Phối cảnh một dự án bất động sản tại huyện Đông Anh, Hà Nội. (Nguồn: Eurowindow River Park) |
Đất nền bắt đầu hạ nhiệt?
Theo quan sát của các chuyên gia cũng như những nhà đầu tư, cơn sốt đất chóng mặt thời gian qua dường như bắt đầu hạ nhiệt. Nhiều nơi, những người “ôm đất” bắt đầu đẩy hàng ra. Đặc biệt là khi chính quyền nhiều địa phương tăng cường quản lý thì lượng giao dịch gần như rất ít.
Đại diện Savills Việt Nam cho rằng, sự tăng giá "nóng" của thị trường nhà đất thời gian gần đây chủ yếu là đầu cơ thay vì dựa trên nhu cầu có thực. Và khi không phản ánh nhu cầu thực của thị trường thì cơn sốt dừng lại là điều tất yếu.
Theo các chuyên gia, sốt đất là hiện tượng giá đất tăng với một tốc độ đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn. Đa phần các cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và làm đẩy giá lên cao do nguồn cung có hạn.
Các cơn sốt đất dễ trở thành sốt đất ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi.
Trong các cơn sốt đất, nhu cầu mua đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ chờ thời. Thời gian qua, khá nhiều đợt sốt đất nền "chóng vánh", nhưng chỉ sau một tuần hoặc vài tháng, hiện tượng sốt đất đã nguội, dòng người tìm đến cũng không còn và hệ quả là những nhà đầu tư cuối cùng đành "ôm bom".
Đến thời điểm hiện tại, khi các cơn sốt đất có hiện tượng dừng tại một số địa phương trên cả nước thì những dự đoán về sự lao dốc về giá bán đã được đưa ra. Dù chưa rõ ràng ở việc cắt lỗ, hay bán tháo bất động sản sau đợt nóng sốt nhưng rõ ràng, việc nhà đầu tư bán ra được sản phẩm ở thời điểm mà cơn sốt nguội đi là điều vô cùng khó khăn.
Bài học ở Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc… đã chứng minh cho điều này. Dự kiến phải mất một thời gian dài, thị trường những nơi này mới tiếp tục được điều chỉnh lại.
Tin liên quan |
Tin bất động sản mới nhất: Đất ‘đóng băng’ sau tăng giá 10 lần; Đề xuất cách dẹp loạn 'cò'; Kiểm soát dòng tiền đổ ào ào vào địa ốc |
Giá căn hộ TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng
Theo JLL Việt Nam, trong quý I/2021 giá bán sơ cấp trung bình căn hộ đạt 2.468 USD/m2, ổn định theo quý và tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung chủ yếu từ phân khúc trung cấp với giá cả hợp lý.
Việc Sở Tài nguyên – Môi trường của TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện đề án tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện nguồn cung trong năm 2021 với lượng mở bán mới dự kiến đạt 20.000 - 25.000 căn. Các dự án chủ yếu đến từ cửa ngõ phía Đông và phía Nam thành phố.
Quỹ đất khan hiếm cùng nguồn cung hạn chế ở khu vực nội thành đã giúp chuyển hướng nguồn cung và nguồn cầu sang khu vực ngoại thành, nơi có quỹ đất lớn và mạng lưới giao thông dần hoàn thiện. Giá căn hộ mở bán mới được dự báo tiếp tục tăng theo tâm lý thị trường.
Tỷ lệ hấp thụ của các dự án mới trên thị trường vẫn khá tốt, trung bình 80%.
Căn hộ hạng sang tại TP. Hồ Chí Minh xác lập giá kỷ lục
Dự án chung cư hạng sang nằm ngay khu đất vàng Ba Son, quận 1, tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng vừa giao dịch thành công 18.000 USD/m2, tương đương hơn 400 triệu đồng mỗi m2 xác lập mức giá kỷ lục của thị trường nhà ở Việt Nam cuối quý I đầu quý II/2021.
Theo quan sát, thị trường căn hộ hạng sang TP. Hồ Chí Minh đang ở giai đoạn nóng nhất trong vòng một thập niên qua khi liên tục xuất hiện nhiều dự án có giá bán hàng trăm triệu đồng mỗi m2, giai đoạn mở bán sau giá nhà cao hơn các đợt chào hàng trước đó.
Có không ít dự án lập kỷ lục giá bán cao nhất mặt bằng chung của khu vực đang tọa lạc. Cá biệt, có cả trường hợp dự án chào bán ở vùng giá đỉnh của thị trường, phá vỡ kỷ lục giá bán căn hộ cao nhất tại Việt Nam từ trước tới nay.
Các căn hộ hạng sang trên đất vàng quận 1, phố nhà giàu quận 2, hay tận Thủ Đức đều xuất hiện vùng giá đỉnh 100-400 triệu đồng mỗi m2.
Như tại quận 1, nơi được định vị là "tấc đất tấc vàng", cuối tháng 4/2021, tại phường Đa Kao, dự án chung cư hạng sang The Marq tọa lạc vị trí mặt tiền đường Nguyễn Đình Chiểu, chào giá bán tái khởi động 7.500-9.800 USD một m2, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Mức giá chào bán này cũng là vùng giá đỉnh của căn hộ khu Đa Kao, tương đương gần 230 triệu đồng một m2.
Hiện các căn hộ king size (kích cỡ cực lớn) với 4 phòng ngủ tại dự án này có giá bán khoảng 30 tỷ đồng một căn, trong khi loại 3 phòng ngủ có giá thấp nhất 23 tỷ đồng một căn.
Trong khi đó, ở địa bàn kế cận trung tâm như Quận 2 cũng xuất hiện một số dự án hạng sang Cover Residences có giá từ 161 triệu đồng một m2, dự án The River giá chào bán 138 triệu đồng một m2. Các dự án này đều nằm trong nhóm căn hộ có giá top đầu của thị trường nhà chung cư tại phố nhà giàu quận 2.
Theo dự báo của CBRE, giới siêu giàu Việt Nam tăng nhanh sẽ góp phần mở rộng nguồn cầu ở phân khúc nhà ở hạng sang này.
Ở nhóm nhà đầu tư ngoại, những khách hàng tiềm năng của phân khúc bất động sản này là những tỷ phú gốc Á, trong đó các tỷ phú Hàn Quốc có mức độ quan tâm cực lớn đến tài sản sang trọng.
Điều này củng cố thêm vị thế của Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi và đầy tiềm năng ở phân khúc bất động sản hạng sang.
Phối cảnh sảnh đón như khách sạn 5 sao của dự án căn hộ hạng sang vừa công bố giá bán 18.000 USD một m2. |
Đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 quận mới
Hà Nội đặt kế hoạch đưa 5 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận trong 5 năm tới và thêm 3 huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh vào giai đoạn 2026-2030.
Trong 10 chương trình công tác toàn khóa vừa được Thành ủy Hà Nội thông qua, Chương trình 4 đề cập đến nhiều nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng, phát triển nông thôn và nâng cấp 8 huyện lên quận cho giai đoạn 10 năm tới.
Tại hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 4 chiều 23/4, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung rà lại quy hoạch và điều kiện để sớm triển khai các bước thực hiện đầu tư xây dựng 5 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức trở thành quận.
Trước đó huyện Hoài Đức đã được định hướng lên quận từ năm 2020, tuy nhiên do chưa đạt các tiêu chí nên phải lùi thời gian đến cuối năm 2021 hoặc 2022. 4 huyện còn lại (Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) được thành phố (TP) phê duyệt đề án đầu tư để lên quận trong giai đoạn 2021-2025.
Đáng chú ý, trong định hướng phát triển, TP sẽ xem xét đến việc xây dựng huyện Đông Anh trở thành TP trực thuộc Thủ đô. Vấn đề này sẽ tiếp tục được Ban Chỉ đạo của TP bàn thảo kỹ lưỡng trong thời gian tới.
Thêm 6 dự án chậm triển khai tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Theo UBND quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, tính đến ngày 15/4, sau khi kiểm tra, rà soát trên địa bàn quận hiện có 29 dự án chậm triển khai trên địa bàn quận (báo cáo trước đó là 23 dự án).
Trong tổng số 29 dự án, có 2 chủ đầu tư dự án đã xây dựng, đưa công trình vào sử dụng đúng mục đích. UBND quận nêu, hiện có 8 dự án chậm triển khai có hành vi chậm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, với diện tích 27.327m2.
Trong đó có 2/8 dự án, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch (Tập đoàn Nam Cường, Cty CP đầu tư xây dựng số 2); 3 dự án chủ đầu tư chưa chuẩn bị được quỹ đất tái định cư phục vụ di dân giải phóng mặt bằng dự án (Trường Đại học Y tế công cộng, Trung tâm phát triển nhân lực và chuyển giao công nghệ Kim Minh, Công ty dệt kim Thăng Long); Dự án khu đô thị Nam Thăng Long (do Cty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư còn 1,1 ha chưa giải phóng mặt bằng), trách nhiệm thuộc chủ đầu tư.
Đáng chú ý, một số chủ đầu tư không liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định như: Cty cổ phần XNK tổng hợp Hà Nội, Công ty dệt kim Thăng Long, Viện Di truyền nông nghiệp,…).