Theo các chuyên gia bất động sản, có thể do trong các phiên đấu giá của mảnh đất đã bị đẩy lên cao và không loại trừ trường hợp việc đấu giá bị giới đầu cơ thao túng và sẵn sàng bỏ cọc thay vì phải vào cả mấy tỷ đồng để bị 'chôn vốn'. Trong ảnh: Khu đô thị mới phía Nam thành phố Bắc Giang hồi giữa năm 2020. (Nguồn: Vietnammoi) |
Trúng đấu thầu đất, bỏ cọc tại Bắc Giang
Tại tỉnh Bắc Giang, hiện tượng bỏ cọc đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất liên tục diễn ra.
Theo thông tin từ UBND huyện Lạng Giang, đến thời điểm này, toàn huyện còn 103 lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.
Các lô đất trên có diện tích từ 90 m2 đến hơn 200 m2/lô, thuộc thôn Chùa, xã Thái Đào, 55 lô; thôn Vàng và khu dân cư chợ Năm, xã Tiên Lục, 37 lô; thôn Thanh Lương, Cầu Đá và khu cổng UBND xã Quang Thịnh, 3 lô; thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, 3 lô; tổ dân phố Tân Luận, thị trấn Vôi, 4 lô; tổ dân phố Lèo, thị trấn Kép, 1 lô. Tổng số tiền các lô đất khách hàng trúng đấu giá hơn 156 tỷ đồng, chênh lệch hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Còn tại thành phố Bắc Giang, từ tháng 11/2020 toàn thành phố tổ chức 3 phiên đấu giá đất. Cả 3 phiên này đều có khách hàng bỏ cọc. Cụ thể tại các phường: Trần Phú, Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, Xương Giang, Mỹ Độ và xã Đồng Sơn, Tân Mỹ có 6 lô bỏ cọc với số tiền trúng đấu giá hơn 10,6 tỷ đồng, chênh so với giá khởi điểm hơn 5,6 tỷ đồng. Số tiền bỏ đặt cọc là 600 triệu đồng.
Tương tự, tháng 10/2020 tại huyện Yên Dũng đã tổ chức tổng cộng 4 phiên đấu giá. Sau rà soát có 4 trường hợp bỏ cọc, không nộp tiền. Trong đó có 3 trường hợp bỏ cọc 3 lô đất tại khu dân cư mới Nham Sơn với tổng số tiền trúng đấu giá khoảng 8,2 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Ở khu dân cư mới tổ dân phố Kem, Phương Sơn, khách hàng bỏ cọc 1 lô đất, số tiền trúng đấu giá 3,8 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm 1,9 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia bất động sản, có thể do trong các phiên đấu giá của mảnh đất đã bị đẩy lên cao và không loại trừ trường hợp việc đấu giá bị giới đầu cơ thao túng và sẵn sàng bỏ cọc thay vì phải vào cả mấy tỷ đồng để bị "chôn vốn".
Mặt khác, hiện tượng này cũng phản ánh cơn sốt giá đất đang có phần "hạ nhiệt".
5 năm tới, Bình Định sẽ phát triển 327 dự án nhà ở
UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển 327 dự án đầu tư nhà ở, với tổng nguồn vốn 73.891 tỷ đồng, bao gồm nhà ở thương mại, khu dân cư, nhà ở xã hội...
Cụ thể, tại thành phố Quy Nhơn là 49 nhà ở thương mại, 25 nhà ở xã hội, 8 Nhà ở tái định cư; thị xã An Nhơn là 14 nhà ở thương mại, 2 nhà ở xã hội; thị xã Hoài Nhơn là 40 nhà ở thương mại, 1 nhà ở xã hội, 17 nhà ở tái định cư.
Huyện Tây Sơn là 16 nhà ở thương mại, 1 nhà ở xã hội, 5 nhà ở tái định cư. Huyện Tuy Phước là 17 hà ở thương mại, 8 Nhà ở tái định cư. Huyện Vân Canh là 8 nhà ở thương mại, 1 nhà ở xã hội, 3 nhà ở tái định cư.
Huyện An Lão là 4 nhà ở thương mại, 2 nhà ở tái định cư. Huyện Vĩnh Thạnh là 11 nhà ở thương mại, 13 nhà ở tái định cư. Huyện Hoài Ân là 12 nhà ở thương mại, 15 nhà ở tái định cư. Huyện Phù Mỹ là 4 nhà ở thương mại. Huyện Phù Cát là 27 nhà ở thương mại, 24 nhà ở tái định cư.
Dự kiến nguồn vốn phát triển nhà ở giai đoạn 2020 - 2025 là 73.891 tỷ đồng. Trong đó nhà ở thương mại 29.216 tỷ đồng, nhà ở cho các đối tượng xã hội 6.821 tỷ đồng và Nhà ở riêng lẻ người dân tự xây 37.854 tỷ đồng.
Hà Nội sẽ cải tạo 3 khu chung cư cũ
Hà Nội đề xuất cải tạo, xây dựng lại 3 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là khu tập thể Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh.
Để cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ, thành phố đang tiếp tục đẩy nhanh tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ trên địa bàn.
Trước đó, thành phố đã lập Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh làm trưởng ban.
Hà Nội sẽ cải tạo, xây dựng lại 3 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D. (Nguồn: cafef.vn) |
Hà Nội cũng đặt vấn đề cải tạo chung cư theo 3 nhóm.
Với nhóm 1 (tập hợp các chung cư cũ trong một khu tập thể có quy mô lớn hơn 2ha), ví dụ như khu Thành Công, quy mô khoảng 23ha, dự án cải tạo, tái thiết quy hoạch 1/500 cần đồng bộ giải pháp tái định cư tại chỗ, cho phép xây dựng cao tầng; giải phóng quỹ đất có diện tích đủ lớn để phát triển các chức năng dịch vụ, thương mại, hạ tầng du lịch… có thể đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, đối ứng vốn… kết hợp với khai thác không gian ngầm, các khối đế của các tòa nhà.
Nhóm thứ hai, (mô hình như tiểu khu nhà ở, gồm 5 - 7 chung cư một nhóm, quy mô nhỏ hơn 2ha) sẽ thực hiện tương tự như nhóm 1. Trường hợp diện tích nhỏ, nằm xen cài trong khu dân cư, làng xóm, khó khả thi trong triển khai quy hoạch và khai thác đầu tư, sẽ thực hiện theo nhóm 3 là các chung cư riêng lẻ.
Nhóm này sẽ được thực hiện theo phương thức quy gom tái định cư tại chỗ vào một quỹ đất chung cư hiện có trên địa bàn quận; quỹ đất còn lại để phát triển công trình kinh doanh thương mại dịch vụ và nhà ở trong trường hợp được bổ sung quy mô dân số…
Bình Dương điều tra công ty bất động sản có dấu hiệu lừa đảo
Bỏ ra hàng trăm triệu đồng với mong muốn có được mảnh đất để an cư nhưng 21 hộ dân ở Bình Dương đang đứng trước nguy cơ mất trắng vì công ty bất động sản không bàn giao đất, nhiều mảnh trùng thửa.
Liên quan đến vụ việc trên, vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đang kiểm tra, xác minh tố giác tội phạm của 21 hộ dân tố cáo Công ty Vạn Phát có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại xã Trừ Văn Thố, Long Nguyên và Cây Trường thuộc huyện Bàu Bàng.
Văn bản của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương nêu rõ: Đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bàu Bàng cung cấp hồ sơ địa chính, thông tin, tài liệu có liên quan và tạm ngưng các giao dịch, biến động liên quan đến 21 thửa đất (kèm theo số thửa) ở các xã nêu trên.
Quỹ Phát triển nhà ở TP. HCM hết vốn cho vay
Quỹ Phát triển nhà ở TP. HCM (HOF) vừa đề nghị UBND TP. HCM tháo gỡ khó khăn trong hoạt động cấp vốn cho người thu thập thấp vay mua nhà trước nguy cơ nguồn vốn bị cạn kiệt.
Cụ thể, theo kế hoạch năm 2021, HOF được giao chỉ tiêu giải ngân 470 tỷ đồng cho người có thu nhập thấp có nhu cầu vay mua nhà. Tuy nhiên đến hết quý 1/2021, đơn vị này mới giải ngân được 96,64 tỷ đồng, đạt 20,56% kế hoạch.
Để đạt chỉ tiêu giải ngân 470 tỷ đồng trong năm nay, HOF đã đăng ký và được Hội đồng Nhân dân TP. HCM duyệt cấp bổ sung vốn điều lệ 374 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, UBND TP. HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Tài chính tham mưu việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho HOF.
Nếu không có thêm nguồn vốn, không chỉ việc hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay vốn làm nhà gặp khó khăn mà nhiều hoạt động khác của đơn vị cũng bị ảnh hưởng. Một số hoạt động của HOF trong tháng 5 hoặc tháng 6/2021 có nguy cơ bị tạm dừng.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc HOF, cho biết đến hết quý I/2021, đơn vị còn thiếu 166 tỷ đồng cho vay tạo nhà ở. Số vốn thiếu hụt năm ngoái là 70,2 tỷ đồng.
Ông Thạch khẳng đinh: “Nếu không có thêm nguồn vốn, không chỉ việc hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay vốn làm nhà gặp khó khăn mà nhiều hoạt động khác của đơn vị cũng bị ảnh hưởng”.
Hoạt động từ năm 2005, đến nay, HOF đã hỗ trợ hơn 5.400 trường hợp thu nhập thấp vay vốn xây dựng nhà ở với tổng giải ngân hơn 2.500 tỷ đồng, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của thành phố.