này đã tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, hội nghề nghiệp, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam.

So với quy hoạch trước đó, số lượng CHK đến năm 2030 được giữ nguyên 28 CHK, chỉ điều chỉnh quy mô quy hoạch, đảm bảo cự ly tiếp cận tối đa đến CHK vùng đồng bằng là 100km và vùng miền núi 200km.

Cụ thể, đến năm 2030, cả nước sẽ có 14 CHK quốc tế, gồm: Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương; 14 CHK quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

Trong 10 năm tới, Cục HKVN đề xuất ưu tiên, tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các CHK quốc tế lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội và vùng TPHCM, gồm Nội Bài, Long Thành. Đến năm 2050, CHK duy nhất được bổ sung vào quy hoạch là Cao Bằng.

Nguồn tiền chảy vào địa ốc đến từ tín dụng?

Bộ Xây dựng vừa thông tin về tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản trong quý I/2021 vừa qua.

Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng cho biết, tốc độ tăng tín dụng của quý I/2021 đang cao hơn so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước và với mức tăng này, dư nợ tín dụng nền kinh tế đã đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng.

Tín dụng bất động sản các năm gần đây vẫn tăng nhưng tốc độ tăng chậm dần. Cụ thể, năm 2019 tăng khoảng gần 30%; năm 2020 tăng trên 11%; quý I/2021 tăng khoảng 3%.

"Như vậy, từ số liệu trên cho thấy tín dụng bất động sản vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể nhận định rằng nguyên nhân thị trường bất động sản tăng trong thời gian gần đây không chỉ xuất phát từ tín dụng", đại diện Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng nhận xét.

Cũng theo cơ quan này, từ phân tích của nhiều tổ chức, chuyên gia thì có hiện tượng nguồn tài chính thay vì chuyển vào sản xuất - kinh doanh đã chuyển hướng sang bất động sản. Bên cạnh đó, lãi suất gửi tiết kiệm thời gian qua giảm mạnh khiến dòng tiền nhàn rỗi chuyển vào kênh địa ốc.

Đất vàng ế ẩm vì dịch

Sau hơn 1 năm dịch bệnh xảy ra, tại khu vực trung tâm, phố cổ sầm uất bậc nhất Thủ đô, đầy rẫy mặt bằng bỏ trống, chờ khách thuê.

Đất vàng Hà Nội ế ẩm khách thuê vì dịch Covid-19. (Nguồn: CT)

Tại các phố Hàng Đường, Hàng Lược, Hàng Rươi, 40-50% cửa hàng đóng cửa, đang rao cho thuê. Chủ nhà giảm giá, chia nhỏ mặt bằng nhưng có hộ 2 năm không cho thuê được nhà. Trong lúc nhà bỏ không, một số mặt tiền phố cổ được trưng dụng bán trà đá, tạp phẩm.

Đặc biệt, mặt bằng lớn, giá thuê hàng trăm triệu đồng/tháng càng khó tìm khách.

Bên cạnh đó, biển "cho thuê mặt bằng" còn xuất hiện nhan nhản trên những con phố nhỏ, trung tâm thương mại. Tháo chạy khỏi trung tâm đắt đỏ, một số người kinh doanh chuyển hướng tìm mặt bằng trong ngõ, phố nhỏ, không thuê tầng 1 để tiết kiệm chi phí.

Trong đó, xu hướng này đáng chú ý ở các ngành làm đẹp, thời trang, tóc, móng tay. Một số trung tâm thương mại nhỏ ở quận Thanh Xuân, Cầu Giấy cũng chịu cảnh nhãn hàng lũ lượt rời đi.

Theo ghi nhận của đơn vị nghiên cứu thị trường Savills, mặt bằng nhà phố còn đối mặt với thách thức lớn, khi số lượng chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều, tuy nhiên, tốc độ lấp đầy còn chậm.

Hà Nội xử lý đất xen kẹt khu dân cư thông qua đấu giá

UBND TP Hà Nội vừa cho phép bổ sung 9 dự án với tổng diện tích chỉ 0,96ha vào kế hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Gia Lâm để xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đấu giá đất.

Theo Quyết định trên, các vị trí đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật đưa vào đấu giá hầu hết là đất nhỏ lẻ, xen kẹt trong các khu dân cư hiện hữu. Dự án nhỏ nhất chỉ có quy mô 0,014ha (140m2) tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm.

Thực tế cho thấy, trong tiến trình đô thị hóa tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM… đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều khu đất, trong đó phần lớn là đất nông nghiệp, đất lưu không (chưa xác định mục đích sử dụng đất) xen kẹt giữa các khu dân cư hiện hữu. Đây là những mảnh đất vườn, đất nông nghiệp,… có quy mô nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư hoặc đất dôi dư sau quy hoạch, không có cơ sở hạ tầng để sản xuất hay kêu gọi đầu tư.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc tồn tại các thửa đất xen kẹt đã dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên các khu đất xen kẹt cũng như giao dịch những khu đất xen kẹt - đất nông nghiệp xen kẹt đang diễn ra một cách khó kiểm soát tại nhiều địa phương.

Tại Hà Nội, thời gian qua, việc đưa ra đấu giá các thửa đất nhỏ lẻ, xen kẹt cũng đã được triển khai.

Như tại huyện Đông Anh, theo ông Nguyễn Lê Hiến, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh chỉ tính riêng trong năm 2020 huyện này đã thu được 487,8 tỷ đồng từ các dự án đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt trên địa bàn.

Tương tự, thông tin công bố tại thị xã Sơn Tây, trong các năm 2019 và 2020, các khu đất xen kẹt thuộc địa bàn đã giúp thu về ngân sách khoảng 25 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo giới luật sư thì trong thực tế, việc chuyển mục đích sử dụng đối với những thửa đất nông nghiệp đã giao đến hộ gia đình, cá nhân, nằm xen kẹt trong khu dân cư, hiện không còn khả năng sản xuất nông nghiệp hiện vẫn gặp khó khăn do vượt quy định về hạn mức, khó xác định ranh giới...

Về vấn đề này, ông Vũ Xuân Tùng, Giám đốc Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Chi cục đã tham mưu Sở đề xuất UBND thành phố phương án tháo gỡ khó khăn.

Như với trường hợp có thửa đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư, sát nhà ở, không nằm cạnh thửa đất nông nghiệp khác, nhưng vượt hạn mức, có thể xem xét cho phép chuyển đổi; những thửa đất nằm liền kề với thửa đất nông nghiệp khác và vượt hạn mức, địa phương phải quản lý, đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lập dự án đấu giá quyền sử dụng đất, tăng thu cho ngân sách…

Thủ tục thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất

Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT- BTNMT-BTP hướng dẫn thủ tục, trình tự đấu giá quyền sử dụng đất như sau:

Bước 1: Lập và hoàn thành phương án đấu giá quyền sử dụng đất, do UBND cấp tỉnh ban hành trên cơ sở phê duyệt kế hoạch quy hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện trên cơ sở phối hợp giữa Sở, Phòng Tài nguyên và Môi trường với UBND cùng cấp.

Bước 2: Nộp hồ sơ đấu giá quyền sử dụng. Trên cơ sở phê duyệt của UBND, các chủ thể là các đơn vị, tổ chức có nhiệm vụ nộp hồ sơ đấu giá tại cơ quan tài nguyên và môi trường trước khi nhận được sự thông qua của UBND.

Bước 3: Quyết định việc đấu giá quyền sử dụng đất do UBND có thẩm quyền ra quyết định;

Bước 4: Xác định việc phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Trên cơ sở căn cứ đấu giá quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường đề ra trên cơ sở quyết định phê duyệt của UBND tỉnh.

Bước 5: Lựa chọn và ký hợp đồng thuê đơn vị tiến hành cuộc đấu giá quyền sử dụng đất.

Bước 6: Việc kiểm tra, giám sát thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất.

Bước 7: Phê duyệt kết quả trúng giá quyền sử dụng đất.

Bước 8: Hoàn thiện các khoản tiền liên quan đến quyền sử dụng đất (nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…) sau khi có kết quả công nhận kết quả trúng giá quyền sử dụng đất.

Bước 9: Thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bàn giao trên thực địa quyền sử dụng đất.

(tổng hợp)